Lý do giữ nguyên mô hình cơ quan điều tra trong quân đội
Bộ Quốc phòng đã có văn bản phúc đáp Bộ Công an về việc đề nghị góp ý kiến hồ sơ dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi).
Trước đó, Bộ Tư pháp công bố dự thảo dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi). Trong dự thảo, Bộ Công an đề xuất, xóa bỏ Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao.
Đối với cơ quan điều tra trong Quân đội Nhân dân, dự thảo tiếp tục duy trì hai hệ thống: Cơ quan An ninh điều tra (cấp Bộ Quốc phòng và quân khu) và Cơ quan Điều tra hình sự (ba cấp: Bộ Quốc phòng, quân khu, khu vực). Tuy nhiên, có điểm mới là bổ sung cơ chế để Chính phủ chủ động trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc thành lập hoặc giải thể các cơ quan điều tra cấp quân khu, khu vực không cần sửa luật tại Quốc hội như hiện nay.
Phúc đáp Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cho hay, cơ bản nhất trí với bố cục, nội dung, hình thức các dự thảo văn bản hồ sơ dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi). Tuy nhiên, Bộ có ý kiến giữ nguyên mô hình tổ chức cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân được quy định tại khoản 1, khoản 2, Điều 6 dự thảo, với 3 lý do:
Thứ nhất, cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân có thẩm quyền điều tra theo thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự. Hiện nay, mô hình tổ chức Tòa án quân sự không thay đổi.
Thứ hai, nguyên tắc tổ chức hệ thống cơ quan điều tra được tổ chức theo mô hình Quân đội nhân dân phù hợp với đặc thù quân đội, các cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân được tổ chức tại quân khu, quân chủng, Bộ đội Biên phòng, quân đoàn, binh chủng, Bộ Tổng Tham mưu, tổng cục…
Thứ ba, tổng kết thực tiễn mô hình tổ chức hệ thống cơ quan điều tra đang phát huy tác dụng, bảo đảm tính kế thừa qua các giai đoạn, phù hợp với quy định pháp luật của Nhà nước, đặc thù của đơn vị. Cơ quan điều tra luôn phải cơ động theo đội hình chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị để xử lý, giải quyết các vụ việc kịp thời, đúng quy định…
![]() |
Hai đối tượng cùng tang vật bị lực lượng Biên phòng bắt giữ trong chuyên án A721. |
Bổ sung thẩm quyền điều tra một số tội danh cho Bộ đội biên phòng
Bên cạnh 3 lý do giữ nguyên mô hình tổ chức cơ quan điều tra, Bộ Quốc phòng cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật nghiên cứu không quy định nội dung: “Căn cứ vào nhiệm vụ và tổ chức của Quân đội nhân dân trong từng thời kỳ, Chính phủ trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định việc thành lập hoặc giải thể Cơ quan An ninh điều tra quân khu và tương đương, Cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương, Cơ quan điều tra hình sự khu vực” tại khoản 3, Điều 6.
Đồng thời, sửa nội dung tại khoản 4, Điều 6 dự thảo thành: “Căn cứ vào nhiệm vụ và tổ chức của Quân đội nhân dân trong từng thời kỳ và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định thành lập, tổ chức lại, sáp nhập, thay đổi tên gọi, giải thể; quy định về tổ chức bộ máy, địa bàn hoạt động, con dấu, biên chế của các cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân”.
Đối với quy định về cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thuộc Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng nêu tại khoản 1, Điều 9, Chương I, đề nghị bổ sung “Đoàn Trinh sát” là cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra trong Bộ đội Biên phòng.
Lý do, Đoàn Trinh sát trực thuộc Cục Trinh sát có chức năng, nhiệm vụ là đơn vị trực tiếp đấu tranh với các loại tội phạm. Việc không quy định Đoàn Trinh sát là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gây khó khăn cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến an ninh quốc gia.
Còn tại Điều 26, Chương V – nhiệm vụ, quyền hạn điều tra của Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng đề nghị bổ sung thẩm quyền điều tra của Bộ đội Biên phòng đối với các tội danh quy định tại Điều 190 (Sản xuất, buôn bán hàng cấm), Điều 191 (Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm), Điều 232 (Vi phạm về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản), Điều 234 (Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã) và Điều 244 (Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm) thuộc Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng cũng đề nghị dự thảo bổ sung các chức danh Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm; Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm; Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng; Đồn trưởng Đồn biên phòng đều có thẩm quyền điều tra đối với Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 255).
Lý do, theo quy định tại khoản 2, Điều 26, Chương V, chỉ có Đồn trưởng đồn Biên phòng ở vùng sâu, vùng xa (do Chính phủ quy định) mới có thẩm quyền tiến hành các hoạt động điều tra ban đầu (7 ngày) đối với tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động của tội phạm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy chủ yếu xảy ra tại các quán karaoke, nhà nghỉ tập trung tại các khu trung tâm, du lịch… (trên địa bàn khu vực biên giới) và là tội phạm nguồn của các loại tội phạm khác (trộm cắp, cướp…) gây ra nhiều hiểm họa, hệ lụy cho xã hội và gia đình cần phải tập trung đấu tranh.