
Giá ca cao đang tăng vọt, nông dân rất phấn khởi – Ảnh: MINH PHƯƠNG
Hiện giá hạt ca cao khô tại Đắk Lắk đang dao động ở mức 240.000 – 260.000 đồng/kg, gấp đôi so với năm trước. Ca cao tươi cũng đạt mức cao kỷ lục 15.000 – 16.000 đồng/kg.
Ông Dương Quang Khang (thôn Tân Tiến, xã Ea Na, huyện Krông Ana, Đắk Lắk) cho biết ca cao chịu hạn tốt, ít tốn công chăm sóc và chi phí thấp hơn nhiều loại cây dài ngày.
Năm 2004 ông đầu tư trồng 9 sào ca cao, nhưng nhiều năm liền giá bấp bênh, có lúc chỉ 38.000 – 40.000 đồng/kg, thậm chí không ai mua. Thêm vào đó, mùa mưa sâu bệnh khiến năng suất giảm, ông đành phá bỏ 3 sào.
Tuy nhiên từ năm 2022 đến nay giá ca cao tăng mạnh, hiện ở mức 240.000 – 260.000 đồng/kg, giúp người trồng có thêm thu nhập, yên tâm tái đầu tư.

Cây ca cao giống vài năm trở lại đây bán chạy khi giá quả tươi, hạt khô tăng – Ảnh: MINH PHƯƠNG
Ông Nguyễn Văn Sỹ, giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp sản xuất ca cao hạt Tân Thành (xã Ea Na), cho biết hợp tác xã có 15 xã viên, canh tác 36ha.
“Hai năm nay giá ca cao tăng ổn định, hiện đạt khoảng 235.000 đồng/kg hạt khô. Bà con tích cực chăm sóc, năng suất đạt 1,5 – 1,8 tấn/ha/năm, lợi nhuận sau chi phí khoảng 400 – 450 triệu đồng/ha. Nhờ vậy nhiều hộ cải thiện đời sống, mua sắm thêm trang thiết bị”, ông Sỹ nói.
Hợp tác xã chủ động thu mua quả tươi, sơ chế, ủ lên men và phơi khô trước khi bán. Đồng thời xây dựng liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra ổn định, tổ chức tập huấn kỹ thuật và cập nhật giá cả, phúc lợi cho xã viên.
Tại Đắk Lắk diện tích ca cao trên 10 năm tuổi tập trung ở các công ty như Cà phê Tháng Mười, Cà phê – Ca cao Krông Ana, Cà phê Buôn Hồ. Thời gian qua nhiều diện tích đã chuyển sang cà phê, sầu riêng, bơ do ca cao mất giá kéo dài.

Nông dân Đắk Lắk thu hoạch ca cao – Ảnh: MINH PHƯƠNG
Mở rộng diện tích từ hơn 1.000ha ca cao hiện có
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk cho biết ca cao là 1 trong 5 cây công nghiệp chủ lực, với hơn 1.000ha. Tỉnh đang triển khai đề án phát triển ngành hàng ca cao bền vững, rà soát vùng trồng, cơ cấu giống phù hợp, tăng năng suất. Đồng thời thúc đẩy liên kết từ nông dân đến doanh nghiệp, phát triển đa dạng sản phẩm từ ca cao đến thanh sô cô la.
Tiến sĩ Trương Hồng – nguyên viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên – nhận định đây là thời điểm thuận lợi để tái cơ cấu cây ca cao theo hướng kinh tế tuần hoàn, khi cầu vượt cung và giá tăng cao. Mô hình này góp phần nâng giá trị nông sản, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông dân.