Doanh nghiệp sầu riêng ‘vừa đi vừa dò đường’ vào thị trường tỷ đô

Doanh nghiệp sầu riêng ‘vừa đi vừa dò đường’ vào thị trường tỷ đô – rss

Theo các doanh nghiệp, họ không chỉ gặp khó sau thu hoạch mà còn đang chịu gánh nặng từ chi phí kiểm định quá cao.

Xuất khẩu sầu riêng đang chững lại trong 4 tháng đầu năm, khi thị trường Trung Quốc siết kiểm soát chặt, còn nội địa thiếu đồng bộ về quy định. Nhiều doanh nghiệp thừa nhận vẫn đang loay hoay để đáp ứng chuẩn kỹ thuật và thủ tục xuất khẩu chính ngạch.

Chia sẻ tại hội nghị phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững chiều 24/5 ở Đăk Lăk, bà Nguyễn Thái Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Ban Mê Green Farm, cho biết doanh nghiệp gặp khó trong xuất khẩu sầu riêng do thiếu văn bản hướng dẫn sau thu hoạch. Hiện chưa có thông tư chính thức, khiến doanh nghiệp phải tự xoay xở, “vừa làm vừa dò đường” để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật từ nước nhập khẩu.





Bà Nguyễn Thái Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Ban Mê Green Farm phát biểu tại hội nghị chiều 24/5 ở Đăk Lăk. Ảnh: Nông nghiệp và Môi trường

Bà Nguyễn Thái Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Ban Mê Green Farm phát biểu tại hội nghị chiều 24/5 ở Đăk Lăk. Ảnh: Nông nghiệp và Môi trường

Sự thiếu hụt này từng khiến một số doanh nghiệp vướng sự cố. Bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty Chánh Thu, cho biết từng có chất “vàng 0” xuất hiện trong chuỗi sản xuất nhưng doanh nghiệp không biết đây là chất cấm mà tưởng là nghệ. “Thời gian qua, để loại chất vàng 0 ra khỏi nhà máy, chúng tôi đã mất rất nhiều công sức và chi phí”, bà Vy cho hay.

Bà Vy cũng cho rằng về thuốc bảo quản, Việt Nam còn hạn chế, vì vậy, cần sự vào cuộc của Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng Bộ Khoa học và Công nghệ để tài trợ cho các đơn vị nghiên cứu ra sản phẩm bảo quản phù hợp với trái sầu riêng.

“Tôi mong người tiêu dùng Trung Quốc nhớ đến sầu riêng Việt, chứ không chỉ hàng Thái hay Malaysia”, bà Vy nói. Một số sản phẩm Việt đã bán được giá cao hơn các đối thủ cạnh tranh khác tại thị trường tỷ USD.

Công ty Sầu riêng Tây Nguyên (Sarita) là một trong số ít doanh nghiệp vươn ra EU sau năm đầu xuất khẩu hơn 6.000 tấn. Tuy nhiên, phía sau con số ấn tượng, doanh nghiệp này đang đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt chi phí kiểm nghiệm.

Ông Vũ Phi Hổ, đại diện Sarita, cho biết công ty xuất khẩu quả tươi, cấp đông và múi, thu mua từ 1.600 hộ dân ở Đăk Lăk. Chi phí kiểm nghiệm sầu riêng là 400.000 đồng một mẫu, một container tốn 40 triệu đồng. Với kế hoạch xuất khẩu 200 container sầu riêng mỗi năm, chi phí kiểm nghiệm có thể tiêu tốn hàng chục tỷ đồng.

Ngoài khó khăn về chi phí, các doanh nghiệp còn đối mặt với tình trạng thiếu thống nhất trong cấp phép và kiểm soát cơ sở đóng gói, khiến nhiều đơn vị chưa đạt chuẩn vẫn hoạt động. Trung Quốc chỉ công nhận cơ sở được Tổng cục Hải quan nước này phê duyệt, nhưng nhiều đơn vị chưa được Bộ Nông nghiệp và Môi trường cấp phép vẫn tham gia thị trường. Tình trạng “vàng thau lẫn lộn” đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín sầu riêng Việt.





Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy. Ảnh: Nông nghiệp và Môi trường

Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy. Ảnh: Nông nghiệp và Môi trường

Vùng nguyên liệu sầu riêng cũng là điểm nghẽn. Các vùng còn canh tác manh mún, thiếu thống nhất kỹ thuật khiến chất lượng không đồng đều, khó kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Cục Trồng trọt xác nhận hệ thống dữ liệu vùng trồng còn thiếu, chưa có quy chuẩn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy yêu cầu rà soát lại vùng trồng, tránh mở rộng tự phát, lạm dụng đất rừng, đất dốc; quản lý chặt quy hoạch để bảo vệ cân bằng sinh thái và an toàn sản xuất.

Ông cho biết hiện chỉ 20-25% diện tích sầu riêng cả nước được cấp mã số vùng trồng – con số còn thấp. Nếu nâng lên 70-80% diện tích trái cây này được cấp mã số, giá trị xuất khẩu sẽ tăng mạnh, tạo lợi thế cạnh tranh quốc tế. Do đó, địa phương cần siết chặt quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói, xác định rõ trách nhiệm chủ sở hữu mã số, xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ tại từng địa phương và xử lý nghiêm hành vi gian lận. Thông tư hướng dẫn sẽ được ban hành sớm.

Bộ trưởng đề nghị huy động sự tham gia đồng bộ của chính quyền, hiệp hội, doanh nghiệp, nông dân và có thể học hỏi mô hình truy xuất nguồn gốc vải thiều Bắc Giang cũng như kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện chuỗi giám sát.

Để nâng sức cạnh tranh, ông kêu gọi hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết khép kín, đầu tư kho lạnh, trung tâm logistics và cơ sở sơ chế hiện đại. Về truyền thông, cần phổ biến kiến thức canh tác bền vững, giữ ổn định mã số vùng trồng đã được cấp. Việc Trung Quốc phê duyệt gần 1.000 mã là kết quả đáng ghi nhận, nhưng duy trì ổn định vẫn là trách nhiệm của địa phương.

Về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thái Thanh đề xuất lập trung tâm kiểm dịch thực vật tại các vùng nguyên liệu lớn như Đăk Lăk. “Hiện doanh nghiệp phải đưa hàng ra tận cửa khẩu mới được kiểm dịch, chi phí đội lên, rủi ro hư hỏng cao”, bà nói.

Một hướng đi khác là đầu tư hệ thống kiểm định tại chỗ. Ông Trần Minh Châu, đại diện Vinacontrol, cho biết đang lên kế hoạch xây phòng thử nghiệm tại Đăk Lăk để kiểm tra chỉ tiêu cadimi – yếu tố quan trọng trong xuất khẩu. Tuy nhiên, thủ tục đất đai đang làm chậm tiến độ xây phòng thử nghiệm của doanh nghiệp.

Bộ trưởng Khoa học & Công nghệ Đỗ Đức Duy đánh giá cao kế hoạch này, yêu cầu tỉnh Đăk Lăk tạo điều kiện, đặc biệt về đất đai. Ông cũng chỉ đạo các cục, vụ liên quan cử đoàn kiểm tra, hỗ trợ doanh nghiệp. “Trung tâm cần đi vào vận hành trước vụ thu hoạch chính tháng 8-9 để kịp phục vụ xuất khẩu”, ông nói.

Không chỉ phục vụ doanh nghiệp, các cơ sở kiểm nghiệm còn hỗ trợ hợp tác xã, nông dân test nhanh tại vườn, kiểm soát chất lượng từ đầu. Đây là điều kiện then chốt để cấp mã số vùng trồng, nâng chuẩn sản phẩm.

Ông Nguyễn Thiên Văn, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk, cam kết hỗ trợ tối đa từ thủ tục pháp lý đến triển khai thực tế. Việc kiểm nghiệm không chỉ phục vụ xuất khẩu mà còn giúp chuẩn hóa vùng trồng, nâng năng lực canh tác.

Ngày 23/5, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký Công điện 71 về thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu sầu riêng bền vững. Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường làm việc với Hải quan Trung Quốc để thống nhất quy trình kiểm tra, công nhận mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, phòng thử nghiệm đạt chuẩn; đồng thời bố trí đủ nhân lực, thiết bị kiểm dịch và nâng cao năng lực xét nghiệm.

Bộ Tài chính chỉ đạo Hải quan ưu tiên thông quan, đề xuất cơ chế hỗ trợ tài chính, giãn thuế, nghiên cứu công nghệ bảo quản, chế biến sâu. Bộ Công an điều tra gian lận mã số vùng trồng, giả mạo hồ sơ và đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng.

Thi Hà

Tag: kinhte-vnexpress

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 9

No votes so far! Be the first to rate this post.