Du học dang dở, 9x về quê làm nông nghiệp thu tiền tỷ

Du học dang dở, 9x về quê làm nông nghiệp thu tiền tỷ – rss

Từ Nhật trở về trong đại dịch, Phong không ngờ vườn rau quê nhà lại mở ra bước ngoặt khiến anh bén duyên với đồng ruộng và kiếm tiền tỷ mỗi năm.

Năm 2020, Covid-19 bùng phát, Phong – du học sinh ngành công nghệ ôtô ở Nhật – buộc phải về nước. Anh tưởng việc ngừng học chỉ là tạm thời, nhưng không ngờ visa trì hoãn mãi không được cấp lại.

Trong lúc chờ visa, Phong trở thành nông dân bất đắc dĩ, ra đồng phụ bố mẹ. Công việc ấy dần trở thành lựa chọn nghiêm túc mà chàng trai Lâm Đồng sinh năm 1998 muốn gắn bó cả thời tuổi trẻ.





Phạm Thanh Phong thu hoạch khoai tây tại ruộng hôm 9/4 tại Lâm Đồng. Ảnh: Thanh Phong

Phạm Thanh Phong thu hoạch khoai tây tại ruộng hôm 9/4 tại Lâm Đồng. Ảnh nhân vật cung cấp

Ban đầu chỉ đơn thuần là phụ giúp gia đình, nhưng càng làm, Phong càng bị cuốn hút vào công việc đồng áng. Từ những buổi sáng lấm lem đất, anh bắt đầu thấy mình gắn bó với cánh đồng hơn cả những phòng thí nghiệm cơ khí ngày trước. Hằng ngày, anh rong ruổi khắp các ruộng rau, khoai trong vùng, học cách cải tạo đất, xử lý sâu bệnh, ghi chép kỹ lưỡng từng công đoạn. Bên cạnh việc học hỏi từ các nông hộ có năng suất cao, anh còn tích lũy kinh nghiệm từ truyền thống làm nông lâu đời của gia đình.

Bố mẹ Phong, từng dành nhiều tâm huyết và chi phí để anh theo đuổi giấc mơ Nhật Bản, nhưng cũng không hề phản đối khi thấy con trai nghiêm túc với nông nghiệp. Trái lại, mẹ Phong động viên: “Làm gì cũng được, miễn là con thấy vui và sống đàng hoàng”. Từ sự ủng hộ đó, Phong bắt đầu hoạch định một lối đi mới cho bản thân.

Sau 2 năm tích luỹ kinh nghiệm, năm 2023, Phong bắt đầu vụ mùa đầu tiên với bắp cải trên 3 ha đất. Nhưng thời tiết thất thường, sâu bệnh và giá nông sản xuống thấp chỉ 3.000 đồng mỗi kg, khiến Phong hụt hẫng.

“Làm quần quật từ sáng đến tối, cực nhọc là vậy nhưng lãi chỉ hơn 100 triệu đồng,” Phong kể.

Có lúc cũng nản lòng, nhưng vì đam mê nông nghiệp, Phong tự nhủ đây chỉ là trải nghiệm đầu tiên, bài học để anh có thêm động lực vượt qua những thử thách phía trước.

Năm làm nông nghiệp thứ hai, anh vẫn chọn bắp cải nhưng giảm một nửa diện tích. Canh tác bắp cải tưởng dễ nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là khi theo hướng nông nghiệp an toàn. Đây là loại rau có vòng đời ngắn, phát triển nhanh, rất nhạy cảm với thời tiết và sâu bệnh. Một đợt mưa kéo dài hoặc sương muối bất chợt có thể khiến cây bị hỏng ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng. Bắp cải cũng là “mồi ngon” của nhiều loại sâu hại như sâu tơ, sâu xanh, rệp… Ngoài ra, đất trồng cần tơi xốp, thoát nước tốt và giàu dinh dưỡng – điều không dễ đạt được nếu không cải tạo kỹ lưỡng.

Chi phí đầu tư là trở ngại không nhỏ, nhưng Phong may mắn nhận được sự hậu thuẫn tài chính từ gia đình. Khác với cách làm thông thường, đất trong mô hình sản xuất an toàn phải xử lý vi sinh trước khi trồng. Phong chi tiền mua men vi sinh để khử nấm, vi khuẩn có hại trong đất. Từng giai đoạn sinh trưởng đều được theo dõi sát sao, từ độ ẩm đến dấu hiệu sâu bệnh – tất cả được ghi chép trong nhật ký canh tác. Nhờ vậy, vụ sau không chỉ năng suất cao mà chất lượng bắp cải cũng vượt trội, giúp anh bán được giá tốt hơn. Doanh thu vụ bắp cải này đạt 600 triệu đồng, lãi ròng khoảng 400 triệu.

Dù vụ mùa này đạt hiệu quả, Phong cho rằng giá cả bấp bênh vẫn là nỗi lo lớn nhất của người làm nông. Thay vì trồng tự phát rồi phụ thuộc vào giá thương lái, anh chọn liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra ổn định.

