Chuyên gia Ngô Trí Long đề xuất thành lập một ngân hàng chuyên trách để đáp ứng nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào 2050.
Tại Diễn đàn dầu khí và năng lượng thường niên 2025 ngày 28/7, PGS.TS Ngô Trí Long (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính) cho biết nhu cầu đầu tư cho chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam tăng mạnh, nhưng hệ thống tài chính hiện nay chưa đủ sức đáp ứng về quy mô, kỳ hạn và cơ chế chia sẻ rủi ro.
Do đó, chuyên gia đề xuất Việt Nam thành lập một ngân hàng chuyên trách về năng lượng là Ngân hàng Năng lượng quốc gia (NEB). Định chế tài chính này do Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng quốc gia Việt Nam (PVN) phối hợp với các nhà băng lớn như BIDV, Agribank, Vietcombank, có sự bảo trợ của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước.
NEB sẽ tập trung cấp tín dụng trung và dài hạn (15-25 năm) cho các dự án năng lượng tái tạo, lưu trữ năng lượng, hydrogen xanh, điện gió ngoài khơi. Ngân hàng này sẽ huy động vốn thông qua công cụ tài chính xanh và đổi mới, phát hành trái phiếu xanh, huy động vốn từ thị trường quốc tế với lãi suất ưu đãi.
Nhà nước tham gia với vai trò chia sẻ rủi ro thông qua quỹ bảo lãnh rủi ro đầu tư năng lượng. PVN bảo lãnh kỹ thuật – công nghệ, hỗ trợ thẩm định dự án năng lượng mới và chuyển giao công nghệ.

PGS.TS Ngô Trí Long phát biểu tại diễn đàn năng lượng, ngày 28/7. Ảnh: Minh Đức
Theo ông Long, trên thế giới mô hình tương tự đã được triển khai thành công tại nhiều quốc gia. Chẳng hạn, KfW (Đức) là ngân hàng phát triển nhà nước, đã tài trợ hơn 80 tỷ EUR cho các dự án năng lượng sạch tại châu Âu với tỷ lệ đòn bẩy tài chính lên tới 1:5. Hay Green Bank (Anh) huy động hơn 15 tỷ USD từ khu vực tư nhân trong 5 năm đầu, chủ yếu thông qua trái phiếu xanh và hợp tác công – tư. Còn IFF là mô hình hợp tác giữa Chính phủ Indonesia và WB/ADB, chuyên tài trợ các dự án hạ tầng năng lượng dài hạn.
“Mô hình Ngân hàng Năng lượng Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi các thể chế này nhưng cần được bản địa hóa, kết hợp giữa vai trò điều phối của Nhà nước, năng lực kỹ thuật của PVN và nguồn lực thị trường”, ông Long nói.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam cần đầu tư hơn 368 tỷ USD, tương đương 6,8% GDP mỗi năm, trong đó riêng lĩnh vực năng lượng chiếm hơn 135 tỷ USD, để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào 2050.
Tuy nhiên, chuyên gia dẫn số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy tổng đầu tư công vào lĩnh vực năng lượng giai đoạn 2016-2023 chỉ chiếm khoảng 15-18% vốn đầu tư công toàn ngành (28-32 tỷ USD). Điều này cho thấy sự thiếu hụt nghiêm trọng về nguồn lực rót vào lĩnh vực năng lượng. Trong khi đó, các ngân hàng khó đáp ứng yêu cầu vốn của các dự án năng lượng tái tạo mới do thiếu kiến thức chuyên sâu, hạn chế kỳ hạn cho vay (đa phần dưới 10 năm) và không có cơ chế bảo lãnh rủi ro công nghệ và ngoại tệ.
Thực tế, việc thu xếp vốn đầu tư cho chuyển dịch năng lượng cũng là thách thức lớn của các nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Theo ông Nguyễn Trung Khương, Ban Chiến lược PVN, các lĩnh vực mới như điện gió ngoài khơi, sản xuất hydrogen, amonia xanh hay phát triển điện hạt nhân yêu cầu vốn đầu tư rất lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài.
“Việc huy động, sắp xếp và tối ưu hóa các nguồn vốn này trong bối cảnh cạnh tranh và các quy định tài chính hiện hành là một thách thức vô cùng lớn”, ông nói.
Để tháo gỡ, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương, cho rằng Việt Nam cần có cơ chế thu hút khối tư nhân đầu tư vào các dự án chuyển dịch năng lượng, trong đó có cơ chế đối tác công – tư. Bên cạnh đó, nhà điều hành cũng cần cải cách thị trường điện, cơ chế mua bán, giá, cũng như giải quyết các vấn đề tồn đọng từ bán buôn đến bán lẻ điện.
Phương Dung