Đề xuất người từ 16 tuổi được góp vốn lập doanh nghiệp

Đề xuất người từ 16 tuổi được góp vốn lập doanh nghiệp – rss

Ông Phan Đức Hiếu, đại biểu chuyên trách Ủy ban Kinh tế và Tài chính, đề nghị cá nhân từ 16 tuổi trở lên được góp vốn lập doanh nghiệp thay vì đủ 18 tuổi như hiện hành.

Đề xuất này được ông Phan Đức Hiếu nêu khi thảo luận dự Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sáng 20/5.

Theo ông Hiếu, quy định pháp luật hiện nay, người từ 16 tuổi trở lên không còn là trẻ em. Về quy định độ tuổi lao động là từ 15 tuổi trở lên có quyền lao động.

Về năng lực hành vi dân sự, người chưa đủ 18 tuổi chưa đủ năng lực hành vi dân sự, nhưng ông Hiếu cho hay, quy định hiện hành là người từ 15 tuổi trở lên có thể tự xác lập được hành vi, giao dịch dân sự, trừ quyền sử dụng đất, bất động sản.

“Ví dụ một học sinh cấp hai có định hướng nghề nghiệp, học trường cao đẳng nghề, mở một cửa hàng bán trà sữa, tại sao không cho họ có quyền này?”, ông Hiếu nói, đồng thời đề nghị người từ 16 tuổi trở lên được tham gia góp vốn lập doanh nghiệp.





Ông Phan Đức Hiếu, đại biểu chuyên trách Ủy ban Kinh tế và Tài chính nêu ý kiến tại phiên thảo luận dự Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), ngày 20/5. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Ông Phan Đức Hiếu, đại biểu chuyên trách Ủy ban Kinh tế và Tài chính nêu ý kiến tại phiên thảo luận dự Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), ngày 20/5. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Tuy nhiên, đề xuất mở rộng độ tuổi thành viên góp vốn lập doanh nghiệp được ông Đồng Ngọc Ba, Ủy viên Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, nói “cần rất cân nhắc”, bởi các quy định hiện hành đều đã nêu rõ quyền lập, điều hành doanh nghiệp.

“Quyền góp vốn của người chưa thành niên vào doanh nghiệp từ lâu không bị cấm, cá nhân có tài sản đều có quyền góp vốn lập doanh nghiệp. Luật chỉ cấm cán bộ công chức, viên chức, lao động thuộc lực lượng vũ trang… góp vốn vào công ty để tránh xung đột lợi ích”, ông Ba nói.

Tức là, luật hiện hành không giới hạn độ tuổi người được góp vốn vào doanh nghiệp để huy động nguồn lực xã hội. Riêng với quyền thành lập, quản trị doanh nghiệp, ông Ba cho rằng đòi hỏi năng lực quản trị nhất định.

Ông phân tích, người thành lập doanh nghiệp là sáng lập viên. Song các sáng lập viên này là người chưa thành niên, việc quản lý, điều hành sẽ khó khăn, tác động lớn đến xã hội. “Khi một doanh nghiệp tham gia vào nhiều quan hệ kinh tế mà sáng lập doanh nghiệp là người chưa thành niên, thì cần cân nhắc và đánh giá tác động kỹ lưỡng”, ông chốt lại.

Dự luật cũng bổ sung quy định về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp, để siết lập doanh nghiệp ma, vốn ảo. Ông Hà Sỹ Đồng, đại biểu tỉnh Quảng Trị đề nghị bổ sung cơ chế hậu kiểm theo quản lý rủi ro – vốn được áp dụng lâu nay trong ngành thuế, hải quan. Theo đó, cơ quan quản lý phải xây dựng tiêu chí đánh giá rủi ro, việc kiểm tra sẽ theo mức độ rủi ro thấp hoặc cao.

“Hiện cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp đang được xây dựng và tập hợp đầy đủ. Đây là cơ sở tốt để triển khai việc chấm điểm rủi ro và kiểm tra theo rủi ro”, ông nói.





