Khởi đầu từ một xưởng sản xuất kem dưỡng da mang tên Lan Hảo ra đời năm 1961, thương hiệu mỹ phẩm Thorakao dần gây dựng tên tuổi tại Sài Gòn suốt 10 năm sau đó với nhiều sản phẩm được ưa chuộng như dầu gội, xà bông… Đây trở thành hãng mỹ phẩm nổi tiếng số một trong nước. Năm 1969, công ty còn mở chi nhánh ở Campuchia và bắt đầu xuất khẩu mỹ phẩm khắp các nước Đông Nam Á.
“Hồi đó liên quân của Mỹ, quân đội Hàn Quốc, Thái Lan cũng mang mỹ phẩm này về cho vợ con. Hàng bán ào ào”, ông Huỳnh Kỳ Trân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thorakao, hồi tưởng.
Sau thống nhất đất nước năm 1975, hàng nghìn cơ sở kinh doanh quy mô lớn, nhỏ của TP HCM tiếp tục kế thừa và vận hành hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ duy trì được khoảng hai năm khi còn nguyên liệu dự trữ. Đến năm 1978, nguyên vật liệu cạn kiệt do Việt Nam bị cấm vận, nhiều mặt hàng không thể nhập từ nước ngoài như trước, còn trong nước lại không thể tự sản xuất.
Đây là giai đoạn khó khăn nhất của những doanh nghiệp như Thorakao. Nhiều nguyên liệu tự nhiên ở Việt Nam như bồ kết, ngọc trai, nghệ… không thiếu, nhưng công ty không có bao bì, hộp, hương liệu. Việc sản xuất cứ chậm dần, ông Trân quyết định không bán hàng tồn kho cho đại lý như trước, mà giữ lại để bạn bè, người thân sử dụng.
“Vợ chồng tôi sợ nghề mấy đời thất truyền nên cố gắng hoạt động cầm chừng trên quy mô nhỏ”, ông kể.

Nhìn lại thập niên đầu sau thống nhất, PGS.TS Phan Xuân Biên, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, kể danh xưng “Hòn ngọc Viễn Đông” chìm vào quá khứ, trong khi chưa lâu trước đó, Sài Gòn thậm chí vượt trội hơn một số thành phố lớn trong khu vực như Bangkok, Manila hay Singapore.
“Lần đầu tiên trong lịch sử, người dân Sài Gòn phải ăn cơm độn, từ khoai sắn đến bo bo, có lúc độn đến 90%. Đời sống nhân dân sa sút thê thảm”, ông hồi tưởng.
Thập niên ‘hiểm nghèo’
Sau thống nhất, hòa với niềm vui Bắc – Nam sum họp của người Việt, nhiều thương nhân, nhà đầu tư nước ngoài cũng thắp lên sự phấn khởi về cơ hội làm ăn to lớn.
Công tác tại Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) giai đoạn đó, bà Phạm Chi Lan (chuyên gia kinh tế, nguyên thành viên Tổ tư vấn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) kể Việt Nam liên tục tiếp đón rất nhiều đoàn chuyên gia từ Malaysia, Philippines, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Đức, Australia, Tây Âu… Ngay cả các phòng thương mại Mỹ tại Hong Kong, Thái Lan, Singapore cũng mời VCCI tham gia kết nối. Họ luôn nhìn thấy cơ hội tham gia tái thiết sau các cuộc chiến trên thế giới.
Ở miền Nam Việt Nam, cơ hội có khắp nơi. Thời điểm tiếp quản đầu 1975, thành phố có 1.736 xí nghiệp từ 50 đến trên 1.000 lao động. Phát triển rực rỡ nhất là công nghiệp chế biến, giày, kim khí căn bản, thực phẩm – đồ uống – thuốc lá, hóa chất. Sài Gòn không bị tổn thất nhiều về vật chất sau cuộc chiến, lại có nền công thương nghiệp phát triển mạnh mẽ, là nền tảng tốt để tiếp tục cất cánh.
Gần Sài Gòn lại có những tỉnh, thành hẻo lánh, nơi đời sống người dân nghèo khó đến mức “không thể tưởng tượng nổi”.
