Ủy ban sửa đổi Hiến pháp đề xuất bỏ quy định đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chánh án, Viện trưởng VKS do không còn cấp huyện, nhưng nhiều đại biểu không tán thành.
Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 quy định, đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn chủ tịch, các thành viên khác và người đứng đầu cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân. Người bị chất vấn phải trả lời trước Hội đồng nhân dân.
Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị ở địa phương. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị này có trách nhiệm tiếp đại biểu, xem xét, giải quyết kiến nghị của đại biểu.
So với Hiến pháp hiện hành, tại dự thảo quyền chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân với Chánh án, Viện trưởng VKS được đề xuất bãi bỏ.
Theo giải trình của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, thực tế việc chất vấn Chánh án và Viện trưởng VKS chỉ thực hiện tại Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện. Sắp tới, thực hiện chủ trương của Đảng về kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện sẽ không tổ chức tòa án và viện kiểm sát cấp huyện mà thay thế bằng các tòa án và viện kiểm sát khu vực. Các cơ quan này không gắn với một đơn vị hành chính cụ thể nên sẽ không có Hội đồng nhân dân ngang cấp để thực hiện quyền chất vấn.
Vì vậy, Ủy ban đề nghị sửa đổi khoản 2 điều 115 Hiến pháp năm 2013 theo hướng không quy định Chánh án và Viện trưởng VKS thuộc diện trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân.

Tòa án nhân dân quận Hà Đông, Hà Nội, tháng 3/2025. Ảnh: Hoàng Giang
Tuy nhiên, vẫn có ý kiến đại biểu đề nghị tiếp tục duy trì cơ chế này và điều chỉnh theo hướng quy định đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có quyền chất vấn Chánh án, Viện trưởng VKS cấp tỉnh và cấp khu vực.
Giải thích, Ủy ban soạn thảo cho rằng tuy không quy định về thẩm quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án và Viện trưởng VKSND song Hội đồng nhân dân vẫn thực hiện thẩm quyền giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương. Trong đó bao gồm giám sát hoạt động của TAND, VKS và của các cơ quan nhà nước khác trên địa bàn.
Đại biểu Hội đồng nhân dân vẫn có quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước ở địa phương. Người đứng đầu các cơ quan có trách nhiệm tiếp đại biểu, xem xét, giải quyết kiến nghị của đại biểu. Do đó, đề xuất mới “vẫn bảo đảm cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước giữa các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền ở địa phương”.
Chiều nay, thảo luận nội dung này tại tổ trong kỳ họp Quốc hội, thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP HCM, đặt vấn đề: “Vì sao phải bỏ quyền chất vấn của đại biểu HĐND với Chánh án và Viện trưởng VKSND?”.
Ông Hoàng cho rằng cách giải thích trong tờ trình của cơ quan soạn thảo “chưa rõ”; lấy việc tiếp xúc, giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân với các cơ quan để thay thế quyền chất vấn thì “e rằng không hợp lý”.
Tướng Hoàng phân tích, với các đại biểu Quốc hội, theo đúng quyền hạn có thể gặp bộ trưởng để yêu cầu giải quyết vấn đề. “Nhưng trên thực tế có bao nhiêu đại biểu có điều kiện gặp để đề nghị giải quyết vấn đề hay chưa?”, ông nói
Theo ông, đại biểu cơ quan dân cử ở địa phương càng khó được tiếp xúc với Chánh án và Viện trưởng VKSND. Vì thế, quy định về quyền chất vấn chính thức “là điều kiện để đại biểu Hội đồng nhân dân giám sát, chất vấn những chức danh này”.
Bày tỏ chưa đồng tình với cách giải thích trong dự thảo tờ trình, ông Hoàng đề nghị giữ lại quy định đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chánh án và Viện trưởng VKS, “chứ không thể bỏ đi được”.

GS Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chiều 7/5. Ảnh: Vũ Tuân
“Nên giữ lại quyền chất vấn của đại biểu HĐND với Chánh án và Viện trưởng VKS”, GS Nguyễn Thiện Nhân góp ý. Theo ông, Hội đồng nhân dân là cơ quan dân bầu cử trực tiếp, đại diện cho lợi ích và quyền lợi người dân. Theo ông, bất cứ hệ thống nào “nếu không có sự giám sát của nhân dân đều có nguy cơ dẫn đến độc quyền và tha hóa”.
Khi bỏ cấp huyện, GS Nhân đề xuất trao quyền chất vấn người đứng đầu tòa án và viện kiểm sát cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
“Người dân thường rất ngại đến cơ quan tố tụng. Có những vụ việc họ thấy không công bằng nhưng không biết hỏi thế nào. Vậy nên phải giữ lại cơ chế để Hội đồng nhân dân đại diện cho họ chất vấn và giám sát người đứng đầu tòa án, viện kiểm sát”, ông Nhân nói.
Giám đốc Sở Tư pháp TP HCM Nguyễn Thị Hồng Hạnh cũng đồng tình với đề xuất giữ nguyên quyền chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân. “Cơ quan soạn thảo cần giải thích thêm vì sao bỏ quy định này trong dự thảo”, bà nêu quan điểm.
Vũ Tuân