
Hình ảnh một bãi giữ xe vi phạm ở TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bộ Tư pháp đang chủ trì xây dựng dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Đáng chú ý cơ quan soạn thảo đề xuất chính sách mới về quy trình xử lý tang vật, xe, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính.
Khi nào sẽ được phép bán ngay xe vi phạm?
Theo quy định hiện hành, khi đã hết thời hạn tạm giữ mà người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng, tang vật, xe vi phạm sẽ được xử lý theo hai cách.
Thứ nhất, trường hợp xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, xe thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho họ hai lần.
Lần thông báo thứ nhất thực hiện trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ.
Lần hai thực hiện trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày thông báo thứ nhất. Hết thời hạn 1 tháng kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, xe vi phạm.
Thứ hai, trường hợp không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, xe thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo hai lần trên phương tiện thông tin đại chúng của trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, xe.
Lần thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện.
Lần hai được thực hiện trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày thông báo thứ nhất.
Hết thời hạn một năm kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu.
Tại dự luật sửa đổi, Bộ Tư pháp đã đề xuất bổ sung cách xử lý thứ ba.
Theo đó, trong thời gian xác định người vi phạm thuộc hai trường hợp nêu trên, nếu có căn cứ cho rằng tang vật, xe vi phạm không xử lý ngay sẽ bị hư hỏng, không bán được hoặc hết thời hạn sử dụng hoặc không có địa điểm và không đủ điều kiện về cơ sở vật chất để bảo quản thì người có thẩm quyền tổ chức bán ngay theo giá thị trường.
Đồng thời việc bán phải được lập thành biên bản. Tiền thu được phải gửi vào tài khoản tạm gửi mở tại kho bạc nhà nước. Hết thời hạn theo quy định mà người vi phạm vẫn không đến nhận, tiền thu được phải nộp vào ngân sách nhà nước.
Lý giải bổ sung quy định này, Bộ Tư pháp cho rằng điều này sẽ góp phần rút ngắn thời gian, quy trình xử lý tang vật, xe vi phạm hành chính bị tạm giữ, khắc phục những bất cập kéo dài xuất phát từ tình trạng “tồn đọng”, “quá tải” trong bảo quản, quản lý tang vật, xe vi phạm hành chính bị tạm giữ thời gian qua.
Đồng thời giúp tránh thất thoát, lãng phí, tạo điều kiện để “khơi thông nguồn lực” cho công tác quản lý nhà nước và phát triển đất nước.
Cần xây dựng quy trình chặt chẽ, minh bạch
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một số chuyên gia, luật sư cho rằng đề xuất của Bộ Tư pháp là cần thiết, nhằm giải quyết số lượng xe vi phạm “đắp chiếu” nhiều năm nay ở các bãi trông giữ xe vi phạm ở nhiều thành phố lớn.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), thực tế cho thấy nhiều bãi tạm giữ xe đang quá tải, do số người vi phạm không đến nhận tài sản ngày càng tăng.
Ông Hòa cho hay do giá trị xe thấp, thậm chí thấp hơn nhiều so với mức phạt lỗi vi phạm nên không ít người vi phạm không thiết tha gì tài sản của mình, không đến lấy xe.
Trong khi đó Nhà nước vẫn phải duy trì nguồn lực để bảo quản, như vậy lãng phí cả về hao mòn tài sản, rồi chi phí vận hành…
Tuy nhiên để chính sách này phát huy hiệu quả, tránh tiêu cực, các chuyên gia, luật sư kiến nghị cần xây dựng quy trình xử lý chặt chẽ, minh bạch từ định giá, đấu giá, đồng thời sửa đổi các quy định cho phù hợp.
Trong đó cần ghi rõ trong biên bản nếu hết thời gian tạm giữ mà người vi phạm không đến lấy xe sẽ bị đưa ra bán đấu giá.