Giá cà phê lao dốc về dưới 90.000 đồng một kg

Giá cà phê lao dốc về dưới 90.000 đồng một kg – rss

Từ cuối tháng 5 đến nay, giá cà phê liên tục lao dốc và nay tụt dưới 90.000 đồng một kg, giảm 34% so với mức đỉnh hồi tháng 3.

Ghi nhận tại Đăk Lăk, Lâm Đồng cho thấy, giá cà phê sáng 12/7 tiếp tục giảm 2.300-2.800 đồng một kg so với hôm qua, xuống 89.500 – 90.300 đồng một kg. Đây là mức thấp nhất trong một năm qua, khiến thị trường giao dịch ảm đạm.

Trên sàn London, giá robusta tiếp tục giảm. Hợp đồng giao tháng 9 mất 0,9%, còn 3.290 USD một tấn; tháng 11 giảm 1,22%, xuống 3.234 USD một tấn. Đây là phiên giảm thứ tám liên tiếp, đưa giá về mức thấp nhất từ tháng 2.

Ngược lại, giá arabica trên sàn New York tăng nhẹ. Hợp đồng giao tháng 9 tăng 0,45%, lên 6.376 USD một tấn; tháng 12 tăng 0,18%, lên 6.231 USD một tấn. Mức tăng chủ yếu do lo ngại thời tiết bất lợi ở Brazil ảnh hưởng đến nguồn cung.

Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, giá robusta giảm sâu do nhiều yếu tố. Đầu tiên là nguồn cung cà phê tăng trở lại. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2024-2025 đạt 174,4 triệu bao, tăng gần 3% so với vụ trước. Trong đó, Brazil dẫn đầu với 65 triệu bao, Việt Nam ước đạt 31 triệu bao (tăng 6,9%) và Indonesia đạt 11,25 triệu bao.

Trong khi đó, nhu cầu toàn cầu chỉ khoảng 169,36 triệu bao, khiến thị trường dư thừa hơn 9 triệu bao – mức thặng dư cao nhất trong 5 năm. Ngoài ra, đồng USD mạnh lên, đồng real Brazil yếu đi khiến nông dân Brazil đẩy mạnh bán ra. Thời tiết thuận lợi cũng giúp đẩy nhanh thu hoạch, càng làm tăng nguồn cung.

Nhiều nhà đầu cơ quốc tế đã tranh thủ chốt lời sau đợt tăng giá đầu năm, khiến giá hợp đồng kỳ hạn bị bán tháo. Tâm lý thị trường hiện nghiêng về xu hướng giảm giá.

Tại Việt Nam, giá giảm sâu khiến giao dịch trầm lắng. Một lãnh đạo doanh nghiệp xuất khẩu ở Đăk Lăk cho biết, từ cuối tháng 6 đến nay, thị trường gần như ngưng trệ do người dân không muốn bán ở vùng giá thấp.

Theo ông này, cà phê là mặt hàng phụ thuộc lớn vào xuất khẩu nên giá chịu ảnh hưởng mạnh từ thị trường thế giới và các quỹ đầu cơ. Nếu các quỹ tiếp tục xả hàng, giá khó phục hồi trong ngắn hạn.

Đợt giảm giá này gây áp lực lớn lên nông dân. Chị Thanh Hải ở Quảng Ngãi cho biết năm ngoái, với hơn 1 ha cà phê, năm ngoái chị thu 800 triệu đồng, lãi khoảng 500 triệu đồng sau khi trừ chi phí. “Nếu giá vụ năm nay giảm về 70.000-80.000 đồng một kg, lãi có thể chỉ còn 100-150 triệu đồng, trong khi chi phí phân bón và nhân công tăng 10-30%,” chị nói.

Chị Oanh ở Đăk Lăk, sở hữu 5 ha cà phê, cho biết chưa kịp vui vì giá cao năm ngoái, năm nay đã lo lắng vì giá biến động mạnh. Gia đình chị vừa trồng mới thêm 1 ha nhưng hiện không dám đầu tư thêm. Tuy nhiên, chị vẫn hy vọng giá phục hồi do sản lượng năm nay dự báo thấp hơn vì ảnh hưởng thời tiết.

Theo Bloomberg, Mỹ đã nhập khẩu gần 2 tỷ USD cà phê từ Brazil trong năm 2024, chiếm khoảng 30% nhu cầu tiêu dùng nội địa. Ông Marcos Matos – Giám đốc điều hành Cecafé, nhận định xuất khẩu tăng từ Brazil có thể khiến giá cà phê tại Mỹ tăng, góp phần đẩy lạm phát cao hơn.

Trong dài hạn, thị trường cà phê toàn cầu đối mặt áp lực cạnh tranh ngày càng lớn khi nhiều quốc gia mở rộng diện tích và sản lượng nhờ giá cao giai đoạn 2021-2024.

Giới phân tích cho rằng nếu không có biến động lớn về thời tiết hoặc địa chính trị, giá cà phê khó tăng trong quý III. Trong bối cảnh này, nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu cần kiểm soát chi phí, duy trì chất lượng để ứng phó biến động thị trường.

Thi Hà

Tag: kinhte-vnexpress

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 3

No votes so far! Be the first to rate this post.