Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp của Đà Nẵng tăng 130 bậc, vươn lên vị trí 766 thế giới, theo StartupBlink công bố ngày 20/5.
Đà Nẵng được đánh giá cao nhờ đáp ứng nhiều tiêu chí về số lượng startup, chính sách hỗ trợ, các vòng gọi vốn, sự kiện đổi mới sáng tạo và các thành tố trong hệ sinh thái.
StartupBlink là nền tảng dữ liệu toàn cầu về đổi mới sáng tạo, lập bản đồ hàng trăm nghìn startup, không gian làm việc chung, chương trình tăng tốc trên toàn thế giới. Dữ liệu từ nền tảng này là cơ sở cho các tổ chức, chính phủ, nhà đầu tư đưa ra quyết định về chính sách, đầu tư và định vị hệ sinh thái.

Hội thảo trực tuyến “Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu năm 2025” chiều 20/5. Ảnh: DSAC
Để đạt thành tựu trên, Đà Nẵng tập trung phát triển các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn như AI, vi mạch bán dẫn, blockchain, điện toán đám mây, máy tính lượng tử, năng lượng tái tạo và công nghệ sinh học. Thành phố mở rộng kết nối quốc tế và trong nước, hướng tới vai trò là trung tâm khởi nghiệp quốc gia và động lực công nghệ của miền Trung, mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu châu Á vào năm 2045.
Vị trí địa lý trung tâm trục Bắc – Nam cùng hạ tầng giao thông hiện đại như sân bay quốc tế, cảng biển, đang tạo lợi thế cho Đà Nẵng thu hút startup và nhà đầu tư. Dự kiến, nếu sáp nhập với tỉnh Quảng Nam, thành phố sẽ mở rộng diện tích lên gần 12.000 km2, dân số hơn 3 triệu người, tạo không gian phát triển lớn hơn cho hệ sinh thái khởi nghiệp.

Ông Nguyễn Viết Toàn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Khoa học đổi mới sáng tạo Đà Nẵng báo cáo tại Hội thảo trực tuyến ra mắt toàn cầu “Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu năm 2025. Ảnh: DSAC
Thành phố hiện có gần 30 chính sách hỗ trợ khoa học công nghệ và khởi nghiệp. Trong đó nhiều chính sách đột phá như: miễn thuế cho startup đổi mới sáng tạo, hỗ trợ sử dụng hạ tầng công nghệ, tài trợ không hoàn lại từ ngân sách nhà nước, thúc đẩy phát triển AI và bán dẫn.
Bên cạnh đó, thành phố đang triển khai các dự án quy mô lớn như Khu Thương mại Tự do, Trung tâm Tài chính Quốc tế nhằm tạo cú hích thu hút đầu tư. Hạ tầng khởi nghiệp được chú trọng đầu tư với không gian đổi mới sáng tạo (500 tỷ đồng); Công viên phần mềm số 2 (diện tích sàn 92.000 m2, quy mô 6.000 nhân lực); hệ thống hạ tầng số hiện đại; kết nối Internet tốc độ cao và trung tâm dữ liệu tiêu chuẩn quốc tế…

Bà Lê Thị Thục, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng nhận Giải thưởng thành phố thông minh Việt Nam năm 2024, lĩnh vực “Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ảnh: DSAC
Trước đó, Đà Nẵng tổ chức hơn 50 sự kiện khởi nghiệp mỗi năm như Surf, Hackathon, Startup Runway…, thu hút cộng đồng doanh nhân trẻ trong và ngoài nước. Các không gian làm việc chung, vườn ươm, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ, tạo hệ sinh thái năng động.
Thành phố sở hữu nguồn nhân lực chất lượng cao với 18 đại học, 15 cao đẳng, hơn 100.000 sinh viên và 251 giáo sư, phó giáo sư, chuyên gia nghiên cứu – lực lượng nòng cốt cho đổi mới sáng tạo.
Đà Nẵng nhiều lần được vinh danh là “Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” (các năm 2020, 2022, 2023, 2024) và “Thành phố thông minh xuất sắc” 5 năm liên tiếp. Thành phố cũng vào Top 5 cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2024, được Bộ Khoa học và Công nghệ ghi nhận đóng góp nổi bật cho hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.
Từ những động lực trên, thành phố được kỳ vọng tiếp tục bứt phá trong kỷ nguyên chuyển đổi số và công nghiệp 4.0.
Thái Anh