Giấc mơ về những mái nhà lành lặn

Giấc mơ về những mái nhà lành lặn – rss

Hà TĩnhNhiều năm qua, người lính già 98 tuổi và cặp vợ chồng câm điếc ở huyện Hương Khê luôn mơ về một ngôi nhà kiên cố, nhưng chưa bao giờ được như ý.

Ở thôn 3, xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, căn nhà ba gian của ông Trần Viết Vấn, 98 tuổi, nằm lọt thỏm trong ngõ nhỏ, tường quây bằng ván thông, mái lợp fibro xi măng. Ngôi nhà dựng 24 năm trước bằng tiền tích góp của cả gia đình. Nay nhà nhiều vị trí bị mối ăn rỗng ruột, mái thủng lỗ chỗ, kèo cột đã mục nát.

Ông Vấn từng tham gia chiến trường Điện Biên Phủ, miền Nam, Lào. Vợ ông – bà Nguyễn Thị Tam, vừa bước sang tuổi 100, mắc bệnh liệt nằm một chỗ, trí tuệ không còn minh mẫn. Hai người gần như không thể tự phục vụ bản thân. Hàng ngày, con dâu Nguyễn Thị Hồng, 63 tuổi, nhà cách hai km đạp xe đến nấu nướng, tắm rửa, giặt đồ cho bố mẹ chồng.





Ông Trần Viết Vấn kể về cuộc sống của gia đình. Ảnh: Đức Hùng

Ông Trần Viết Vấn kể về cuộc sống của gia đình. Ảnh: Đức Hùng

Vợ chồng ông Vấn sinh được 3 người con (2 trai, 1 gái), đều lập gia đình và sống trên địa bàn, song kinh tế eo hẹp nên không thể hỗ trợ bố mẹ. Hàng tháng hai ông bà nhận lương hưu và trợ cấp xã hội hơn 4 triệu đồng, chi tiêu tằn tiện chỉ đủ lo tiền thuốc thang, mua nhu yếu phẩm sinh hoạt hàng ngày, không có dư giả.

Ông Vấn chia sẻ, nhiều năm qua, thấy căn nhà càng xuống cấp, mùa hè nóng như cái lò nung, đông về lạnh thấu xương, vì thế tích góp được hơn chục triệu định để gia cố lại mái.

Nhưng cơ thể ốm yếu của ông khiến dự định dang dở. Năm ngoái những vết thương chiến tranh tái phát khiến ông Vấn phải nhập viện điều trị nhiều ngày, khoản tiền sửa nhà “bốc hơi”.

“Tôi thương vợ, những lúc mưa gió, thấy bà ấy nằm co ro mà lòng quặn thắt”, ông Vấn kể. Những hôm đài báo gió mùa, ông Vấn gọi điện cho các con đến căng bạt, chèn gạch vào những lỗ thủng xung quanh nhà. Bão về thì hai vợ chồng bắt buộc phải sơ tán tới nhà con tránh trú.

Người con dâu Nguyễn Thị Hồng (con dâu), cho hay các con từng bàn bạc sẽ vay tiền làm nhà mới cho bố mẹ sinh sống, nhưng ông Vấn không đồng ý. Ông bảo tiền để dành làm việc đại sự hơn, lo cho các cháu ăn học. Ông còn dọa “không nghe lời thì nếu có làm nhà cũng không ở”.





Ông Trần Viết Vấn bên căn nhà lụp xụp, dọa sập hồi đầu tháng 4/2025. Ảnh: Kim Anh

Ông Vấn bên căn nhà lụp xụp, dọa sập hồi đầu tháng 4/2025. Ảnh: Ngọc Anh

“Bố mẹ luôn hết lòng lo cho con cháu, không muốn bị làm phiền”, bà Hồng kể. Vì thế, lúc rét mướt, bà thường túc trực tại nhà bố mẹ chồng, nhóm than củi trong chậu nhôm đưa vào đặt cạnh giường để sưởi ấm. Sau trận bão hồi cuối năm ngoái, ngôi nhà được gia cố, chằng chéo thêm bằng nhiều sợi thép cỡ lớn, bà Hồng bảo “trông như lô cốt”.

Ông Vấn tâm sự khi còn trẻ từng mơ ước có một căn nhà cấp bốn xây gạch, đủ kín để chắn gió, bão về không lo bị sập. Nhưng đến nay khi gần 100 tuổi dự định ấy vẫn dang dở.

Nhưng người thương binh 2/4 vẫn xem mình là người may mắn khi còn sống trở về, có con cháu sum vầy. “Nhiều người nằm lại chiến trường không về được. Tôi được như hiện tại là may mắn lắm rồi”, ông Vấn nói.

Dẫu vậy, ông thừa nhận nếu có một điều ước thì vẫn mơ về một căn nhà xây gạch. Đây là mong muốn cuối đời, không phải cho mình, mà là cho người vợ đang bị liệt.

“Lỡ tôi mà đi trước, bà ấy biết ở đâu khi ngôi nhà không còn vững nữa”, ông Vấn nói.