Năm 2024, Phong thử sức với khoai tây – loại cây chưa từng trồng. Không còn sản xuất tự phát, anh liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra ổn định. Lần này, anh chọn giống khoai do Công ty Orion cung cấp, trồng trên hơn 3 ha đất. Giống này có thời gian sinh trưởng 110-120 ngày, nếu chăm sóc tốt sẽ cho củ đồng đều, tỷ lệ hàng thương phẩm cao.

Thời gian đầu, mọi thứ không suôn sẻ, khoai dễ bị bệnh khi thời tiết không thuận lợi. Nhưng thay vì hoảng, anh tìm các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh phù hợp mà không ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng để khống chế chúng. Phong phải kiểm tra độ ẩm đất mỗi ngày, tưới tiêu hợp lý, bón phân đúng kỹ thuật.

Theo Phong, chỉ cần một đợt nóng kéo dài hoặc độ ẩm sai lệch, cây sẽ còi cọc, không ra củ. Anh còn phải đối mặt với nấm mốc, bọ cánh cứng và vi khuẩn trong đất. Tuy vậy, nhờ học hỏi kinh nghiệm từ cha và kiên trì quan sát, Phong dần nắm vững kỹ thuật, từng bước kiểm soát được sâu bệnh và cải thiện vườn khoai tây.

Vụ khoai đầu tiên kéo dài từ cuối tháng 12 năm ngoái đến đầu tháng 4 năm nay, Phong thu gần 100 tấn, doanh thu hơn một tỷ đồng, lãi khoảng 600-700 triệu đồng. Ngoài khoai tây, anh còn trồng thêm cà tím và hoa màu khác, nâng tổng doanh thu cả năm lên khoảng 1,3 tỷ đồng.

Phong nhận ra làm nông không chỉ là gieo trồng, mà còn là quản lý rủi ro. Thời tiết, sâu bệnh, giá cả đều có thể khiến một vụ mùa thất bại. Vì vậy, theo Phong, liên kết với doanh nghiệp, chủ động tìm hiểu thị trường và cải tiến quy trình sản xuất là bài học giúp anh làm nông nghiệp dễ gặt hái thành công hơn.





Khoai tây cho thu hoạch tại ruộng của Phong tại Lâm Đồng. Ảnh: Thanh Phong

Khoai tây cho thu hoạch tại ruộng của Phong tại Lâm Đồng. Ảnh: Thanh Phong

Đại diện Công ty Orion Việt Nam cho biết, vụ khoai của Phong bắt đầu thu từ đầu tháng 4, năng suất đạt khoảng 3,3 tấn mỗi sào – kết quả khá tốt với người lần đầu trồng khoai tây. Dù chưa phải năng suất cao nhất, đây là minh chứng cho sự chịu khó và thích nghi của người trẻ với nghề nông. Hiện dự án khoai tây quê hương mà Orion triển khai đang tạo ra hơn 50.000 tấn khoai tươi mỗi năm, làm nguyên liệu cho các loại bánh snack trong nước và xuất khẩu.

Chính quyền địa phương cũng đánh giá cao mô hình của Phong. Theo ông Hà Ngọc Chiến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, các dự án liên kết như của Orion hay Pepsi giúp bà con ổn định đầu ra, không lo bị ép giá. Những năm gần đây, nhiều người trẻ như Phong tham gia mô hình này, góp phần làm nông nghiệp bài bản, chất lượng hơn.

Theo ông Chiến, mô hình của Phong không chỉ giúp gia đình anh phát triển kinh tế, mà còn truyền cảm hứng cho nhiều thanh niên địa phương. Nhiều bạn trẻ từng nghĩ làm nông là cực khổ, không có tương lai, nhưng thấy Phong làm được, họ cũng hăng hái và nhiệt huyết hơn với mô hình nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp.

Đến cuối năm 2024, diện tích khoai tây tại Lâm Đồng tăng thêm 150 ha so với năm 2023, đạt 2.854 ha, sản lượng hơn 80.000 tấn, trong đó gần một nửa dùng để chế biến. Những con số ấy cho thấy, nếu người làm nông có hướng đi đúng, biết học hỏi và liên kết, ruộng đồng không chỉ nuôi sống mà còn giúp họ làm giàu.

Phong chưa dừng lại. Anh đang lên kế hoạch mở rộng diện tích canh tác, thử nghiệm giống cây mới phục vụ xuất khẩu và xây dựng thương hiệu riêng cho nông sản quê nhà. Anh cũng sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm, truyền cảm hứng cho những bạn trẻ đang ấp ủ giấc mơ rời phố về quê trồng cây, dựng nghiệp. Với anh, trở về quê không phải là thất bại, mà là cơ hội để bắt đầu một chương đời khác.

Thi Hà

Tag: kinhte-vnexpress

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 2

No votes so far! Be the first to rate this post.