Hưng YênÔng Đồng Xuân Thụ, cựu Tổng biên tập tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, bị VKSND tỉnh Hưng Yên đề nghị mức án 13-14 năm tù về tội Cưỡng đoạt tài sản.
Sáng 25/7, phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 44 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, nhân viên của tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, đại diện VKSND tỉnh Hưng Yên công bố bản luận tội, đề nghị tuyên bị cáo Đồng Xuân Thụ án 13-14 năm tù; cựu phó tổng biên tập Nguyễn Thị Ánh Hồng và cựu kế toán trưởng Cao Thị Thu Hường từ 6 năm 6 tháng đến 7 năm 6 tháng tù; cựu trưởng ban Kinh tế Bùi Văn Toàn từ 12 năm đến 12 năm 3 tháng tù.
Các bị cáo Nguyễn Thanh Tâm (cựu Trưởng Văn phòng Tây Nguyên từ năm 2017 đến năm 2023) án từ 5 năm đến 6 năm tù; Đặng Văn Phục và Vũ Đức Lân (cựu phóng viên Ban Kinh tế môi trường) mỗi người từ 8 năm đến 9 năm tù; Phạm Ngọc Hoàng (cựu Trưởng Ban Media), Vũ Đình Năm (cựu Trưởng Văn phòng Tây Nguyên từ tháng 6/2023), Phạm Hồng Dương (cựu Trưởng Văn phòng Tây Bắc), Nguyễn Giác (cựu phóng viên Văn phòng Tây Nguyên), Nguyễn Đức Huấn (cựu phóng viên Ban điện tử) từ 7 năm đến 8 năm tù.
32 bị cáo khác bị đề nghị từ án treo đến 4 năm tù giam.
VKS đánh giá các bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, diễn ra liên tục trong thời gian dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín danh dự những người làm báo chân chính.
Các bị cáo đều là những người có học thức cao, được đào tạo nghiệp vụ báo chí nhưng chưa mẫu mực về đạo đức nghề nghiệp, chưa đủ để đề kháng với những cám dỗ, chưa đặt tinh thần đạo đức nghề nghiệp lên trên hết. Để đạt được mục đích của mình, các bị cáo coi thường pháp luật, lợi dụng quyền hạn báo chí để chiếm đoạt tài sản, vì vậy cần phải xử phạt nghiêm minh.
VKS đánh giá bị cáo Thụ là người khởi xướng, phân công. Bị cáo Hồng, Hường là đồng phạm tổ chức, giúp sức.
Các trưởng ban, trưởng văn phòng đại diện có vai trò tiếp nhận ý chí của ông Thụ để các phóng viên, cộng tác viên, tổ chức các vụ cưỡng đoạt trên địa bàn phân công. Cuối cùng là vai trò của các phóng viên, cộng tác viên.

Ông Đồng Xuân Thụ tại phiên tòa. Ảnh: Lê Tân
Theo cáo trạng, ông Thụ được bổ nhiệm làm Tổng biên tập tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam từ năm 2010. Quá trình làm việc, ông biết một số đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường nên chỉ đạo cấp dưới tìm hiểu để viết bài phản ánh.
Sau khi các phóng viên, cộng tác viên đăng ký với các ban, văn phòng đại diện về nội dung bài viết phản ánh sai phạm, ông Thụ trực tiếp hoặc thông qua Phó tổng biên tập Ánh Hồng ký giấy giới thiệu cho cấp dưới đi liên hệ.
Các phóng viên, cộng tác viên này đã thực hiện việc đe dọa ép buộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ký hợp đồng Chương trình cây chổi vàng do tòa soạn in sẵn, ký khống, yêu cầu tài trợ mức kim cương: 300.000.000 đồng, tài trợ vàng: 200.000.000 đồng, tài trợ bạc: 100.000.000 đồng, tài trợ đồng: 50.000.000 đồng…
Nếu cách này không được, các bị cáo dọa sẽ thông tin đến cơ quan quản lý nhà nước để buộc bên vi phạm phải ký hợp đồng tài trợ. Khi áp dụng cả hai cách thức vẫn không xong, các phóng viên, cộng tác viên của tạp chí sẽ viết bài phản ánh.
Theo cáo trạng, sau khi bài viết được ông Thụ hoặc bà Hồng duyệt đăng trên tạp chí, các phóng viên, cộng tác viên chia sẻ đường link bài đăng trên các nền tảng mạng xã hội nhằm gây sức ép. Việc này buộc cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp phải liên hệ để được hướng dẫn cách xử lý bài đã đăng, xin được gỡ, ẩn, xóa, thay đổi nội dung.
Lúc này, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ phải tài trợ một số tiền nhất định thông qua việc ký hợp đồng.
Tài liệu điều tra cho thấy, ông Thụ đã chỉnh sửa nội dung 26 bài viết, xóa 4 bài viết; bà Ánh Hồng chỉnh sửa 6 bài viết, xóa 15 bài viết, không đúng theo Luật Báo chí.
Lý giải điều này, ông Thụ nói: “Do mối quan hệ công tác, phóng viên báo cáo đơn vị đã khắc phục sai phạm và có đơn của đơn vị xin giúp đỡ, xem xét gỡ bài”.
Số tiền nhận từ các bị hại, ông Thụ chi theo tỷ lệ % cho tòa soạn, ban biên tập, các ban, phòng. Đầu năm, ông sẽ giao chỉ tiêu hợp đồng quảng cáo cho các trưởng ban, trưởng văn phòng phải thực hiện.
Nhà chức trách xác định, trong quá trình thực hiện, các bị cáo đều có sự móc nối liên kết với nhau từ giai đoạn tìm kiếm thông tin sai phạm, đe dọa, ép buộc ký hợp đồng, nhận tiền.
Ông Thụ cùng 43 thuộc cấp trong tạp chí bị cáo buộc đã thực hiện 84 vụ cưỡng đoạt tài sản trên đại bàn 16 tỉnh thành, tổng số tiền là gần 5,2 tỷ đồng. Trong đó, tòa soạn giữ hơn 2,6 tỷ đồng, còn lại chuyển về cho các ban, văn phòng đã thực hiện vụ việc.
Trong đó, bị cáo Bùi Văn Toàn (cựu Trưởng Ban kinh tế), được xem là người thực hiện nhiều vụ việc nhất (42/84 vụ), được chia nhiều nhất (860 triệu đồng).
Lê Tân