Cựu bí thư Bến Tre Lê Đức Thọ xin khắc phục thêm 10 tỷ đồng

Cựu bí thư Bến Tre Lê Đức Thọ xin khắc phục thêm 10 tỷ đồng – rss

TP HCMTrình bày với tòa, ông Lê Đức Thọ mong muốn được khắc phục thêm 10 tỷ đồng, ngoài số tiền hơn 33 tỷ đồng đã nộp lại, xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Ngày 6/5, TAND Cấp cao tại TP HCM mở phiên phúc thẩm xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của cựu bí thư Bến Tre Lê Đức Thọ, về các sai phạm liên quan Công ty Xuyên Việt Oil.

Trả lời HĐXX, ông Thọ cho biết giữ nguyên kháng cáo xin giảm mức án 28 năm tù về các tội Nhận hối lộ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; đồng thời trình bày về nhiều tình tiết giảm nhẹ mới.

Bị cáo cho biết, sau khi nghỉ việc tại Viettinbank thì về làm Bí thư Bến Tre. Trong thời gian này, ông đã kêu gọi nhiều doanh nghiệp đóng góp cho tỉnh, vốn là địa phương còn nhiều khó khăn. Trong đó, Xuyên Việt Oil đã đóng góp cho ngân sách tỉnh 300 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, với vai trò là Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh, ông đã kêu gọi các doanh nghiệp ủng hộ tham gia công tác thiện nguyện; trong đó Xuyên Việt Oil ủng hộ số tiền 20 tỷ đồng.

Cựu bí thư Bến Tre cho biết thêm, sau phiên tòa đã nộp phạt 200 triệu đồng (hình phạt bổ sung). Còn tại phiên phúc thẩm này sẽ khắc phục thêm 10 tỷ trích từ số tiền trong các sổ tiết kiệm đang bị kê biên.





Cựu bí thư Bến Tre Lê Đức Thọ tại tòa hôm nay. Ảnh: Hải Duyên

Cựu bí thư Bến Tre Lê Đức Thọ tại tòa hôm nay. Ảnh: Hải Duyên

Trong phần thẩm vấn đầu giờ chiều, luật sư bào chữa của ông Thọ cho biết đã nhận được đơn của vợ bị cáo, trình bày về việc muốn dùng số tiền hơn 10 tỷ đồng trong 3 sổ tiết kiệm (do bà đứng tên, đang bị kê biên) để khắc phục hậu quả cho chồng. Được hỏi ý kiến, ông Thọ đồng ý về việc này.

Tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa cho biết, trong hồ sơ vụ án đang có 133 sổ tiết kiệm bị kê biên. Việc luật sư “nói chung chung sử dụng 3 sổ tiết kiệm” mà không nói rõ sổ tiết kiệm nào, số dư bao nhiêu, sẽ gây khó khăn cho HĐXX trong quá trình ra phán quyết. Chủ tọa đề nghị luật sư liên hệ với ngân hàng để làm rõ, cần thiết tòa sẽ có văn bản hỗ trợ.

Luật sư của ông Thọ khẳng định trong ngày mai, gia đình sẽ nộp sao kê số dư tài khoản của các sổ tiết kiệm này.

Sau khi hội ý, HĐXX quyết định tạm dừng phiên tòa để tạo điều kiện cho bị cáo Thọ và luật sư bổ sung tài liệu liên quan đến việc khắc phục hậu quả, làm cơ sở để VKS đưa ra quan điểm giải quyết và tòa xem xét. Phiên tòa sẽ tiếp tục được mở lại vào ngày 8/5.





Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh tại tòa hôm nay. Ảnh: Hải Duyên

Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh tại tòa hôm nay. Ảnh: Hải Duyên

Bà chủ Xuyên Việt Oil dùng 11 bất động sản để khắc phục hậu quả

Là người có vai trò cầm đầu trong vụ án, trình bày trước đó, bà Mai Thị Hồng Hạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên của Công ty Xuyên Việt Oil, xin giảm nhẹ hình phạt 30 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí Đưa hối lộ.

Bị cáo cho biết, ngoài số tiền 6,7 tỷ đồng đã khắc phục tại cấp sơ thẩm, bị cáo chưa khắc phục thêm số tiền nào. Tuy nhiên, quá trình điều tra, nhiều tài sản của bà, trong đó có 11 bất động sản đã bị kê biên. Bà đồng ý dùng toàn bộ tài sản này để khắc phục hậu quả vụ án.

Ngoài ra, bà Hạnh nói, quá trình điều tra đã chủ động và thành khẩn khai báo về việc đưa hối lộ cho nhiều người là để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Tuy nhiên, việc này chưa được xem xét, mức án cấp sơ thẩm tuyên là quá nghiêm khắc. Vì vậy bị cáo mong HĐXX phúc thẩm xem xét, lưu tâm giảm nhẹ cho mình.

Chủ tịch Xuyên Việt Oil cũng trình bày thêm rằng, quá trình kinh doanh đã đóng góp cho Nhà nước số tiền thuế khoảng 15.000 tỷ đồng, xin được ghi nhận tình tiết này.

