
Ông Mã Tuấn Trọng sẽ đảm nhiệm CEO Grab tại Việt Nam – Ảnh: Grab
Grab thay đổi dàn lãnh đạo cấp cao
Grab vừa công bố thay đổi nhân sự cấp cao tại Việt Nam, trong bối cảnh thị trường gọi xe và giao hàng chứng kiến sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các đối thủ nội và ngoại.
Ông Mã Tuấn Trọng là một trong những nhân sự có thâm niên lâu năm tại Grab, từng giữ vai trò chủ chốt trong việc phát triển các mảng GrabFood, GrabMart và GrabExpress. Đây là những dịch vụ đưa Grab trở thành ứng dụng gọi xe và giao đồ ăn có lượng người dùng lớn tại thị trường Việt Nam.
Ông Osorio, người tiền nhiệm, sẽ được điều chuyển sang làm CEO Grab Singapore. Trong khi đó, ông Yee Wee Tang, lãnh đạo từng dẫn dắt Grab Singapore sẽ đảm nhiệm vị trí Chief Operating Officer (COO) của tập đoàn Grab, phụ trách điều phối hoạt động tại nhiều quốc gia Đông Nam Á và giám sát tiêu chuẩn an toàn trên toàn hệ sinh thái.
Cả ông Trọng và ông Osorio sẽ cùng báo cáo trực tiếp cho ông Yee Wee Tang.

GSM với taxi điện Xanh SM của tỉ phú Phạm Nhật Vượng đang tạo ra áp lực cạnh tranh đáng kể đối với Grab tại Việt Nam và các app gọi xe khác – Ảnh: QUANG ĐỊNH
“Gió đổi chiều” app gọi xe công nghệ
Từng giữ thế áp đảo thị phần tại Việt Nam, Grab hiện đang đối mặt áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt từ loạt đối thủ như Be, Xanh SM, ShopeeFood, Loship, Ahamove, … Trong đó, Be ứng dụng nội địa đang nổi lên với nhiều chiến lược xây dựng hệ sinh thái gọi xe kết hợp dịch vụ tài chính và tuyên bố đã có lãi tại thị trường Việt Nam.
Các ứng dụng khác cũng tìm được lợi thế riêng như ShopeeFood tận dụng sức mạnh thương mại điện tử và ví ShopeePay để đẩy mạnh giao đồ ăn.
Đáng chú ý, sự trỗi dậy của GSM (Green – Smart – Mobility) với đơn vị taxi thuần điện Xanh SM của tỉ phú Phạm Nhật Vượng đang tạo ra sức ép lớn với Grab.
GSM sở hữu mô hình vận hành khép kín, đội xe 100% xe điện VinFast, trải nghiệm đồng bộ và được hậu thuẫn bởi hệ sinh thái Vingroup. Đây là điểm khác biệt lớn so với mô hình đối tác tài xế truyền thống của Grab.
GSM đang mở rộng nhanh chóng ở hơn 20 tỉnh thành, len lỏi cả vào các phân khúc cao cấp như dịch vụ xe sân bay, xe cho khách sạn, doanh nghiệp, những mảng Grab từng chiếm ưu thế.
Người tiêu dùng ngày càng có xu hướng linh hoạt, thường so sánh giá, khuyến mãi giữa các nền tảng thay vì trung thành tuyệt đối như trước đây.
Dù vậy, nhiều doanh nghiệp đánh giá Grab vẫn có nhiều lợi thế của một siêu ứng dụng đa dịch vụ với độ phủ thương hiệu cao và nền tảng công nghệ vững chắc.
Tuy nhiên, để duy trì tăng trưởng và giữ chân người dùng trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, Grab buộc phải thực hiện những điều chỉnh từ chính sách hỗ trợ tài xế, chiến lược khuyến mãi cho đến việc phát triển sản phẩm phù hợp hơn với thói quen và nhu cầu tiêu dùng của người Việt.