
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ lãi suất lần thứ 7 trong 10 tháng qua, kể từ khi bắt đầu quá trình nới lỏng tiền tệ.
Ngày 17/4, ECB thông báo giảm lãi suất tham chiếu thêm 25 điểm cơ bản (0,25%) về 2,25%. Động thái này đã được thị trường dự báo từ trước. So với mức đỉnh giữa năm 2023 là 4%, lãi suất hiện tại đã thấp hơn đáng kể.
Trong thông báo, ECB nhận định “triển vọng tăng trưởng đang xuống cấp do căng thẳng thương mại leo thang”. Họ cũng cảnh báo tình hình bất ổn có thể làm suy giảm niềm tin của các hộ gia đình và doanh nghiệp. Phản ứng tiêu cực và biến động của thị trường trước căng thẳng thương mại cũng có thể khiến điều kiện tài chính bị thắt chặt.
Đây là lần giảm lãi suất thứ 7 trong 10 tháng qua của ECB. Việc này diễn ra trong bối cảnh chính sách thuế nhập khẩu của Tổng thống Mỹ Donald Trump gây ra bất ổn trên toàn cầu, đồng thời làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng kinh tế của eurozone.
Các nhà kinh tế học và giới phân tích cho rằng thuế nhập khẩu là nguyên nhân chính khiến ECB hạ lãi suất. Dù nhiều chính sách áp thuế của các bên đã được hoãn, nỗi lo chúng tác động đến tăng trưởng kinh tế vẫn hiện hữu.
Thị trường hiện chờ đợi liệu ECB có thay đổi phát biểu về chính sách tiền tệ hay không, và liệu quan chức có đưa ra tín hiệu nào về lãi suất trung hòa (neutral rate). Đây là mức lãi suất không kích thích và cũng không kìm hãm nền kinh tế.
Julien Lafargue – chiến lược gia tiền tệ tại Barclays Private Bank cho rằng dù đã đoán được việc ECB giảm lãi suất, “thị trường vẫn cần biết liệu chính sách tiền tệ có được nới lỏng trong 6-12 tháng tới hay không”.
Căng thẳng thương mại Mỹ, châu Âu vài tháng qua leo thang. Đến nay, ông Trump đã áp thuế nhập khẩu 25% lên nhôm, thép, xe hơi, xe tải nhỏ và phụ tùng xe toàn cầu. Toàn bộ đối tác thương mại của Mỹ chịu mức thuế chung 10%. EU đã công bố kế hoạch trả đũa thuế nhôm, thép từ 15/4, nhưng hoãn lại 90 ngày sau khi Mỹ cũng hoãn thuế đối ứng trong khoảng thời gian tương tự.
Hà Thu (theo CNBC, Reuters)