Đằng sau quyết định gửi thư báo thuế của ông Trump

Đằng sau quyết định gửi thư báo thuế của ông Trump – rss

Việc ông Trump gửi thư báo thuế từng nước cho thấy tiến trình đàm phán 90 ngày qua gặp khó, cần phương thức áp lực đơn giản nhưng cứng rắn.

Những người yêu nhau qua các thời kỳ đã dần chuyển từ thư tình viết tay sang tin nhắn trực tuyến. Tuy nhiên, một phần của truyền thống trao đổi thư từ ấy vẫn còn hiện diện trong thế giới chính trị trang nghiêm, được Tổng thống Mỹ Donald Trump lựa chọn áp dụng mới đây.

Hôm 7/7, ông Trump đã gửi thư cho 14 quốc gia, thông báo về mức thuế đối ứng dao động từ 25% đến 40%, gọi đây là “cảnh báo cuối cùng”. Đồng thời, lùi thời hạn áp dụng từ 9/7 đến 1/8, mốc thời gian ông tuyên bố “sẽ không gia hạn”.

Ngoài những con số mức thuế và thời hạn, nội dung các lá thư tương tự nhau, với các diễn đạt gây cảm xúc như “Quý vị sẽ không bao giờ thất vọng với Mỹ” hay đe dọa “Các mức thuế có thể được điều chỉnh tùy diễn biến quan hệ song phương”.

Theo trình tự, Tổng thống Trump chia sẻ thư lên mạng xã hội trước khi gửi đi bản chính thức. Những bức thư này không phải kết quả các thỏa thuận mà là lựa chọn mức thuế đơn phương của Mỹ, cho thấy các cuộc đàm phán kín đã không mang lại kết quả như kỳ vọng từ cả hai phía, theo AP.

William Reinsch, cựu quan chức Bộ Thương mại Mỹ, hiện là cố vấn cao cấp về thương mại tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho rằng động thái gửi thư và lùi thời điểm hiệu lực thuế đối ứng có thể do một số nước đã không chịu nhượng bộ trong thời hạn 90 ngày. “Họ không đưa ra điều ông Trump muốn, vì thế ông ấy lại tung thêm một đe dọa khác”, William Reinsch.





Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 12/5. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 12/5. Ảnh: AP

Đáng chú ý, thay vì chọn những phương án truyển thống trang trọng và kín đáo, Tổng thống Trump quyết định viết thư gửi đến lãnh đạo từng nước và công khai chúng trên mạng xã hội vì cho đó là “cách tốt hơn” và đơn giản hơn đàm phán.

“Nó là cách mạnh mẽ hơn. Chúng tôi gửi cho họ một bức thư. Bạn đọc thư rồi đấy. Tôi nghĩ nó được soạn khá hay. Và chủ yếu chỉ có một con số nhỏ trong đó: các bạn sẽ phải trả 25%, 35%. Chúng tôi có một số mức là 60, 70%”, ông nói.

Với áp lực bằng thư thông báo thuế, Stephen Miran, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng kỳ vọng nhiều thỏa thuận có thể đạt được ngay trong tuần này, miễn là các nước đưa ra những nhượng bộ mà ông Trump thấy là xứng đáng.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại không lạc quan như vậy. Theo AP, các mức thuế ấn định trong thư sẽ có hiệu lực chỉ sau ba tuần, nên đây có thể là khoảng thời gian sóng gió để các bên chạy đua tìm kiếm một thỏa thuận, nếu không nói là khó kịp.

Theo Josh Lipsky, Chủ tịch Chương trình Kinh tế Quốc tế tại Hội đồng Đại Tây Dương, ba tuần trì hoãn có lẽ không đủ để diễn ra những cuộc đàm phán thực chất. “Tôi cho rằng đây là tín hiệu cho thấy ông Trump thực sự nghiêm túc với hầu hết các mức thuế này, chứ không chỉ đơn thuần là một chiêu bài đàm phán”, ông nói.

Trong lúc này, các nước nhận thư có tâm lý đan xen giữa hy vọng và hoang mang, theo Reuters. Đối mặt với mức thuế 25%, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba vẫn giữ thái độ lạc quan. Ông cho biết chính phủ nước này sẽ tiếp tục thúc đẩy đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận “có lợi cho cả hai bên và bảo vệ lợi ích quốc gia”. Nhật Bản từng được coi là ứng viên sáng giá cho một thỏa thuận sớm nhưng hiện gặp trở ngại lớn trong việc muốn được miễn thuế 25% riêng cho ôtô nhưng không mua thêm gạo theo đề nghị của Mỹ.

Tại Hàn Quốc, nơi Tổng thống Lee Jae Myung mới nhậm chức chưa đầy một tháng, chính phủ nước này cam kết sẽ đẩy mạnh đàm phán để “đạt kết quả đôi bên cùng có lợi”. Dù vậy, các nhà phân tích cảnh báo ông Lee không phải là người dễ bị ép buộc hay để Hàn Quốc bị đặt vào thế yếu.

Ấn Độ có vẻ đang tiến gần đến một thỏa thuận và tiến độ đàm phán giữa Mỹ và châu Âu tích cực những ngày gần đây. Theo các nguồn tin thân cận với quá trình đàm phán giữa EU và Mỹ, thỏa thuận tiềm năng có thể bao gồm miễn trừ cho các lĩnh vực như máy bay và linh kiện, thiết bị y tế, rượu mạnh. EU cũng muốn một số hãng xe được phép xuất khẩu sang Mỹ với mức thuế thấp hơn mức 25% hiện tại.

Tuy nhiên, tại cuộc họp nội các hôm thứ ba (8/7), ông Trump cho biết có kế hoạch gửi thư cho Liên minh châu Âu để thông báo về mức thuế sẽ được áp dụng từ ngày 1/8, bất chấp một số tiến triển trong đàm phán thương mại vào cuối tuần trước. “Chúng ta có thể sẽ gửi thư cho họ sau hai ngày nữa. Tôi chỉ muốn các bạn biết rằng, một bức thư có nghĩa là một thỏa thuận”, ông nói.

Trong khi đó, triển vọng kém rõ ràng hơn đối với các đối tác nhỏ hơn như Nam Phi, Thái Lan và Malaysia, vốn đang đối mặt với mức thuế lần lượt là 30%, 36% và 25%. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa phản đối mức thuế 30% của ông Trump, cho rằng không phù hợp với mức thuế trung bình 7,6% của Nam Phi. Dù vậy, ông vẫn yêu cầu các nhà đàm phán nhanh chóng làm việc với phía Mỹ trên cơ sở đề xuất khung mà Nam Phi đã gửi từ ngày 20/5.

Hôm 8/7, Tổng thống Trump cho biết ít nhất thêm 7 quốc gia sẽ nhận được thư thông báo áp thuế vào sáng 9/7 và “một số nước khác” sẽ nhận được buổi chiều. Nói với CNBC, Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick dự kiến khoảng 15 đến 20 lá thư được gửi đi đến ngày 10/7.

Phiên An (theo Reuters, AP, CNBC)

Tag: kinhte-vnexpress

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 5

No votes so far! Be the first to rate this post.