Cựu vụ trưởng thuộc Bộ Công Thương ‘so bì’ mức án với cựu thứ trưởng

Trình bày về nội dung kháng cáo, cựu vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) Trần Duy Đông cho rằng, vai trò của mình trong vụ án ít hơn cựu thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và chỉ nhận tiền của Xuyên Việt Oil một lần, nhưng mức án tòa sơ thẩm tuyên 7 năm là quá nặng. Về quy trình cấp phép cho Xuyên Việt Oil, theo Đông, bị cáo đã uỷ quyền cho cấp phó Hoàng Anh Tuấn và Nguyễn Lộc An chứ bản thân không tham gia.

Hai cựu vụ phó Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Lộc An và cựu cục trưởng Thuế TP HCM cũng xin giảm nhẹ hình phạt về tội Nhận hối lộ.

Bản án sơ thẩm xác định, khi Công ty Xuyên Việt Oil vay vốn tại Vietinbank và xin cấp giới hạn tín dụng, kéo dài thời gian duy trì giới hạn tín dụng, từ năm 2019 đến tháng 1/2020, ông Lê Đức Thọ đã hai lần nhận hối lộ, tổng 600.000 USD (tương đương 13,8 tỷ đồng) của bà Hạnh.

Ngoài ra, từ năm 2021, ông Thọ còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre và nguyên Chủ tịch HĐQT Vietinbank để tác động, gây ảnh hưởng đến Giám đốc ngân hàng chi nhánh Bến Tre cho Công ty Xuyên Việt Oil được vay vốn thuận lợi, với hạn mức tín dụng 400 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi và tỷ lệ tín chấp khoản vay là 40%.

Để “cảm ơn”, Hạnh đã tặng cho ông Thọ nhiều tài sản có giá trị, tổng cộng hơn 33 tỷ đồng. Quá trình điều tra, xét xử sơ thẩm, ông và gia đình đã nộp lại toàn bộ tiền hưởng lợi.

Cuối tháng 11/2024, TAND TP HCM tuyên phạt ông Thọ 15 năm tù về tội Nhận hối lộ và 13 năm về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Ông Thọ được trả lại 97 miếng vàng và 133 sổ tiết kiệm do không liên quan đến vụ án. Tuy nhiên, tòa tuyên tịch thu, nộp ngân sách nhà nước một ôtô Mercedes Benz S450 (khoảng 6,6 tỷ đồng); 5 chiếc đồng hồ Patek Philippe, trong đó có một chiếc trị giá 421.000 USD (gần 10 tỷ đồng) là những tài sản ông Thọ được chủ Công ty Xuyên Việt Oil tặng khi đương chức.

Đối với Mai Thị Hồng Hạnh, bản án xác định, Xuyên Việt Oil không đủ điều kiện được cấp giấy phép xuất nhập khẩu xăng dầu nên từ năm 2016 đến 2022 bị cáo đã tìm cách gặp gỡ các quan chức phụ trách chuyên môn của Bộ Công Thương đặt vấn đề nhờ giúp đỡ. Hạnh đã đưa hối lộ 22 lần cho 8 cá nhân với tổng số tiền hơn 31 tỷ đồng.

Quá trình điều hành Xuyên Việt Oil, bị cáo Hạnh đã chỉ đạo cấp phó là Nguyễn Thị Như Phương và nhân viên không thực hiện việc trích lập, quản lý nộp quỹ bình ổn giá xăng dầu gây thất thoát 219 tỷ đồng. Bị cáo còn chỉ đạo nhân viên lập báo cáo đầy đủ về 1.244 tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường, nhưng không nộp mà rút ra sử dụng vào mục đích cá nhân gây thất thoát.

Tòa tuyên bị cáo Hạnh 19 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; 11 năm tù về tội Đưa hối lộ. Tổng hợp hình phạt là 30 năm tù (mức cao nhất của hình phạt tù có thời hạn); đồng thời buộc bồi thường tổng cộng hơn 1.700 tỷ đồng.

Nhiều quan chức thuộc Bộ Công Thương, Cục Thuế TP HCM bị bà chủ Xuyên Việt Oil mua chuộc hoặc tác động. Trong đó, cựu thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Trần Duy Đông, cựu Vụ trưởng Thị trường trong nước cùng hai cấp phó là Nguyễn Lộc An và Hoàng Anh Tuấn, đã nhận hối lộ của bà chủ Xuyên Việt Oil để cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu.

Cụ thể, ông Hải nhận 50.000 USD (khoảng 1,11 tỷ đồng); Đông nhận 250.000 USD (tương đương hơn 5,6 tỷ đồng); An nhận 400 triệu và đồng hồ Patek Philippe; Tuấn nhận 265.000 USD (tương đương gần 6 tỷ đồng).

Hải Duyên

Tag: phapluat-vnexpress

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 7

No votes so far! Be the first to rate this post.