Dây chuyền bao bì hộp giấy cho hoa quả đầu tiên tại Việt Nam

Dây chuyền bao bì hộp giấy cho hoa quả đầu tiên tại Việt Nam – rss

Dây chuyền hộp giấy cho hoa quả đầu tiên tại Việt Nam vừa được khánh thành tại Sơn La, bao bì này giảm hơn 80% khí thải CO2 so với lon thiếc, lọ thủy tinh.

Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thực phẩm Đồng Giao (Doveco) khánh thành dây chuyền đồ hộp giấy dành cho hoa quả tại nhà máy Sơn La, sáng 2/7. Giải pháp công nghệ này là Tetra Recart, được phát triển bởi Tetra Pak.





Dây chuyền sản xuất đồ hộp giấy của Doveco, ngày 2/7. Ảnh: Ngọc Sơn

Dây chuyền sản xuất đồ hộp giấy của Doveco, ngày 2/7. Ảnh: Ngọc Sơn

Theo đó, ngô ngọt, các loại đậu… sẽ được đóng gói trong bao bì giấy, thay vì lon thiếc, lọ thủy tinh như trước đó. Bà Nguyễn Thanh Giang, Tổng Giám đốc Tetra Pak Việt Nam, nói hộp giấy là bao bì có dấu chân carbon thấp nhất tính đến nay. Loại này giảm 80% khí thải CO2 trong quá trình sản xuất, vận chuyển so với loại bằng thiếc, thủy tinh, và giảm 20% so với vật liệu nhựa.

Với hình khối chữ nhật, hộp giấy cũng có khả năng tối ưu đóng gói và lưu trữ, giúp giảm số xe tải vận chuyển so với các loại bao bì thế hệ cũ, vốn định dạng tròn, khi xét trên cùng một khối lượng sản phẩm. Việc giảm số xe đồng nghĩa giảm chi phí logistics, theo tính toán, lên tới 60%, đồng thời giảm khí thải từ hoạt động vận chuyển.

Nhà máy Sơn La là một trong ba trung tâm chế biến nông sản của doanh nghiệp, công suất 52.000 tấn sản phẩm mỗi năm. Với chi phí đầu tư 4 triệu USD (khoảng 100 tỷ đồng), ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Doveco, tính toán dây chuyền mới cho năng suất cao gấp rưỡi. Dây chuyền này cũng chỉ cần 6 người vận hành, thay vì 40 người như trước, với năng lực sản xuất tới 6-8 triệu hộp mỗi năm.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam nói doanh nghiệp chế biến sâu là một trong ba yếu tố quyết định trong chuỗi cung ứng nông sản. Hai yếu tố còn lại là vùng nguyên liệu và thực hiện chuỗi giá trị liên kết.

Vùng trung du miền núi phía bắc có quy mô 275.000 ha cây ăn quả, đứng thứ hai cả nước sau Đồng bằng sông Cửu Long. Thứ trưởng Nam nhận định khu vực này có lợi thế lớn trong phát triển vùng nguyên liệu, gắn với chế biến sâu để nâng cao giá trị nông sản. Trong đó, Sơn La dự tính phát triển 80.000 ha cây ăn quả đến năm 2030, sản lượng hàng năm 500.000 tấn, với những mặt hàng đặc trưng như chanh leo, ngô, dứa.

Sáu tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt trên 35 tỷ USD. Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho rằng mục tiêu xuất khẩu 65 tỷ USD cả năm của toàn ngành là khả thi.

Thủy Trương

Tag: kinhte-vnexpress

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 3

No votes so far! Be the first to rate this post.