Đề xuất nhà chức trách được bán ngay tang vật nếu không có nơi bảo quản

Đề xuất nhà chức trách được bán ngay tang vật nếu không có nơi bảo quản – rss

Bộ Tư pháp đề xuất trường hợp tang vật, phương tiện không xử lý sẽ bị hư hỏng, hoặc không có địa điểm bảo quản, nhà chức trách được tổ chức bán ngay theo giá thị trường.

Bộ Tư pháp vừa công bố dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung nội dung của 31/143 điều, sửa kỹ thuật 10/143 điều (ngoài các điều sửa đổi, bổ sung), bổ sung mới 1 điều và bãi bỏ 16 điều của Luật hiện hành.

Theo cơ quan soạn thảo, các điều luật được sửa đổi bổ sung nhằm điều chỉnh các quy định hiện hành bị tác động bởi sắp xếp, tổ chức bộ máy; khắc phục hạn chế, bất cập trong thi hành, đảm bảo phù hợp bối cảnh phát triển kinh tế xã hội và đơn giản hóa thủ tục trong xử lý vi phạm hành chính, bảo đảm tính linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thi hành pháp luật.

Trong dự thảo, Bộ Tư pháp đề xuất sửa đổi Điều 126 về xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính.





Kho xe tang vật, pjhuowng tiện vi phạm hành chính tại TP HCM. Ảnh: Đình Văn

Kho xe tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tại TP HCM. Ảnh: Đình Văn

Cụ thể, trong thời gian xác định người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện vi phạm hành chính mà có căn cứ cho rằng nếu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không xử lý ngay sẽ bị hư hỏng, không bán được hoặc hết thời hạn sử dụng hoặc không có địa điểm và không đủ điều kiện về cơ sở vật chất để bảo quản thì người có thẩm quyền quyết định việc xử tổ chức bán ngay theo giá thị trường. Việc bán phải được lập thành biên bản. Tiền thu gửi vào tài khoản tạm gửi mở tại Kho bạc Nhà nước.

Nếu hết thời hạn quy định tại điểm a và điểm b khoản này mà người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì tiền thu được phải nộp vào ngân sách nhà nước.

Lý giải bổ sung quy định này, cơ quan soạn thảo cho rằng điều này sẽ góp phần rút ngắn thời gian, quy trình xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, khắc phục những bất cập kéo dài xuất phát từ tình trạng “tồn đọng”, “quá tải” trong bảo quản, quản lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ thời gian qua, đồng thời, giúp tránh thất thoát, lãng phí, tạo điều kiện để “khơi thông nguồn lực” cho công tác quản lý nhà nước và phát triển đất nước.

Góp ý về đề xuất này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng cần cân nhắc ở điểm sau: tác động đến quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức sở hữu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Nếu tài sản bị bán nhanh chóng do thiếu điều kiện bảo quản, chủ sở hữu có thể không có đủ thời gian để khiếu nại hoặc yêu cầu hoàn trả, dẫn đến việc mất tài sản mà không có cơ hội giải quyết tranh chấp.

Khi phương tiện bị tịch thu và bán đi, người vi phạm hoặc chủ sở hữu mất quyền sử dụng và sở hữu tài sản đó, điều này có thể gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và công việc của họ, đặc biệt nếu phương tiện đó là công cụ mưu sinh. Giá bán có thể thấp hơn giá trị thực tế hoặc giá trị sử dụng của nó, dẫn đến thiệt hại tài chính cho người chủ sở hữu ban đầu. Điều này càng trở nên nghiêm trọng nếu phương tiện là tài sản có giá trị lớn.

Theo VCCI, về nguyên tắc, Nhà nước phải chuẩn bị cơ sở vật chất để bảo quản các tang vật, phương tiện vi phạm trong thời hạn quy định. Nếu thực tế, các cơ sở vật chất này không đáp ứng yêu cầu, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp cận quy định theo hướng hạn chế quy định biện pháp xử phạt bổ sung là tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm thay vì cho phép bán tang vật, phương tiện vi phạm trong trường hợp “không có địa điểm và không đủ điều kiện về cơ sở vật chất để bảo quản”.

Chỉ tính riêng tại TP HCM số xe máy, ôtô tang vật, năm 2023 đã lên đến gần 155.000 chiếc, tức trung bình mỗi ngày hơn 420 phương tiện bị giữ. Dù lực lượng chức năng cố gắng sắp xếp nhưng diện tích nơi chứa chưa đáp ứng yêu cầu, thậm chí nhiều đơn vị CSGT phải dùng khoảng trống tại trụ sở làm việc để chứa xe vi phạm.

Phòng CSGT thành phố từng kiến nghị xây 4 kho xe tang vật để giảm tải, song chưa thể triển khai.

Theo quy định, xe tang vật quá thời hạn tạm giữ 30 ngày không ai đến nhận, công an sẽ hai lần thông báo công khai (trên cổng thông tin, báo chí) để tìm chủ sở hữu. Hết một năm kể từ lần thông báo thứ hai, xe sẽ bị tịch thu và đưa ra đấu giá. Song thủ tục đấu giá qua 6 công đoạn xác minh, kéo dài hơn hai năm khiến các kho bãi xe tang vật quá tải, phương tiện hư hỏng do phơi nắng mưa.

Ứng dụng công nghệ thông tin và đơn giản hóa thủ tục xử phạt

Tại Tờ trình dự thảo, Bộ Tư pháp đánh giá hiện nay, trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính còn rườm rà, phức tạp.

Các quy định về hoãn, miễn, giảm tiền phạt… quá phức tạp, chưa phù hợp với thực tiễn; quy định phải thu giữ, bảo quản giấy phép, chứng chỉ hành nghề hiện nay không còn phù hợp khi nhiều loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề chỉ được cấp dưới dạng điện tử… Đồng thời, trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ, việc ứng dụng các công nghệ hiện đại vào quản lý trở thành một yêu cầu tất yếu.

Do đó, tại dự thảo, Bộ Tư pháp đã áp dụng công nghệ vào nhiều quy trình để đơn giản hóa và thống nhất số liệu xử phạt.

Ví dụ tại điều 80, quy định thủ tục tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn có thể được thực hiện trên môi trường điện tử. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan đã cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề đó biết để cập nhật trạng thái trên cơ sở dữ liệu hoặc căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử theo quy định (đối với trường hợp tước thủ công).

Các nội dung về thủ tục sẽ được quy định tại nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Ngoài ra, do tác động của đổi mới, sắp xếp tổ chức tinh gọn hệ thống chính trị, sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, không tổ chức VKS, tòa án cấp huyện, Bộ Tư pháp cũng đề xuất bỏ 16 điều của luật hiện hành, trong đó có các điều từ 38-51, quy định về thẩm quyền xử phạt.

Thay vào đó, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính sẽ được quy định chung tại điều 37, vừa được đề xuất bổ sung, không liệt kê thành 17 điều như trước đây.

>>Xem chi tiết danh sách đề xuất người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tại đây

Trong dự thảo trước đó, Bộ Tư pháp đề xuất tạm ngừng xuất cảnh với cá nhân và cắt điện, nước với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính và bãi bỏ mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực. Tuy nhiên, tại dự thảo mới nhất, nội dung này đã được bỏ.

Hải Thư

Tag: phapluat-vnexpress

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 3

No votes so far! Be the first to rate this post.