Nguyễn Văn Hoành bị phạt tù chung thân do huy động hơn 400 tỷ đồng với lãi suất tới 70% mỗi năm, lấy tiền người sau trả người trước.
Ngày 15/7, Nguyễn Văn Hoành, 50 tuổi, Giám đốc Công ty cổ phần HP102 Việt Nam, bị TAND Hà Nội tuyên tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ông Nguyễn Văn Hoành trước khi bị bắt. Ảnh: Xuân Hoa
Ông Hoành bị cáo buộc lợi dụng pháp nhân Công ty cổ phần HP102 (kinh doanh lĩnh vực quảng cáo, cho thuê thiết bị quảng cáo) để huy động vốn của khách thông qua hình thức nhận ủy quyền cho thuê thiết bị quảng cáo, hứa hẹn trả lợi nhuận cao.
Sau khi nhận được tiền, ông ta chỉ sử dụng một phần nhỏ mua thiết bị quảng cáo, còn lại sử dụng chi tiêu cá nhân, chi trả cho hoạt động của công ty và trả lãi cho người đầu tư trước. Tháng 5/2020, giám đốc này mất khả năng thanh toán.
VKS xác định từ tháng 5/2018, ông Hoành tổ chức hội thảo, đưa ra các chương trình “dụ” nhà đầu tư theo hình thức: khách đưa cho 12,8 triệu đồng để ủy quyền cho ông ta mua một bộ thiết bị quảng cáo (TV và đầu tải dữ liệu). Công ty của ông ta sau đó sẽ thuê và trả lãi 1,6-1,8 triệu đồng mỗi tháng, tương đương lãi suất 50-70% mỗi năm.
Khách hàng sẽ chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản cá nhân của ông này hoặc nộp tiền mặt tại công ty để kế toán công ty chuyển lại vào tài khoản cho Hoành.
Theo VKS, thực tế các “nhà đầu tư” không biết về việc bị cáo mua thiết bị quảng cáo thế nào, cũng không biết về hoạt động kinh doanh của công ty mà chỉ quan tâm đến lãi suất.
Sau khi nhận được tiền của nhà đầu tư, Hoành chỉ dùng một phần nhỏ để đầu tư mua thiết bị quảng cáo phục vụ hoạt động kinh doanh, còn lại chủ yếu chi tiêu cá nhân, trả nợ, chi tiền hoa hồng, thưởng kết nối, chi phí tổ chức các cuộc hội thảo…
Thực tế, các điểm đặt thiết bị quảng cáo chỉ hoạt động trong thời gian ngắn, không hiệu quả, không có khả năng sinh lợi nhuận cao như Hoành quảng bá và hứa hẹn, số tiền gốc và lãi phải trả cho khách hàng rất lớn.
Để có tiền chi trả cho các hợp dồng đến hạn, Hoành tiếp tục huy động tiền góp vốn của các “nhà đầu tư” sau nhưng đến tháng 5/2020 thì mất khả năng chi trả. Sau đó, ông ta hứa hẹn chia cổ tức cho các cổ đông để tránh việc bị đòi tiền.
Theo cơ quan công tố, tính đến ngày 5/5/2020, còn 2.161 nhà đầu tư còn hiệu lực hợp đồng với HP102. Trong số này, 415 người chưa được nhận đủ số tiền như Hoành cam kết nhưng đã nhận nhiều hơn số tiền gốc họ đã nộp. Tổng tiền họ đã nộp gần 29,7 tỷ đồng và số tiền đã nhận lại 35,6 tỷ đồng.
1.358 người chưa nhận lại đủ tiền so với tiền đã đầu tư ban đầu. Tổng số tiền họ đầu tư là 328 tỷ đồng, song mới được trả 120 tỷ đồng. Những người còn lại chuyển sang nhận cổ tức nhưng chưa nhận được, tổng hơn 86 tỷ đồng.
Kết quả sao kê tài khoản ngân hàng của Hoành xác định, trong hai năm xảy ra lừa đảo, tổng tiền khách hàng chuyển là 409 tỷ đồng, tức trung bình 17 tỷ đồng mỗi tháng.
Ông Hoành chỉ dùng 8 tỷ để thực sự kinh doanh như cam kết, còn gần 300 tỷ đồng để trả tiền gốc, lãi cho khách hàng. Số tiền còn lại ông ta mua chung cư, góp vốn vào các công ty và đầu tư vào Forex 84 tỷ đồng, đã thua lỗ hết, cáo trạng nêu.
Cơ quan thuế xác định báo cáo tài chính 2018-2020 đều cho thấy vốn chủ sở hữu tăng từ 1,6 lên 110 tỷ đồng nhưng cả 3 năm, lợi nhuận đều âm, doanh thu mỗi năm chỉ 150-700 triệu đồng.
Tại cơ quan điều tra và tại tòa, bị cáo thừa nhận hành vi, khai ngay từ khi kinh doanh, chi phí mỗi bộ thiết bị đã lên tới gần 25 triệu đồng mà doanh thu chỉ lẹt đẹt 300-600 nghìn đồng mỗi tháng.
Bị cáo nhận thức, quá trình kêu gọi đầu tư đã biết rõ dự án không thể phát sinh lợi nhuận như cam kết với các nhà đầu tư. Do đó, để tạo sự tin tưởng với khách hàng, ngay từ năm 2018, Hoành đã phải sử dụng tiền của khách hàng đầu tư sau để chi trả cho những khách hàng đầu tư trước.
Số tiền gốc và lãi đến hạn phải thanh toán cho khách, hàng tháng trung bình khoảng 20 tỷ đồng nên Hoành buộc phải tiếp tục huy động của nhiều nhà đầu tư hơn nữa để lấy tiền chi trả.
Mặt khác, Hoành cũng sử dụng tiền huy động của khách hàng vào mục đích cá nhân (chơi forex, mua nhà, trả nợ)… mà không mua đủ thiết bị cho khách hàng như cam kết.
Về quản lý hoạt động của Công ty HP 102, ông ta khai do một mình thành lập, quản lý và điều hành, còn những thành viên góp vốn là do Hoành mượn chứng minh thư để hoàn thiện thủ tục.
Quá trình điều tra xác định: các nhân viên công ty, các đầu mối môi giới và các cá nhân đứng tên thành viên HĐQT của Công ty HP 102 đều không tham gia bàn bạc hay được hưởng lợi từ tiền Hoành chiếm đoạt nên không bị xử lý.
Như vậy, ông Hoành đã lừa đảo chiếm đoạt 208 tỷ đồng của 1.358 bị hại, hiện 452 bị hại yêu cầu bồi thường cả gốc và tiền lãi là 181 tỷ đồng. Bị cáo chưa bồi thường, khắc phục hậu quả cho các bị hại.
Hải Thư