Doanh nghiệp ô nhiễm nhất Australia thu chục triệu USD từ bán carbon

Doanh nghiệp ô nhiễm nhất Australia thu chục triệu USD từ bán carbon – rss

Nhà máy LNG của Chevron tăng phát thải lên 8,8 triệu tấn CO2 vào năm ngoái, nhưng vẫn thu về khoảng 10 triệu USD từ bán hạn ngạch carbon.

The Guardian trích dữ liệu từ chính phủ Australia cho biết nhà máy LNG Gorgon của Chevron nằm trong danh mục 219 cơ sở công nghiệp ô nhiễm và phát thải nhiều nhất nước này trong ba năm gần đây.

Tuần trước, cơ quan chức năng công bố dữ liệu phát thải của các cơ sở nói trên, khiến giới khoa học kêu gọi thay đổi chính sách khí hậu. Bởi lấy ví dụ từ nhà máy Gorgon, họ vẫn thu về chục triệu USD nhờ bán hạn ngạch carbon, dù gia tăng ô nhiễm.





Nhà máy LNG Gorgon tại đảo Barrow, Tây Australia, ngày 11/4/2016. Ảnh: AP

Nhà máy LNG Gorgon tại đảo Barrow, Tây Australia, ngày 11/4/2016. Ảnh: AP

Chính sách khí hậu được Liên đảng Australia áp dụng từ năm 2016, gọi là “cơ chế bảo vệ”, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào 2050. Cơ chế này áp dụng cho 219 cơ sở gây ô nhiễm lớn thải ra hơn 100.000 tấn khí nhà kính mỗi năm, trong lĩnh vực điện, khai khoáng, khí đốt, sản xuất, chất thải và vận tải. Theo ước tính, các cơ sở này thải ra gần một phần ba lượng khí CO2 của Australia.

Tương tự các thị trường carbon khác, các cơ sở gây ô nhiễm tại Australia được cấp hạn ngạch phát thải. Doanh nghiệp nào phát thải dưới ngưỡng, được quyền bán hạn ngạch cho đơn vị ô nhiễm hơn.

Tuy nhiên, để khuyến khích doanh nghiệp giảm thải trong quá trình sản xuất, cơ chế bảo vệ được thiết kế để giảm lượng CO2 trên đơn vị sản phẩm. Tức là, một cơ sở tăng ô nhiễm, nhưng sản xuất sạch hơn sẽ không bị phạt.

Chính sách này giúp nhà máy Gorgon của Chevron vẫn dưới ngưỡng phát thải, dù lượng khí CO2 thải ra tăng gần 9% so với cùng kỳ. Năm 2023, nhà máy này thải ra 8,1 triệu tấn CO2, trong khi được cấp 8,3 triệu tấn hạn ngạch. Năm ngoái, lượng phát thải của họ tăng lên 8,8 triệu tấn CO2, nhưng hạn ngạch được nới lên 9,2 triệu tấn nhơ cơ chế bảo vệ.

Theo dữ liệu công bố, Gorgon dư 388.800 tấn CO2, có thể bán cho các cơ sở ô nhiễm vượt mức. Giá không được tiết lộ, nhưng doanh nghiệp có thể thu về 10 triệu USD với mức trung bình hơn 30 USD mỗi tấn CO2, theo Quỹ Bảo tồn nước Australia.

Thực tế, tính đến năm 2023, khí nhà kính từ 219 cơ sở đã tăng từ 131,3 triệu tấn lên 138,7 triệu tấn CO2 trong sáu năm đầu thực thi chính sách khí hậu. Năm ngoái, tổng khí thải giảm 2%, thu về 136 triệu tấn CO2. Nếu tính thêm tín chỉ carbon các doanh nghiệp đã mua bù trừ, lượng khí thải ước tính giảm tới 7%.

Mặc dù lượng khí thải bắt đầu giảm sau nhiều năm gia tăng, các nhà vận động khí hậu chỉ ra cơ sở ô nhiễm giảm thải không đồng đều. Nhóm hoạt động Lock the Gate ước tính 70% trong số khoảng 100 mỏ than và cơ sở khí đốt thuộc chương trình đã tăng lượng khí thải trực tiếp.

Chẳng hạn, nhà máy xử lý khí đốt North West Shelf của Woodside Energy tại bán đảo Burrup đã thải ra 6,1 triệu tấn CO2, mức hạn ngạch được cấp là 5,5 triệu tấn. Điều đó có nghĩa là Woodside và các đối tác của nhà máy phải nộp khoản tiền để bù 608.000 tấn CO2 với tổng chi phí có thể tới 21 triệu USD.

Chris Bowen, Bộ trưởng Biến đổi khí hậu và Năng lượng, nói hành động giảm phát thải từ nhiều cơ sở công nghiệp cho thấy chính phủ đang “hành động thực sự với biến đổi khí hậu”. Cơ quan chức năng Australia cho rằng nước này đi đúng hướng tiến tới mục tiêu phát thải giữa kỳ vào năm 2030, cắt giảm 43% khí thải so với 2005. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết cần phải cắt giảm nhanh hơn nữa.

John Connor, Giám đốc Viện Thị trường carbon, đại diện cho doanh nghiệp tạo ra và đầu tư vào các khoản bù trừ khí thải, cho biết cơ chế bảo vệ đã có “khởi đầu tốt”. Nhưng kết quả này nên được coi là giai đoạn “tập đi”, ngành công nghiệp cần tăng đầu tư để cắt giảm phát thải trong những năm tới, theo ông Connor.

Bảo Bảo (theo The Guardian, Conversation)

Tag: kinhte-vnexpress

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 5

No votes so far! Be the first to rate this post.