Hà Nội sẽ dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần

Hà Nội sẽ dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần – rss

Từ 1/1/2026, khách sạn, khu du lịch ở Hà Nội sẽ không lưu hành và sử dụng các sản phẩm và bao bì từ nhựa sử dụng một lần, theo nghị quyết của HĐND thành phố.

Ngày 10/7, HĐND TP Hà Nội thông qua Nghị quyết quy định biện pháp giảm phát thải nhựa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt trên địa bàn. Nghị quyết đưa ra lộ trình dừng sản xuất, nhập khẩu, sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi nylon khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.

Với hoạt động kinh doanh, dịch vụ, Hà Nội quy định từ ngày 1/1/2026, khách sạn, khu du lịch không lưu hành và sử dụng sản phẩm từ nhựa sử dụng một lần (gồm bàn chải đánh răng; dao cạo râu; tăm bông; mũ tắm; bao bì nhựa sử dụng một lần chứa đựng kem đánh răng, sữa tắm, sữa dưỡng thể, dầu gội, sữa dưỡng tóc).

Chợ, cửa hàng tiện lợi không cung cấp miễn phí túi nylon khó phân hủy sinh học kể từ ngày 1/1/2027; không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi nylon khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm), trừ sản phẩm, hàng hóa có bao bì nhựa khó phân hủy sinh học kể từ ngày 1/1/2028.

Trong sinh hoạt, cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể trực thuộc chính quyền thành phố không sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học từ ngày 1/12028.

Với hoạt động sản xuất, doanh nghiệp có sử dụng nhựa PE, PP trong các bao bì phải sử dụng tối thiểu 20% nhựa tái chế kể từ ngày 1/1/2028 và nâng lên tối thiểu 30% sau hai năm.





Túi thân thiện với môi trường (túi giấy trắng hoặc túi vải xanh) phát miễn phí tại một hệ thống siêu thị trên địa bàn Thủ đô. Ảnh: Quang Xuân

Túi thân thiện với môi trường (túi giấy trắng hoặc túi vải xanh) phát miễn phí tại một hệ thống siêu thị trên địa bàn Thủ đô. Ảnh: Quang Xuân

Các doanh nghiệp phải giảm dần việc sản xuất và nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa. Kể từ ngày 1/1/2031, doanh nghiệp dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu.

Hà Nội khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân giảm phát thải nhựa sớm hơn lộ trình ban hành, áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất cho hoạt động tái chế chất thải nhựa để được hưởng hỗ trợ, ưu đãi theo các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của thành phố và trung ương.

Theo tờ trình của UBND TP Hà Nội, chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn hơn 1.400 tấn/ngày; trong đó hơn 60% là chất thải nhựa dùng một lần và túi nylon. Báo cáo hiện trạng tiêu thụ túi nylon dùng một lần trong chuỗi siêu thị tại Hà Nội (khảo sát 48 siêu thị vào năm 2021) cho thấy số lượng túi nylon phát ra miễn phí mỗi ngày hơn 100.000, tương đương 38 triệu túi một năm. Phần lớn lượng túi này chỉ được sử dụng một lần và thải bỏ ra bãi chôn lấp.

Trước thực trạng nêu trên, để tăng cường quản lý, giảm phát thải nhựa trên địa bàn, đồng thời cụ thể hóa nội dung tại điểm D khoản 2 Điều 28 Luật Thủ đô (quy định biện pháp giảm phát thải nhựa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt), thành phố cho rằng việc ban hành một số biện pháp giảm phát thải nhựa riêng của Hà Nội là “hết sức cần thiết, đảm bảo phù hợp với các quy định”.

Tại hội thảo triển khai Chương trình Đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP) ngày 9/7, đại diện Công ty kiểm toán KPMG dẫn báo cáo của Ngân hàng thế giới cho biết Việt Nam liên tục nằm trong số 10 quốc gia hàng đầu về rò rỉ rác thải nhựa. Ước tính năm 2018, Việt Nam phát thải khoảng 3,7 triệu tấn rác thải nhựa, dự báo đến 2030 con số này là 7,6 triệu tấn. Chỉ có 0,4 triệu tấn trong số này được tái chế, trong khi hầu hết nhựa bị đốt cháy, đổ hoặc chôn lấp.

Rác thải nhựa gây ô nhiễm đất, nước, không khí và biển, từ đó tạo điều kiện để vi nhựa theo nguồn nước, không khí hoặc các loại hải sản vào cơ thể người, gây tổn thương tế bào, gây viêm nhiễm, rối loạn tiêu hóa, dị ứng, suy giảm chức năng gan, thận, theo Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF – Việt Nam). Ngoài ra, ô nhiễm nhựa còn tác động đến ngành du lịch như gây mất mỹ quan, hủy hoại phong cảnh, dẫn tới làm giảm lượt khách…

Võ Hải

Tag: thoisu-vnexpress

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 2

No votes so far! Be the first to rate this post.