‘Đạo luật to đẹp’ của ông Trump phủ bóng trái phiếu Mỹ

‘Đạo luật to đẹp’ của ông Trump phủ bóng trái phiếu Mỹ – rss

“Đạo luật to đẹp” của Tổng thống Trump giúp Mỹ tránh nguy cơ vỡ nợ trước mắt nhưng chuyên gia lo các vấn đề nghiêm trọng hơn trong dài hạn.

Dự luật chi tiêu công và giảm thuế, hay còn gọi là “đạo luật to đẹp” (OBBBA), được Hạ viện Mỹ thông qua hôm 3/7 và Tổng thống Donald Trump ký thành luật đúng dịp quốc khánh nước này (4/7).

Là một phần trong OBBBA, trần nợ công của Mỹ ở mức 36.100 tỷ USD được nâng thêm 5.000 tỷ USD, nhằm xoa dịu lo ngại về nguy cơ chính phủ nước này vỡ nợ vào mùa hè. Trước đó, các nhà phân tích từng ước tính thời điểm “X-date”- tức lúc Bộ Tài chính Mỹ hết tiền thanh toán các khoản nợ nếu mức trần này không được “nới” rơi vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9.

Những tuần gần đây, lợi suất một số loại trái phiếu kho bạc Mỹ đáo hạn tháng 8 đã tăng, cho thấy nhà đầu tư bắt đầu lo lắng về “X-date”. “Việc ban hành đạo luật này đã loại bỏ phần nào rủi ro vỡ nợ, lợi suất trái phiếu đáo hạn tháng 8 dự báo giảm nhẹ”, Vinny Bleau, Giám đốc thị trường vốn tại Raymond James nhận định.





Tổng thống Mỹ Donald Trump khoe chữ ký của ông trên Đạo luật to đẹp trong buổi lễ tại Nhà Trắng ngày 4/7. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Donald Trump khoe chữ ký của ông trên “Đạo luật to đẹp” trong buổi lễ tại Nhà Trắng ngày 4/7. Ảnh: AFP

Tuy nhiên về dài hạn, OBBBA phần lớn được coi là tin xấu với thị trường trái phiếu và sức khỏe tài chính của Mỹ. Các nhà phân tích ước tính rằng nó sẽ làm tăng thêm khoảng 3.400 tỷ USD nợ công trong thập kỷ tới. Điều này làm dấy lên lo ngại về việc nguồn cung trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh trong khi nhu cầu từ nhà đầu tư, nhất là quốc tế, suy giảm. Đây vốn là yếu tố đã ảnh hưởng mạnh đến thị trường tài chính thời gian gần đây.

“‘Đạo luật to đẹp’ làm gia tăng lo ngại mang tính cấu trúc với trái phiếu chính phủ Mỹ, đặc biệt vấn đề thâm hụt ngân sách kéo dài, nợ công cao và rủi ro lạm phát”, Mike Medeiros, chiến lược gia vĩ mô tại Wellington Management nhận định.

Tập đoàn BlackRock cảnh báo nhà đầu tư nước ngoài đang dần giảm mặn mà với trái phiếu kho bạc Mỹ. Nhu cầu với khoảng 500 tỷ USD trái phiếu phát hành mỗi tuần đang suy giảm, có thể đẩy lợi suất tăng cao hơn nữa.

“Chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng nợ công nguy hiểm. Nếu không kiểm soát, nó có thể trở thành rủi ro lớn nhất với vị thế đặc biệt của Mỹ trên thị trường tài chính toàn cầu”, nhóm quản lý đầu tư của BlackRock nêu.

Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), OBBBA có thể khiến hụt thu ngân sách 4.500 tỷ USD, giảm chi tiêu 1.200 tỷ USD, và khoảng 10,9 triệu người mất bảo hiểm y tế (Medicaid) trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, luật cũng có thể kích thích tăng trưởng kinh tế nhờ cho phép doanh nghiệp khấu trừ toàn bộ chi phí đầu tư thiết bị, nghiên cứu và phát triển, cùng với nhiều ưu đãi thuế khác.

Vấn đề là một số nhà đầu tư lo ngại gánh nặng nợ công có thể hạn chế tác động kích thích kinh tế. Campe Goodman, quản lý danh mục đầu tư tại Wellington Management kỳ vọng luật sẽ giúp tăng trưởng GDP Mỹ thêm 0,5% năm tới, nhưng cho rằng thị trường đang quá chủ quan trước rủi ro lợi suất dài hạn tăng cao.

Ellen Hazen, chiến lược gia trưởng tại F.L.Putnam Investment Management tin rằng “Đạo luật to đẹp” sẽ thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp, yếu tố then chốt hỗ trợ giá cổ phiếu. “Tuy nhiên, điều đó cũng có thể khiến lợi suất trái phiếu duy trì ở mức cao trong thời gian dài, làm giảm sức hấp dẫn của nhiều khoản đầu tư thu nhập cố định”, bà nói thêm.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng vào tuần trước, sau nhiều phiên giảm, một phần do nhà đầu tư bất an về tình hình tài khóa sắp tới. Andrew Brenner, Trưởng bộ phận trái phiếu quốc tế tại National Alliance Capital Markets cho rằng đợt bán tháo này là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư phản ứng với chính sách tài khóa lỏng lẻo của Mỹ.

“Những người này muốn thấy chính phủ cắt giảm thâm hụt thực sự. Theo họ, ông Trump và quốc hội vẫn chưa làm đủ”, Brenner nhận định.

Tuy nhiên, nhìn chung phản ứng của thị trường trái phiếu khá thận trọng sau khi OBBBA thành luật. Một phần là do việc thâm hụt ngân sách gia tăng đã được thị trường phản ứng sẵn từ trước, kể từ khi ông Trump quay lại Nhà Trắng hồi tháng 1. Vì vậy, mối quan tâm chính của giới đầu tư lúc này là các dấu hiệu tăng trưởng.

Thực tế, nhiều chuyên gia cũng cho rằng việc nâng trần nợ công không phải yếu tố chi phối thị trường chứng khoán. “Nó không phải là yếu tố dẫn dắt thị trường lúc này”, Robert Pavlik, Giám đốc danh mục cấp cao tại Dakota Wealth nhận định.

Chỉ số S&P 500 đóng cửa ở mức cao kỷ lục trong phiên ngày 2/7, nhờ cổ phiếu công nghệ tăng mạnh và tiến triển trong các thỏa thuận thương mại của Mỹ. Dữ liệu kinh tế gần đây có dấu hiệu chững lại, khiến kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất trong năm nay trở nên rõ ràng hơn, qua đó hỗ trợ tâm lý cho cả thị trường cổ phiếu và trái phiếu.

Phiên An (theo Reuters)

Tag: kinhte-vnexpress

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 1

No votes so far! Be the first to rate this post.