Thanh HóaKhám 6 nhà kho, công an thu 10 tấn thuốc và nguyên liệu trong đường dây sản xuất thuốc giả quy mô lớn do Nguyễn Tiến Đạt cầm đầu.
Ngày 16/4, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố bị can, tạm giam Nguyễn Tiến Đạt, 34 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội và Trịnh Doãn Giáo, 40 tuổi, ở quận Bình Tân, TP HCM cùng 12 nghi can để điều tra về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh.

Thuốc giả được công an thu giữ. Ảnh: Lam Sơn
Trước đó, hàng chục trinh sát của Công an Thanh Hoá ập vào khám xét 6 địa điểm tại Hà Nội, TP HCM, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, An Giang, Đồng Tháp do nhóm Đạt sử dụng làm nơi sản xuất, cất giấu thuốc chữa bệnh giả.
Nhà chức trách thu hàng nghìn hộp thuốc kháng sinh, thuốc bổ, thuốc thoái hoá xương khớp… giả thương hiệu lớn trên thế giới như Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter, Tui Hua Shen Jing Tong, Trùng thảo sâm nhung bổ tỳ, Gai cốt hoàn, Tuyết liên thiên ma bảo khớp hoàn…
Tổng khối lượng thuốc giả và nguyên liệu bị tịch thu khoảng 10 tấn. Nguyên liệu dược phẩm, dược liệu, thảo mộc đều mua không rõ nguồn gốc xuất xứ…
Công an tỉnh Thanh Hóa cáo buộc Nguyễn Tiến Đạt với vai trò cầm đầu đã câu kết với Trịnh Doãn Giáo ở phía Nam để hình thành “mạng lưới sản xuất, buôn bán tân dược giả quy mô lớn, quy trình khép kín, thủ đoạn rất tinh vi”.

Các nghi can đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả bị khởi tố, tạm giam. Ảnh: Lam Sơn
Đạt chỉ đạo thuê nhiều nhà kho ở nơi vắng người tại An Giang, TP HCM, Hà Nội. Nhân công đều là anh em hoặc người thân quen được sắp xếp ăn ở khép kín tại xưởng sản xuất, tuyệt đối không giao tiếp với cư dân xung quanh.
Thủ đoạn bán thuốc giả ra thị trường cũng được nhóm này tính toán nhằm tránh bị phát giác. Đạt tuyển nhiều nhân viên dưới vỏ bọc là dược sĩ (trình dược viên) chuyên buôn bán thuốc cho công ty dược. Các bị can này được huấn luyện thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook quảng cáo có nguồn thuốc kháng sinh chính hãng, tuồn ra từ nguồn đấu thầu hoặc bán chạy doanh số không xuất được hóa đơn nên rao bán rẻ hơn so với hàng chính hãng.
Về các loại thuốc giả mạo nguồn gốc nước ngoài, các bị can giới thiệu đây là “hàng xách tay” để lấy lòng tin của người mua. Ngoài ra, để tạo niềm tin cho người sử dụng, các bị can mua thuốc thật trà trộn vào thuốc giả.
Công an cáo buộc, từ năm 2021 đến khi bị bắt, đường dây này đã bán ra thị trường số lượng thuốc giả rất lớn, thu lời bất chính gần 200 tỷ đồng.