Đề xuất doanh nghiệp Nhà nước được quyết dự án dưới 5.000 tỷ đồng

Đề xuất doanh nghiệp Nhà nước được quyết dự án dưới 5.000 tỷ đồng – rss

Bộ Tài chính đề xuất phân cấp mạnh hơn cho doanh nghiệp Nhà nước trong việc sử dụng nguồn vốn nội tại để quyết định đầu tư dự án dưới 5.000 tỷ đồng.

Tháng trước, Quốc hội thông qua Luật số 68 về Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Dự kiến, Luật số 68 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8, thay vì đầu năm sau như kế hoạch ban đầu. Việc này để khơi thông tối đa nguồn lực trong doanh nghiệp nhà nước, phục vụ mục tiêu tăng trưởng cao trong năm nay và giai đoạn tới.

Để chính sách được thực thi, Bộ Tài chính đang xây dựng 3 dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý và đầu tư vốn, cơ chế giám sát tại doanh nghiệp.

Theo đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp nhà nước, tại các dự thảo này, Bộ Tài chính đề xuất việc sử dụng các nguồn nội tại của doanh nghiệp được phân cấp mạnh cho Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nhà điều hành sẽ đơn giản thủ tục trong quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư vốn.

Cụ thể, tại dự thảo, Bộ Tài chính đề nghị với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100%, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty quyết định đầu tư quy mô dưới 5.000 tỷ đồng từ nguồn Quỹ đầu tư phát triển. Trên mức này, dự án sẽ do Thủ tướng quyết định chủ trương, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định đầu tư.

Nội dung này từng được Chủ tịch EVN, PVN kiến nghị với Thủ tướng tại hội nghị vào tháng 2. Theo các đại diện này, việc phân cấp mạnh cho doanh nghiệp trong quyết định đầu tư giúp họ chủ động kế hoạch sản xuất – kinh doanh, đạt mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch.





Thứ trưởng Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị, ngày 9/7. Ảnh: Hoài Phương

Thứ trưởng Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị, ngày 9/7. Ảnh: Hoài Phương

Cùng với phân cấp trong việc ra quyết định đầu tư, theo Thứ trưởng Tài chính Cao Anh Tuấn, các quy định dự kiến điều chỉnh theo hướng tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chủ sở hữu vốn và doanh nghiệp. Cơ quan đại diện chủ sở hữu giảm can thiệp tại doanh nghiệp, tăng phân cấp và kiểm tra, giám sát nhằm thêm tự chủ cho doanh nghiệp.

Nhà nước được xác định vai trò là một nhà đầu tư để thực hiện quyền, trách nhiệm với phần vốn góp trong doanh nghiệp, bình đẳng với các nhà đầu tư khác. Việc quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thực hiện thông qua người đại diện chủ sở hữu trực tiếp hoặc người đại diện phần vốn nhà nước.

“Các chính sách được xây dựng trên tinh thần trao quyền nhiều hơn cho doanh nghiệp nhà nước và phân cấp mạnh trong việc quản lý vốn nhà nước đầu tư”, ông Tuấn nói.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đề xuất nhiều quy định mới để sửa hạn chế trong giám sát, kiểm tra, đánh giá xếp loại doanh nghiệp. Theo đó, việc giám sát, kiểm tra dự kiến được thực hiện theo 3 cấp gồm Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu và giám sát nội bộ của doanh nghiệp. Họ cũng đề xuất bổ sung thêm các dấu hiệu xác định khả năng mất an toàn tài chính với doanh nghiệp sau giai đoạn lỗ kế hoạch.

Một số điều chỉnh cũng được đưa ra để gỡ vướng cổ phần hóa. Cụ thể, công tác cổ phần hóa sẽ không còn gắn với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp. Sau khi doanh nghiệp chuyển đổi thành công ty cổ phần, việc quản lý và sử dụng đất sẽ theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành.

Dự thảo cũng bỏ quy định yêu cầu phương án sử dụng đất phải được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt và lấy ý kiến các tỉnh thành. Thay vào đó, doanh nghiệp sẽ tự xây dựng phương án sử dụng nhà, đất sau khi chuyển đổi, trên cơ sở không gắn với mục đích sử dụng đất.

Cũng theo Thứ trưởng, Bộ Tài chính đang xây dựng Đề án phát triển kinh tế nhà nước, trong đó doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò nòng cốt. Ông kỳ vọng những nội dung đổi mới sẽ góp phần khơi thông các nguồn lực hiện có, tạo pháp lý đầy đủ cho hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

“Qua đó, doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục dẫn dắt, tạo động lực phát triển cho nền kinh tế và các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần”, ông nói thêm.

Năm ngoái, tổng tài sản của 671 doanh nghiệp nhà nước (473 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% và 198 đơn vị trên 50%) đạt trên 5,6 triệu tỷ đồng, tăng 45% so với năm 2023. Các doanh nghiệp này có tổng doanh thu đạt gần 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 24%. Lợi nhuận trước thuế gần 227.500 tỷ đồng, tăng 8%. Họ nộp ngân sách Nhà nước gần 400.000 tỷ, tăng 9%.

Phương Dung

Tag: kinhte-vnexpress

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 7

No votes so far! Be the first to rate this post.