Từ tháng 10, Hà Nội được yêu cầu thí điểm không dùng nhựa một lần tại cửa hàng đồ uống, quán ăn trong Vành đai 1.
Tại Chỉ thị 20 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ngày 12/7, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội thí điểm không sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng đồ uống, quán ăn… nằm trong Vành đai 1. Việc thí điểm sẽ thực hiện từ Quý IV năm nay và nhân rộng trong những năm tiếp theo.

Vành đai 1 của Hà Nội. Đồ họa: Tiến Thành
Đây là quy định mới nhất liên quan đến giải pháp ngăn chặn ô nhiễm nhựa tại Hà Nội. Thành phố thể hiện quyết tâm giảm thải vật liệu này trước tình trạng hơn 1.400 tấn rác nhựa thải ra mỗi ngày.
Trước đó hai ngày, HĐND thành phố cũng thông qua Nghị quyết quy định biện pháp giảm phát thải nhựa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt trên địa bàn. Dưới đây là lộ trình cấm cụ thể với từng hoạt động.
Thời gian | Đối tượng áp dụng | Sản phẩm, hoạt động cấm |
1/1/2026 | Khách sạn, khu du lịch | Các sản phẩm nhựa một lần gồm bàn chải đánh răng, dao cạo râu, tăm bông, mũ tắm, gói nhỏ đựng kem đánh răng, sữa tắm, dầu gội |
1/1/2027 | Chợ, cửa hàng tiện lợi | Túi nilon cấp miễn phí |
1/1/2028 | Cơ quan công quyền | Nhựa một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học gồm túi nilon, hộp nhựa xốp đóng gói, đựng thực phẩm |
1/1/2031 | Toàn thành phố | Xuất, nhập khẩu các sản phẩm nhựa một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa có chứa vi nhựa |
Theo Nghị định 08 năm 2022, sản phẩm nhựa dùng một lần gồm khay, hộp đựng thực phẩm, bát, cốc, ống hút, dụng cụ khác có thành phần nhựa, được thiết kế để dùng một lần. Còn bao bì nhựa khó phân hủy sinh học là các loại làm từ nhựa PE, PP, PS, PVC, PET, thường lâu phân hủy trong môi trường đất, nước, hoặc bãi chôn lấp.
Các sản phẩm nhựa thường được phân loại theo các mã số nhận dạng, từ 1 đến 7, mỗi loại nhựa có đặc tính và phương pháp tái chế khác nhau. Các mã này thường được in dưới đáy các sản phẩm nhựa.

Bảng phân loại nhựa theo mã số. Đồ họa có sự hỗ trợ từ AI
PET (Polyethylene Terephthalate) – Số 1: Là nhựa phổ biến trong chai nước, đồ uống. Phương pháp tái chế: Nung chảy và đúc khuôn. PET có thể tái chế nhiều lần, dùng để sản xuất các sản phẩm như áo thun, chăn, thảm.
HDPE (High-Density Polyethylene) – Số 2: Chai lọ nhựa sữa, dầu ăn, các sản phẩm gia dụng. Phương pháp tái chế: Nung chảy và đúc khuôn, tái chế cơ học. Nhựa HDPE sau khi tái chế thường được sử dụng để sản xuất các sản phẩm như thùng chứa, hộp đựng, đồ gia dụng, hoặc vỉ nhựa.
PVC (Polyvinyl Chloride) – Số 3: Nhựa mềm dùng trong các sản phẩm như đường ống, vỏ điện thoại. Phương pháp tái chế: Tái chế cơ học (hiếm) và phân hủy hóa học. Tuy nhiên, việc tái chế PVC khá phức tạp và ít phổ biến do khó xử lý các chất phụ gia có trong nhựa này.
LDPE (Low-Density Polyethylene) – Số 4: Túi nhựa, vỏ bọc thực phẩm. Có thể tái chế nhưng ít phổ biến.
PP (Polypropylene) – Số 5: Hộp thực phẩm, vỉ nhựa. Dễ tái chế thành các sản phẩm như thùng chứa, nắp chai.
PS (Polystyrene) – Số 6: Cốc nhựa, hộp xốp. Rất khó tái chế và dễ gây ô nhiễm.
Other (Miscellaneous) – Số 7: Nhựa pha trộn khác. Thường không thể tái chế hoặc khó xử lý.
Nhiều tỉnh, thành cũng hướng tới mục tiêu giảm thải nhựa. Trong đó, các khu du lịch đã tiên phong triển khai. Các đảo Cù Lao Chàm (Đà Nẵng), Cô Tô (Quảng Ninh) cấm du khách mang theo túi nilon từ năm 2019 và 2022. Sáu năm trước, Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) cũng cấm du khách dùng các sản phẩm nhựa một lần như cốc, ống hút, túi nilon. Hồi tháng 5, một tàu du lịch đã bị đình chỉ 7 ngày vì để khách dùng nhựa một lần.
TP HCM cũng đặt mục tiêu xã Thạnh An cùng các điểm du lịch tại Cần Giờ hạn chế sử dụng túi nilon và nhựa một lần đến năm 2030.
Thực tế, hoạt động giảm nhựa đã diễn ra thí điểm tại một chợ Đà Nẵng ba năm trước. Tại chợ Hàn, nhiều tiểu thương sử dụng túi giấy và thu gom túi nilon sạch để tái sử dụng.
Trên bình diện cả nước, theo Nghị định 08/2022, sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi nilon khó phân hủy sinh học, hộp xốp đóng gói, đựng thực phẩm) sẽ không được lưu hành và sử dụng tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch từ sau năm 2025.
Từ ngày 1/1/2026, Việt Nam sẽ giảm sản xuất, nhập khẩu túi nilon khó phân hủy kích cỡ nhỏ. Sau 2030, Chính phủ đặt mục tiêu dừng hẳn việc sản xuất, nhập khẩu đồ nhựa dùng một lần, các loại túi nilon khó phân hủy và hộp xốp đựng thực phẩm.
Bảo Bảo