Doanh nghiệp Việt tìm cách giảm phụ thuộc thị trường Mỹ

Doanh nghiệp Việt tìm cách giảm phụ thuộc thị trường Mỹ – rss

Theo các nhà xuất khẩu, thuế đối ứng 46% của Mỹ như hồi chuông cảnh tỉnh, thúc đẩy doanh nghiệp tái cơ cấu, mở rộng thị trường để giảm phụ thuộc.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024, theo Hải quan. Tuy nhiên, đây cũng là nơi tiềm ẩn nhiều rủi ro chính sách, đặc biệt với các mặt hàng dệt may, đồ gỗ, thủy sản và điện tử. Những nhóm ngành này cũng đang bị Mỹ siết chặt kiểm soát về xuất xứ để phòng tránh gian lận thương mại.

Mới đây, Mỹ đưa ra mức thuế đối ứng lên hàng hoá Việt 46%. Ngoài mức thuế, các chính sách thương mại Mỹ còn ngày càng gắn chặt với tiêu chí môi trường và lao động, tạo thêm rào cản phi thuế quan.

Trước khả năng Mỹ áp mức thuế cao, doanh nghiệp Việt không còn cách nào khác ngoài việc xoay trục chiến lược. Trong bối cảnh đó, tại hội thảo “Cafe doanh nhân HUBA” ngày 10/5, ông Phạm Bình An – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, cho rằng đã đến lúc doanh nghiệp cần cơ cấu lại hoạt động, tìm cách giảm lệ thuộc vào một thị trường duy nhất. Ông nhấn mạnh nếu không thay đổi kịp thời, doanh nghiệp sẽ dễ bị tổn thương khi đối tác thay đổi chính sách.

Theo ông, một trong những giải pháp được nhiều doanh nghiệp hướng tới là khai thác mạng lưới hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Thị trường Nhật Bản, châu Âu, Australia hay ASEAN đang được coi là lựa chọn thay thế nhờ rào cản kỹ thuật thấp và thuế suất ưu đãi. Cùng với đó, thị trường nội địa vẫn được các chuyên gia đánh giá là điểm tựa chiến lược dài hạn. Với hạ tầng logistics, tài chính và công nghiệp hỗ trợ phát triển mạnh tại TP HCM, doanh nghiệp có thể tận dụng để cắt giảm chi phí và ổn định đầu ra, đặc biệt trong bối cảnh thị trường quốc tế đầy biến động.





Ông Phạm Bình An - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM. Ảnh: HUBA

Ông Phạm Bình An – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM. Ảnh: HUBA

Một số ngành nhạy cảm như dệt may đang có sự chuẩn bị rõ ràng hơn. Trước áp lực chứng minh xuất xứ, các doanh nghiệp đang tăng tỷ lệ sử dụng nguyên liệu nội địa, siết chặt quản lý chuỗi cung ứng và đẩy mạnh tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thêu đan TP HCM, cho biết ngành này đang đặt mục tiêu nâng tỷ lệ nguyên liệu nội địa từ 40% lên 60% để tránh rủi ro điều tra và giảm phụ thuộc nguồn cung bên ngoài.

Song song với điều chỉnh về cung ứng, doanh nghiệp còn đứng trước áp lực xanh hóa và số hóa – hai xu hướng không thể đảo ngược trong thương mại toàn cầu. Theo các chuyên gia, việc không đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường và công nghệ có thể khiến doanh nghiệp bị loại khỏi chuỗi cung ứng quốc tế.

Ở cấp độ vĩ mô, TS Cấn Văn Lực cho biết Việt Nam đang chuẩn bị ba kịch bản thuế quan sau đàm phán với Mỹ. Kịch bản tích cực là thuế giảm còn 10%, trung tính là 20-25%, và tiêu cực là giữ nguyên 46%.

Kịch bản trung tính được chuyên gia đánh giá là khả thi nhất, dù vẫn kéo theo nguy cơ giảm xuất khẩu 1,2-1,5% và giảm FDI khoảng 3-5%. Nếu Mỹ giữ nguyên mức thuế cao nhất, tăng trưởng GDP có thể giảm về mức 5,5-6%, đặc biệt ảnh hưởng tới ngành điện tử, thủy sản và sản phẩm nhựa.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 6/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan hệ kinh tế – thương mại với Mỹ được đặt trong tổng thể quan hệ với các nước, đặc biệt là những đối tác đã ký kết hiệp định thương mại tự do. Ông cũng nêu rõ Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng không phải là duy nhất. Do đó, đây cũng là cơ hội để cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nhanh, bền vững, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành hỗ trợ doanh nghiệp nâng chất lượng hàng hóa và mở rộng xuất khẩu sang các thị trường như Trung Đông, Đông Âu, Trung Á, Mỹ La tinh, Ấn Độ và ASEAN.

Thi Hà

Tag: kinhte-vnexpress

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 8

No votes so far! Be the first to rate this post.