Giữ nguyên khung giá bán lẻ điện bình quân


Khung giá bán lẻ điện bình quân giữ nguyên với mức tối thiểu là 1.826,22 đồng và tối đa là 2.444,09 đồng một kWh, theo quyết định của Chính phủ.

Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn vừa ký ban hành quyết định 07 về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, từ ngày 31/3, khung giá bán lẻ điện bình quân (chưa gồm thuế VAT) tối thiểu là 1.826,22 đồng một kWh và tối đa là 2.444,09 đồng một kWh.

Như vậy, so với mức cũ quy định từ năm 2023, khung giá này vẫn được giữ nguyên. Việc này chưa làm thay đổi ngay giá điện bán lẻ sinh hoạt và sản xuất kinh doanh.

“Khung giá bán lẻ điện bình quân” là mức sàn và trần để Chính phủ quy định “giá bán lẻ điện bình quân”. Khung này cùng với kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện là cơ sở để Bộ Công Thương ra quyết định về giá bán lẻ điện bình quân áp dụng hàng năm.

Theo kết quả kiểm tra của Bộ Công Thương công bố cuối năm ngoái, tổng chi phí sản xuất 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là hơn 528.600 tỷ đồng. Mức này tương đương giá sản xuất 2.088,9 đồng một kWh, tăng 2,79% so với năm 2022.

Năm 2023, EVN lỗ hơn 34.245 tỷ đồng từ sản xuất kinh doanh điện, nếu trừ thu nhập tài chính khác, số lỗ giảm về 21.822 tỷ đồng. Trước đó, “ông lớn” ngành điện cũng lỗ gần 36.300 tỷ đồng vào 2022 từ hoạt động này.

“Giá bán lẻ điện bình quân” – một căn cứ để tính toán giá bán lẻ điện sinh hoạt, sản xuất cho người dân, doanh nghiệp – hiện là 2.103,11 đồng một kWh, áp dụng từ tháng 10/2024. Với cơ cấu biểu giá điện sinh hoạt gồm 6 bậc, mức thấp nhất là 1.893 đồng và cao nhất 3.302 đồng một kWh.

Năm ngoái, tổng doanh thu hợp nhất của EVN đạt khoảng 575.000 tỷ đồng. Công ty mẹ – EVN có lợi nhuận, nhưng chưa được tập đoàn này công bố con số chi tiết.

Hiện giá bán lẻ điện thực hiện theo Quyết định 05/2024, thời gian giữa hai lần điều chỉnh là 3 tháng nếu rà soát, kiểm tra các chi phí đầu vào khiến giá thành tăng từ 3% trở lên.

Cuối năm ngoái, khi lấy ý kiến về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ 3 tháng hiện nay xuống còn 2 tháng, khi chi phí sản xuất điện biến động 2% trở lên, thấp hơn so với mức 3% đang áp dụng.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng việc này có thể khiến các doanh nghiệp gặp khó trong dự trù và cân đối chi phí. Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thời gian điều chỉnh tối thiểu 3 tháng sẽ phù hợp với thời điểm tổng hợp số liệu, nhất là chi phí đầu vào sản xuất của ngành điện và thông lệ nghiệp vụ kế toán.

Phương Dung



How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 0 / 5. Vote count: 0

No votes so far! Be the first to rate this post.