Đại biểu Quốc hội: Chính sách đặc biệt cho kinh tế tư nhân ‘chưa đủ mạnh’

Đại biểu Quốc hội: Chính sách đặc biệt cho kinh tế tư nhân ‘chưa đủ mạnh’ – rss

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng một số chính sách hỗ trợ tín dụng, đất đai hay mặt bằng kinh doanh tại khu, cụm công nghiệp chưa đủ mạnh để thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân.

Tại phiên thảo luận ngày 16/5 về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội liên quan một số cơ chế đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Tạ Văn Hạ nhìn nhận doanh nghiệp tư nhân hiện đối mặt nhiều điểm nghẽn, phải tháo gỡ mới phát triển được.

Theo ông, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân là bước đột phá, khơi thông nguồn lực nội tại thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước trong kỷ nguyên mới. “Tôi kỳ vọng nghị quyết này như một luồng gió thổi cánh diều kinh tế tư nhân bay xa”, ông Hạ nói.

Tuy nhiên, ông băn khoăn các quy định nêu tại dự thảo nghị quyết “chưa đủ mạnh”. Một số nội dung đã có trong các luật, nghị quyết ban hành trước đó, như việc đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội đã nêu trong Hiến pháp, nên không phải cơ chế đặc biệt cho doanh nghiệp tư nhân.





Ông Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội, phát biểu tại phiên thảo luận sáng 16/5. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Ông Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội, phát biểu tại phiên thảo luận sáng 16/5. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Bấm nút tranh luận, nhưng bà Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, đồng tình với ý kiến của đại biểu Tạ Văn Hạ. “Đề nghị bỏ quy định đảm bảo suy đoán vô tội trong xử lý vi phạm tại dự thảo nghị quyết, do đã quy định tại Hiến pháp, Bộ luật Tố tụng Hình sự nên đây không phải chính sách đặc thù, đặc biệt”, bà Thủy nói.

Tương tự, nội dung “không áp dụng hồi tố bất lợi cho doanh nghiệp” đã được nêu tại Bộ luật Hình sự, Luật Xử phạt Vi phạm pháp luật. Tức là, không chỉ doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân cũng không chịu quy định hồi tố bất lợi hơn cho họ. Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị bỏ nội dung này tại dự thảo nghị quyết.

Về “bảo đảm giá trị niêm phong, kê biên, tạm giữ, phong tỏa tương ứng với dự kiến hậu quả thiệt hại trong vụ án”, bà Thủy nhận xét “không hay, không vượt trội” như đã quy định tại Bộ luật Hình sự.

Bà đề nghị cho phép áp dụng thí điểm tương tự nội dung tại Nghị quyết 164 của Quốc hội với vi phạm ở vụ án thuộc chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng. Tức là, dự thảo cho phép doanh nghiệp được đặt tiền đảm bảo để giải phong tỏa tài sản, chủ sở hữu được khai thác tiếp tài sản này, thay vì bị đóng băng như hiện nay để đưa nguồn lực vào sản xuất, kinh doanh.

Việt Nam đang có trên 940.000 doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp hơn 30% tổng thu ngân sách, 82% lao động và khoảng 50% GDP.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó đoàn đại biểu tỉnh Hải Dương, cũng cho rằng cần cơ chế đủ mạnh hơn tại dự thảo nghị quyết, như việc chuyển từ kiểm tra tiền kiểm sang hậu kiểm. Bà nêu thực tế nhiều đối tượng đã lợi dụng chính sách thông thoáng để lập ra hàng trăm công ty không hoạt động thực tế, mua bán hóa đơn, trốn thuế, rửa tiền, gây thất thu ngân sách và làm méo mó môi trường cạnh tranh.

“Có vụ việc cơ quan chức năng đã phát hiện tới hơn 600 doanh nghiệp ma xuất trên 1 triệu hóa đơn khống, với giá trị giao dịch lên tới gần 64.000 tỷ đồng”, Phó đoàn tỉnh Hải Dương nói, đồng thời đề nghị cần có cơ chế hậu kiểm đủ mạnh, minh bạch, tránh tạo kẽ hở để các “doanh nghiệp ma” lợi dụng.

Ông Tạ Văn Hạ lưu ý việc thực thi chính sách cần ổn định và bổ sung hỗ trợ giải quyết tranh chấp thương mại, hội nhập quốc tế. “Doanh nghiệp cũng cần sự ổn định của chính sách. Nhiều công ty mới khởi nghiệp vừa dồn lực đầu tư, chính sách lại thay đổi, họ phải quay lại thời điểm xuất phát nên rất khó”, ông nêu thực tế.





Bà Khương Thị Mai, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nhôm Nam Sung Việt Nam, đại biểu tỉnh Nam Định. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Bà Khương Thị Mai, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nhôm Nam Sung Việt Nam, đại biểu tỉnh Nam Định. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Khương Thị Mai, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nhôm Nam Sung Việt Nam, cho rằng nghị quyết của Quốc hội cần cải cách mạnh mẽ khâu thực thi pháp luật, nhất là thủ tục hành chính liên quan đầu tư, xây dựng, đất đai và môi trường. “Không để doanh nghiệp chờ chủ trương đầu tư, giải quyết thủ tục hành chính thời gian tương đương xây dựng dự án”, bà Mai nói.

Cụ thể, bà đề nghị bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết như thủ tục đầu tư, chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư và các quy định chồng chéo không phù hợp, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân. Trong đó, cần thực hiện cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh và tiếp tục cắt giảm trong những năm tiếp theo.

“Nhà đầu tư đang quản lý theo từng dự án thông qua thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, quy mô, tiến độ, thời gian thực hiện. Quá trình kinh doanh họ thay đổi chiến lược, kế hoạch sản xuất… đều phải xin điều chỉnh chủ trương đầu tư, mất thời gian, thêm thủ tục”, bà Mai nói.

Làm rõ thêm ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết các quy định, chính sách nêu tại dự thảo nghị quyết nhằm thể chế hóa các nội dung của Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.

Nội dung về thanh, kiểm tra, giải quyết phá sản, xử lý vi phạm vụ án… ông Thắng cho hay dự thảo nghị quyết chỉ đưa ra quy định mang tính nguyên tắc, đảm bảo tuân thủ đúng chủ trương của Nghị quyết 68. Tức là, hoạt động thanh, kiểm tra sẽ chuyển mạnh từ tiền kiểm, hậu kiểm và không làm giảm hiệu lực quản lý Nhà nước, hoạt động của doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, các cơ quan vẫn có quyền thanh tra, kiểm tra đột xuất.

“Chúng tôi sẽ tiếp thu, hoàn thiện dự thảo nghị quyết để có tính thực tiễn, khả thi và thống nhất quy định hiện hành”, Bộ trưởng Thắng chốt lại.

Dự kiến Quốc hội sẽ biểu quyết, thông qua dự thảo nghị quyết này vào sáng 17/5.

Anh Minh

Tag: kinhte-vnexpress

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 1

No votes so far! Be the first to rate this post.