Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị đoàn đại biểu địa phương giám sát việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tập trung vào quản lý trụ sở dôi dư, chế độ cho cán bộ công chức.
Sáng 23/4, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2024-2025, dự kiến năm 2026.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết sau kỳ họp thứ 9, khi sáp nhập tỉnh thành, số lượng đoàn đại biểu cũng sẽ giảm từ 63 xuống còn 34. Điều này kéo theo sự thay đổi về quy mô và cơ cấu, bao gồm cả số lượng đại biểu chuyên trách và phó đoàn.
Trước bối cảnh đó, ông đề nghị các đoàn đại biểu Quốc hội đưa nội dung giám sát về sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính ở địa phương thành một chuyên đề trọng tâm trong năm 2026. Phạm vi giám sát cần bao quát việc bỏ cấp huyện, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và sáp nhập tỉnh, tập trung làm rõ tính phù hợp của các văn bản quy phạm pháp luật với thực tiễn đời sống người dân.
“Công tác quản lý và sử dụng hiệu quả trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp cần được giám sát chặt chẽ, tránh tình trạng lãng phí”, Phó chủ tịch Quốc hội nói.
Ông yêu cầu đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện đầy đủ chế độ, quyền lợi cho cán bộ, công chức bị ảnh hưởng bởi quá trình sắp xếp. Việc di chuyển và làm việc của cán bộ, công chức khi trung tâm hành chính thay đổi cũng cần được quan tâm, đánh giá những khó khăn và đề xuất các cơ chế hỗ trợ cần thiết. Các đoàn đại biểu Quốc hội có chuyên đề giám sát về nội dung này, làm rõ bất cập để đề xuất hướng xử lý.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết một trong các nhiệm vụ quan trọng trong năm 2025 là chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp khóa mới. Sắp tới Bộ Chính trị có phương hướng về công tác bầu cử, kỳ họp thứ 9 Quốc hội sẽ thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia, thông qua kế hoạch hoạt động.
Vì vậy, ông đề nghị cơ quan của Quốc hội tổ chức các đoàn giám sát việc chuẩn bị bầu cử ở các địa phương, đặc biệt là sau khi Quốc hội thông qua nội dung về sắp xếp tổ chức bộ máy và sáp nhập tỉnh. “Quốc hội giám sát chính hoạt động của mình, giám sát đơn vị thực hiện và địa phương. Đây là trọng tâm trong năm 2025”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Ông cũng đề nghị đại biểu tăng cường giám sát việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021-2025, trong đó có việc thực hiện chính sách tài khóa huy động nguồn lực ngoài ngân sách. Các đoàn giám sát không đi “rình rang” trong bối cảnh địa phương bận rộn sắp xếp, tổ chức bộ máy, nhưng việc giám sát phải thực chất để phát hiện và khắc phục được hạn chế.
Theo Nghị quyết 60 của Trung ương ban hành ngày 12/4, 11 tỉnh, thành sẽ giữ nguyên trạng gồm Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Cao Bằng. 52 địa phương sáp nhập còn 23 tỉnh, thành. Cả nước sẽ còn 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương.
Chính quyền địa phương sẽ được tổ chức theo hai cấp: cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp xã (xã, phường, đặc khu). Cấp huyện sẽ chấm dứt hoạt động sau khi Quốc hội thông qua việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025. Dự kiến, cả nước giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay.
Sơn Hà