Gần 600 cán bộ công đoàn nghỉ việc do tinh giản nhưng không được hỗ trợ

Gần 600 cán bộ công đoàn nghỉ việc do tinh giản nhưng không được hỗ trợ – rss

Nhiều cán bộ công đoàn làm việc theo hợp đồng lao động nghỉ việc từ 1/7 do sắp xếp bộ máy, nhưng không thuộc diện được hỗ trợ theo quy định.

Ông Nguyễn Hùng, 54 tuổi, có gần 18 năm làm việc tại Liên đoàn Lao động quận 12 (TP HCM cũ), phải nghỉ việc khi tổ chức công đoàn cấp quận bị giải thể. Những người trong biên chế được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 178, còn ông Hùng – thuộc diện ký hợp đồng lao động – không nhận được bất kỳ khoản trợ cấp nào.





Ông Nguyễn Hùng sắp xếp lại tài liệu của Liên đoàn lao động quận 12 để giao về thành phố, ngày 28/6. Ảnh: Lê Tuyết

Ông Nguyễn Hùng sắp xếp lại tài liệu của Liên đoàn lao động quận 12 để giao về thành phố, ngày 28/6. Ảnh: Lê Tuyết

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Luật, ông Hùng làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn, hưởng lương theo hệ số nhà nước, phụ cấp công tác Đảng, công vụ và các chế độ đặc thù của TP HCM. Ông khẳng định trách nhiệm và công việc không khác gì cán bộ công đoàn biên chế, song khi nghỉ việc lại không được thừa nhận như vậy.

Từng đeo bám nhiều cuộc ngừng việc của công nhân, theo đuổi các vụ kiện đòi quyền lợi cho lao động hàng năm trời, ông luôn tự hào vì mình là cán bộ công đoàn. Tuy nhiên, giờ đây khi sắp xếp lại tổ chức, ông cảm thấy bản thân như người thừa.

“Tôi cảm thấy rất đau xót”, ông Hùng nói, lo lắng cho tương lai khi tuổi cao, vợ thu nhập bấp bênh, con trai đang học đại học.

Tương tự, anh Dương Thế Nguyên, cán bộ công đoàn chuyên trách các khu chế xuất – công nghiệp TP HCM nói hụt hẫng khi phải nghỉ việc để tinh gọn bộ máy nhưng không có bất kỳ chế độ nào.

Gần 16 năm gắn bó với công đoàn, anh Nguyên nói luôn hết mình với công việc từ phong trào đến hoạt động chăm lo, đại diện bảo vệ quyền lợi người lao động, hướng dẫn thương lượng khi công nhân ngừng việc, nhận ủy quyền khởi kiện cho đoàn viên tại tòa…

Đỉnh điểm Covid-19 bùng phát, anh không ngại khi xung phong ra tuyến đầu tiếp tế lương thực cho các khu cách ly, nhà máy hoạt động “3 tại chỗ”, hỗ trợ tiêm vaccine… “Chúng tôi chưa bao giờ kêu ca, tị nạnh nhưng giờ đây khi nghỉ việc thì bị phân biệt là cán bộ làm việc bằng hợp đồng lao động”, anh Nguyên nói. Ở tuổi 46, anh lo lắng khó tìm được việc mới trong khi vợ đang thất nghiệp, con gái mới hai tháng tuổi.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cả nước có 574 cán bộ công đoàn làm việc theo hợp đồng lao động, phần lớn có thời gian công tác lâu năm, đảm nhận nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ như công chức. Tuy nhiên, do không thuộc biên chế, nhóm này không được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 178 khi tổ chức sắp xếp, tinh giản.





Anh Dương Thế Nguyên trao quà cho công nhân trong chương trình Tết năm 2023. Ảnh: An Phương

Anh Dương Thế Nguyên trao quà cho công nhân trong chương trình Tết năm 2023. Ảnh: An Phương

Bộ Nội vụ sau khi rà soát cho rằng nhóm lao động ký hợp đồng này không thuộc các vị trí được phép ký hợp đồng trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp theo quy định, nên không thuộc diện hỗ trợ theo Nghị định 178 hoặc Nghị định 67.

Ông Đặng Ngọc Tùng, nguyên chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết số cán bộ công đoàn hợp đồng phát sinh do nhu cầu thực tế khi biên chế không đủ đáp ứng.

Theo quy định, số biên chế của tổ chức công đoàn tương đương với đoàn thanh niên, hội phụ nữ, nông dân. Tuy nhiên, công việc của tổ chức công đoàn rất nhiều, phải làm việc trực tiếp với công đoàn cơ sở ở các khu công nghiệp, địa bàn quận, huyện có nhiều nhà máy. Số lượng công nhân, đoàn viên, công đoàn cơ sở luôn tăng dần theo thời gian. Để đảm bảo được nhân sự làm việc, công đoàn phải tuyển thêm người, ký hợp đồng lao động và sử dụng kinh phí công đoàn chi trả lương, chế độ. Việc này được thực hiện hàng chục năm qua, lực lượng này có vai trò quan trọng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn.

“Tôi đồng tình với việc tinh gọn bộ máy, nhưng không nên để ai bị bỏ lại phía sau. Những cán bộ này xứng đáng được ghi nhận và hỗ trợ như người trong biên chế”, ông Tùng nói và cho biết đã kiến nghị cơ quan chức năng cho phép sử dụng kinh phí công đoàn để chi trả chế độ cho các cán bộ này, không ảnh hưởng ngân sách nhà nước.

Bà Vũ Thế Vân, nguyên Chủ tịch công đoàn các khu chế xuất – công nghiệp TP HCM, nói khi sắp xếp lại bộ máy, đơn vị của bà phải giải thể từ 1/7, nhiều người trong biên chế nghỉ việc có chế độ nhưng 10 cán bộ ký hợp đồng lao động không được hỗ trợ gì. Họ rời đi trong khó khăn, lớn tuổi, nuôi con nhỏ, chăm sóc cha mẹ già, ở nhà thuê…

“Xem xét hỗ trợ cho các cán bộ này vừa giúp anh chị em vượt qua khó khăn, cũng là ghi nhận sự đóng góp của họ với tổ chức và đúng với truyền thống, mục tiêu của tổ chức công đoàn”, bà Vân nói.

Lê Tuyết

Tag: thoisu-vnexpress

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 5

No votes so far! Be the first to rate this post.