Anh Đăng và mẹ - bà Phan Thị Hiên. Ảnh: Đức Hùng

Anh Mai Hải Đăng và mẹ – bà Phan Thị Hiên. Ảnh: Đức Hùng

Cách nhà ông Vấn khoảng 500 m, con đường đất rộng hơn 3 m dẫn vào nhà anh Mai Hải Đăng, 30 tuổi, quanh co khúc khuỷu. Ngôi nhà cấp 4 nơi 5 thành viên trong gia đình anh đang sinh sống nằm lưng chừng đồi, rộng khoảng 60 m2, được xây bằng tường vữa từ năm 2010, nay đã xuống cấp, mái thủng, tường nứt.

Số phận của Đăng cũng gấp khúc, trắc trở như chính con đường và công trình anh đang ở.

Bà Phan Thị Hiên, 60 tuổi, cho biết vợ chồng sinh được ba người con, Đăng là anh cả, bị câm điếc bẩm sinh từ lúc mới lọt lòng. Gia đình vay mượn đưa Đăng đi chữa nhiều nơi song không có kết quả. Bà chấp nhận thực tại, tự tìm hiểu ngôn ngữ để trở thành người “phiên dịch” cho con.

Thông qua mẹ, Đăng kể lúc hơn 5 tuổi hiểu được tình trạng của mình rất buồn. Việc đến trường vì thế lỡ dở, cậu phải nghỉ học sớm, ở nhà theo bố mẹ đi làm thuê. Trưởng thành, Đăng đi học nghề tại một trung tâm khuyết tật ở TP Hà Tĩnh, làm quen với chị Nguyễn Thị Quỳnh – cũng bị câm điếc bẩm sinh, và đồng cảm.

“6 năm trước, nó lặng lẽ đặt vào tay mẹ tờ giấy với dòng chữ nghệch ngoạc ghi nội dung: con muốn lấy vợ“, bà Hiên kể. Quá bất ngờ, nhưng bà Hiên vẫn gặng hỏi Đăng “nửa kia thế nào”, thì được đáp “cũng mắc bệnh không khác gì con”.





Ngôi nhà của gia đình anh Đăng. Ảnh: Kim Anh

Ngôi nhà của gia đình anh Mai Hải Đăng. Ảnh: Ngọc Anh

Bà Hiên tâm sự, con thiệt thòi đủ thứ, có người đầu ấp tay gối là điều rất tốt, song vẫn lo lắng bởi hai vợ chồng cùng khuyết tật thì đường con cái sẽ vất vả. Nhưng Đăng kiên quyết, bảo “con cần người nương tựa khi bố mẹ về già”.

Vừa mừng vừa lo, vợ chồng bà Hiên đồng ý, đám cưới của cặp đôi diễn ra sau đó 3 tháng.

Năm 2020, chị Quỳnh mang bầu, hạ sinh một bé gái. Bà Hiên bảo luôn nín thở theo dõi quá trình trưởng thành của cháu, lo sợ mang khiếm khuyết như bố mẹ. May mắn là bé biết lắng nghe được mọi âm thanh xung quanh. Khoảng 18 tháng tuổi, bé bắt đầu biết gọi “bố mẹ – ông bà”, cả nhà vỡ òa cảm xúc. Đăng đi đâu cũng vui vẻ, giơ hay tay vẽ ký hiệu, khoe với mọi người “con tôi biết nói”.

Đăng tâm sự, gia đình là động lực giúp anh vượt qua những nghịch cảnh. Dù sức khỏe yếu, song thỉnh thoảng anh vẫn đi phụ hồ để kiếm tiền mua sữa, cho con đi học mầm non. Bà Hiên cũng làm 6 sào lúa, 2 sào ngô để có lương thực ăn hàng ngày và bán lấy tiền trang trải các khoản sinh hoạt. Cũng vì kinh tế eo hẹp, thu nhập vỏn vẹn 3-4 triệu đồng mỗi tháng, nên gia đình bà Hiên không có tích lũy, giấc mơ về việc sửa ngôi nhà xây 15 năm trước đề ra nhiều năm qua chưa thành.

Mỗi lần mưa, nước từ mái ngói thủng chảy vào nhà, Đăng phải lấy xô và chậu hứng. Bà Hiên nhiều lần định vay ngân hàng để xây nhà mới để con cháu đỡ cực, nhưng lo sợ nợ khoản tiền lớn, bản thân tuổi đã cao, lỡ sau này bệnh tật nằm một chỗ chưa trả hết thì vô tình lại dồn gánh nặng vào cơ thể khiếm khuyết của Đăng.

Đăng cũng nhiều đêm tâm sự với mẹ, nhà nằm trên đồi chực chờ nguy cơ sạt lở, muốn sau này kiếm tiền dời đi nơi khác để tránh nguy hiểm. Hơn nữa, cô con gái hơn 4 tuổi chính là tương lai của cả gia đình, Đăng luôn tự nhủ vợ chồng cần phải cố gắng cho bé một căn nhà lành lặn hơn để có không gian sinh hoạt và phát triển. Nhưng với sức lực hiện tại, những dự định ấy vẫn mãi nằm trong suy nghĩ.

Để giúp gia đình ông Trần Viết Vấn và anh Mai Hải Đăng ở huyện Hương Khê có nơi cư trú an toàn, Quỹ Hy vọng phối hợp Ngân hàng Agribank thực hiện chương trình “Nhà Hy Vọng”. Độc giả có thể đóng góp cho chương trình nhằm xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, khó khăn ở Hà Tĩnh tại đây:

Đức Hùng

Tag: thoisu-vnexpress

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 5

No votes so far! Be the first to rate this post.