Đề xuất cán bộ dân sự được tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc

Đề xuất cán bộ dân sự được tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc – rss

Chính phủ đề xuất cán bộ, công viên chức dân sự được tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc nhằm nâng cao chất lượng khi thực hiện nhiệm vụ quốc tế.

Sáng 14/5, Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự án Luật Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, trong đó đề xuất mở rộng diện tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình sang cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước. Đây được xem là bước đi chiến lược nhằm nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ quốc tế, đồng thời mở rộng ảnh hưởng và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo tờ trình, việc bổ sung cán bộ dân sự giúp huy động thêm nguồn lực chất lượng cao, đặc biệt ở các vị trí lãnh đạo, hoạch định chính sách tại cơ quan Liên Hợp Quốc. Nhiều quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh đã cử viên chức chính phủ đảm nhận các chức danh quan trọng tại phái bộ gìn giữ hòa bình như chánh văn phòng, chuyên gia pháp lý, nhân quyền, an ninh, y tế.

Bộ Quốc phòng cho biết trong quá trình lấy ý kiến, nội dung này được đề xuất bởi các cơ quan như Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao.

Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội cơ bản nhất trí với đề xuất mở rộng diện tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, cho rằng chính sách này phù hợp với yêu cầu thực tiễn và các quy định của Liên Hợp Quốc về việc cử viên chức dân sự tham gia các phái bộ.

Theo Ủy ban, việc mở rộng diện tham gia sẽ giúp huy động thêm nguồn nhân lực từ các ban, bộ, ngành, địa phương, góp phần thúc đẩy sự tham gia sâu rộng hơn của Việt Nam trong các hoạt động của Liên Hợp Quốc, qua đó mở rộng tầm ảnh hưởng và nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.





Cán bộ, chiến sĩ thuộc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 6 và Đội Công binh số 3 lên đường sang châu Phi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, tháng 9/2024. Ảnh: Giang Huy

Cán bộ, chiến sĩ thuộc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 6 và Đội Công binh số 3 lên đường sang châu Phi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, tháng 9/2024. Ảnh: Giang Huy

Ngoài nội dung này, dự thảo luật cũng bổ sung các chế độ, chính sách ưu tiên cho lực lượng gìn giữ hòa bình, trong đó có cơ chế đặc thù nhằm bảo đảm việc mua sắm hàng hóa, trang thiết bị phục vụ triển khai lực lượng. Đồng thời, dự luật cũng đề cập đến các chính sách hợp tác quốc tế trong hoạt động gìn giữ hòa bình, bao gồm đào tạo, bồi dưỡng lực lượng; trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ; tổ chức huấn luyện chung.

Từ tháng 6/2014, Việt Nam bắt đầu cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Đến nay, hơn 1.100 lượt sĩ quan đã thực hiện nhiệm vụ tại các phái bộ như UNMISS (Nam Sudan), MINUSCA (Cộng hòa Trung Phi), UNISFA (khu vực Abyei), EUTM RCA (phái bộ huấn luyện của Liên minh châu Âu tại Trung Phi) và Trụ sở Liên Hợp Quốc.

Các sĩ quan Việt Nam được triển khai theo hình thức cá nhân, đảm nhiệm nhiều vị trí như sĩ quan tham mưu quân sự, huấn luyện, trang bị; sĩ quan liên lạc; quan sát viên quân sự; sĩ quan điều phối quân – dân sự; sĩ quan truyền thông; quân lương; và sĩ quan cảnh sát cá nhân tại các phái bộ.

Hiện hoạt động gìn giữ hòa bình của Việt Nam được tổ chức theo Nghị quyết 130/2020 của Quốc hội. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế, như quy trình triển khai, tuyển chọn và đào tạo lực lượng chưa đầy đủ, chặt chẽ; việc bảo đảm nguồn lực, tài chính và các chế độ, chính sách đãi ngộ cho sĩ quan vẫn còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Cũng trong ngày 14/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về đề xuất sửa đổi Hiến pháp; các dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi); và nghe Chính phủ trình dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).

Sơn Hà

Tag: thoisu-vnexpress

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 9

No votes so far! Be the first to rate this post.