Ông Hà Sỹ Đồng, nguyên Quyền Chủ tịch tỉnh Quảng Trị, đại biểu tỉnh Quảng Trị, góp ý dự Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), ngày 20/5. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Ông Hà Sỹ Đồng, nguyên Quyền Chủ tịch tỉnh Quảng Trị, đại biểu tỉnh Quảng Trị, góp ý dự Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), ngày 20/5. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Liên quan tới quy định chủ sở hữu hưởng lợi để phù hợp các cam kết về phòng, chống rửa tiền, ông Đồng nhận xét tiêu chí xác định chủ sở hữu này chưa rõ, khó tuân thủ.

Bởi theo ông, hiện các tổ chức tín dụng vẫn dựa trên cơ sở tự khai báo của khách hàng, chủ tài khoản chứ không có biện pháp nào để xác minh.

“Trường hợp doanh nghiệp cung cấp thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi cho ngân hàng đã khó tuân thủ, nếu giờ quy định việc này khi doanh nghiệp cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước sẽ còn khó khăn hơn”, ông nói.

Chưa kể, nhiều doanh nghiệp cũng lo ngại khi tiêu chí xác định chủ sở hữu hưởng lợi không rõ, khiến họ đối mặt với nguy cơ bị xử phạt. Ông Đồng đề nghị dự luật cần xác định rõ trường hợp quan hệ sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp từ 25% vốn trở lên buộc phải khai báo, nếu không sẽ bị xử phạt. Với các trường hợp tiêu chí xác định định tính, như cá nhân có quyền chi phối, cũng cần khai báo nhưng không xử phạt ngay nếu họ khai không đầy đủ.

Dự luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cũng siết việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Theo đó, doanh nghiệp chỉ được phát hành trái phiếu riêng lẻ khi tổng nợ phải trả không quá 5 lần vốn chủ sở hữu (theo báo cáo tài chính gần nhất). Quy định này không áp dụng với tổ chức phát hành là doanh nghiệp nhà nước, đơn vị phát hành trái phiếu để làm dự án bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, công ty môi giới bảo hiểm, chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư.

Đồng tình, ông Đồng nói cần đưa ra điều kiện siết phát hành trái phiếu riêng lẻ, nhưng không nên quy định cứng tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu tối đa 5 lần như tại dự luật. Thay vào đó, Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết, bởi hệ số nợ này là bao nhiêu phụ thuộc nhiều vào quy định pháp lý khác.

“Các quy định khác về điều kiện phát hành, người mua chặt chẽ… thì không cần giới hạn hệ số nợ hoặc mức giới hạn cao”, ông Đồng nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, cho rằng hiện Luật Chứng khoán đã quy định rõ việc phát hành trái phiếu riêng lẻ, nhà đầu tư chuyên nghiệp (tổ chức, cá nhân). Theo ông, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là những người có kiến thức, chuyên môn trong lĩnh vực này nên họ sẽ cân nhắc việc mua hay không trái phiếu riêng lẻ.

“Không cần thiết phải quy định cứng tỷ lệ tổng nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu 5 lần thì doanh nghiệp mới được phát hành trái phiếu riêng lẻ”, ông Giang nêu quan điểm.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho hay thực tế vừa qua, nhiều doanh nghiệp chưa đại chúng nhưng vẫn phát hành trái phiếu riêng lẻ. Họ huy động số tiền lớn sau đó không trả được tiền trái chủ, gây ảnh hưởng an ninh trật tự xã hội.

Việt Nam hiện chưa đủ điều kiện, công cụ kiểm soát huy động vốn của doanh nghiệp, nên Bộ trưởng Thắng nói việc bổ sung tỷ lệ hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu 5 lần mới được phát hành trái phiếu riêng lẻ là phù hợp. “Việc này vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp, vừa kiểm soát thị trường”, Bộ trưởng Thắng chốt lại.

Anh Minh

Tag: kinhte-vnexpress

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 6

No votes so far! Be the first to rate this post.