
Bộ Công an đề xuất doanh nghiệp, cá nhân tuân thủ đúng quy định, phòng ngừa rủi ro nhưng vẫn gây ra thiệt hại khi thực hiện mô hình kinh doanh mới thì không phải là tội phạm.
Đây là nội dung mới, được đề xuất bổ sung trong Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.
Chương IV, Bộ luật Hình sự hiện nay quy định 7 trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự gồm: sự kiện bất ngờ; tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự; phòng vệ chính đáng; tình thế cấp thiết; gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội; thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên và rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, và công nghệ.
>> Xem chi tiết 7 trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự tại đây
Tại điều 25, Bộ Công an đề xuất bổ sung cơ chế loại trừ trách nhiệm hình sự với người thực hiện mô hình kinh doanh mới. Theo đó, hành vi gây ra thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, và công nghệ và mô hình kinh doanh mới mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa thì không phải là tội phạm.
Tuy nhiên, người nào không áp dụng đúng quy trình, quy phạm, không áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa mà gây thiệt hại thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Bộ Công an cho hay việc bổ sung quy định này dựa trên tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, “cần có chính sách miễn trừ trách nhiệm hình sự đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan”, Nghị quyết nêu.
Song thực tiễn, theo Bộ Công an, một số quy định của Bộ luật Hình sự còn vướng mắc, bất cập, chưa có cơ chế loại trừ trách nhiệm hình sự đối với rủi ro trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới để đáp ứng yêu cầu về đổi mới, sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết 57.
Do đó, khi chủ trì soạn thảo Dự án Bộ luật Hình sự sửa đổi lần này, Bộ Công an bổ sung, sửa đổi nhiều quy định để phù hợp tình hình đất nước trong giai đoạn mới, “vừa bảo đảm tính nhân đạo, khoan hồng, vừa bảo đảm tính răn đe, nghiêm khắc”.
Về phía doanh nghiệp, ông Trần Đức Bắc, giám đốc một công ty lữ hành tại Hội An, đánh giá đề xuất này tại dự thảo là tín hiệu đáng mừng với các doanh nghiệp tư nhân, cởi trói được tâm lý e sợ, đặc biệt trong những dự án, mô hình kinh doanh còn mới lạ và non trẻ.
Song ông cũng hy vọng có quy định rõ ràng hơn về các khái niệm “thế nào là mô hình kinh doanh mới”; thế nào là “áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa” và thế nào được tính là “gây thiệt hại’, đối tượng chịu thiệt hại cụ thể là ai”.
“Doanh nghiệp luôn mong muốn làm ăn trên tinh thần thượng tôn pháp luật, song quy định pháp luật rộng lớn, thay đổi liên tục”, ông Bắc kiến nghị địa phương hoặc sở ngành liên quan tổ chức lấy ý kiến doanh nghiệp trước khi có chính sách, quy định pháp luật mới; tổ chức hội thảo định kỳ phổ biến quy định pháp luật.
“Doanh nghiệp sẵn sàng trả phí”, ông nói và chia sẻ không phải công ty nào cũng có đủ tài chính để duy trì đội ngũ pháp lý hùng hậu.
Cùng với việc loại trừ trách nhiệm hình sự với những đơn vị “đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ dám làm”, tâm tư của ông Bắc giống với nhiều chủ doanh nghiệp mong được đơn giản hóa thủ tục hành chính, tránh tình trạng “một dự án cần 40 con dấu”, khiến người kinh doanh “nản chí”.
Siết quy định để bảo vệ doanh nghiệp trước hành vi “cạnh tranh bẩn”
Tại dự thảo lần này, trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại, Bộ Công an đề xuất tăng nặng hình phạt các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, đặc biệt hàng giả là lương thực, thực phẩm, nhằm bảo đảm người dân được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh.
Ngoài ra, để lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, dự thảo cũng đề xuất cụ thể hóa các hành vi “cạnh tranh bẩn”, nâng mức phạt tiền lên gấp đôi. Đồng thời, số tiền thiệt hại, số tiền hưởng lợi để định khung cũng tăng, để bảo đảm phù hợp với sự biến động của giá cả tăng lên so với trước đây, phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội hiện tại.
Tại điều 217 quy định về tội Vi phạm quy định về cạnh tranh, Bộ Công an đề xuất mức phạt 400 triệu đến 2 tỷ đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù 3 tháng đến 2 năm cho 5 hành vi: a) Ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp; b) Phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ; c) Hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, dịch vụ; d) Hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư; đ) Áp đặt cho doanh nghiệp khác điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng.
Nếu cá nhân, doanh nghiệp phạm tội có vị trí thống lĩnh thị trường hoặc vị trí độc quyền, mức phạt có thể tăng lên mức 2-6 tỷ đồng, hoặc phạt tù 1-5 năm.
Pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị phạt 2-10 tỷ đồng, tùy thiệt hại.
>> Xem chi tiết dự thảo sửa đổi tội Vi phạm quy định về cạnh tranh tại đây
17 tội khác liên quan xâm phạm trật tự quản lý kinh tế cũng được đề xuất nâng mức phạt tiền gấp đôi hiện hành.
Tại Dự thảo, Bộ Công an đề xuất tăng mức phạt tiền với hơn 160 tội danh trong Bộ luật Hình sự hiện hành. Mức đề xuất tăng phổ biến là gấp đôi, song có hai tội đề xuất tăng nặng gấp 6 lần là Vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại (Điều 236) và tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (Điều 317).
Dự thảo gồm 3 phần, 26 chương, 433 điều; giữ nguyên 181 điều, sửa đổi 245 điều, bỏ 18 điều, bổ sung 6 điều; dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 10 vào tháng 10.
Hải Thư