“Tôi giải thích với các đoàn nước ngoài rằng trẻ em đi chân đất rất nhiều, quần áo thiếu thốn, mỗi năm chỉ được phân phối 4 m vải, tức tiềm năng phát triển của ngành giày dép và dệt may vô cùng lớn”, bà Lan nhớ lại những lần tham gia chào mời cơ hội làm ăn.
Nhưng không khí hồ hởi tìm cơ hội tham gia tái thiết Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài không kéo dài lâu. Đến cuối năm 1978, mọi thứ chững lại. Đầu năm 1979, cuộc chiến biên giới phía Bắc nổ ra, khiến tinh thần háo hức tìm kiếm cơ hội hợp tác thương mại nhanh chóng lắng xuống.
Theo bà Lan, hậu chiến tranh, các nước như Đức, Nhật hay châu Âu đều phải nhờ nguồn lực từ bên ngoài để vực dậy nền kinh tế. Trước năm 1978, Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung cũng từng có triển vọng này. Nhưng cuối cùng, công cuộc tái thiết “Hòn ngọc Viễn Đông” là con đường tự lực cánh sinh, vừa thiếu thốn nguồn lực, vừa tự trói mình bởi mô hình kinh tế bao cấp.
Nguyên nhân khách quan là hậu quả chiến tranh quá nặng nề, Việt Nam gần như không có nguồn lực để tự phục hồi. Trong khi đó, cấm vận của Mỹ quá khắc nghiệt. Hầu hết quốc gia đều muốn làm ăn với Mỹ, nên e ngại hợp tác với Việt Nam. Chỉ một số doanh nghiệp nhỏ từ Hong Kong, Quảng Châu hoặc các nước xã hội chủ nghĩa cũ vẫn tiếp tục giao thương.
Về chủ quan, chính sách cải tạo công thương nghiệp tư nhân không hợp lý khiến nền kinh tế miền Nam và Sài Gòn lao dốc.
“Đáng tiếc nhất vẫn là mất mát về con người”, bà Lan nói. Nhiều doanh nhân và thương gia không muốn rời Sài Gòn, nhưng cuối cùng vẫn phải ra đi. Lực lượng trí thức, kỹ trị cũng rời bỏ đất nước, khiến chất xám bị chảy máu nghiêm trọng. Ở nông thôn, mô hình hợp tác hóa khiến nông dân nản chí, bỏ ruộng đồng. Tiểu thương, tiểu chủ còn ở lại – những người đã duy trì được kinh doanh ngay cả trong thời chiến – đối diện khó khăn trăm bề.
Đúc kết lại thập niên đó, PGS.TS Phan Xuân Biên tóm gọn bằng hai chữ: “hiểm nghèo”.
“Trong lịch sử nước ta từ năm 1930 đến nay, Đảng hai lần dùng chữ hiểm nghèo để chỉ tình thế của cách mạng: lần thứ nhất là năm 1945 – 1946, lần thứ hai là sau giải phóng miền Nam đến năm 1986”, ông nói.
Những cuộc cải cách kinh tế dưới mô hình bao cấp đã gây thiệt hại lớn, đẩy giá cả tăng phi mã với đỉnh điểm lạm phát 775% vào năm 1986.
“May mắn là Sài Gòn có nhiều người không chấp nhận số phận”, bà Phạm Chi Lan nói. Tất cả mọi người – từ lãnh đạo, trí thức, doanh nhân đến tiểu thương và người dân bình thường – bắt đầu nhận ra vấn đề và tìm cách xoay xở trong thời cuộc tranh tối tranh sáng.
Thoát hiểm
Đầu thập niên 80, ông Huỳnh Kỳ Trân bắt đầu thấy những tín hiệu lạc quan khi hai đời Bí thư Thành ủy TP HCM là ông Nguyễn Văn Linh và ông Võ Văn Kiệt đều “bật đèn xanh” cho thành phố xoá bỏ cơ chế tập trung, bao cấp.
“Chưa xoá bỏ được cơ chế quản lý nhưng cũng là bước đột phá, có hy vọng rằng tình hình kinh doanh sớm trở lại vàng son”, Chủ tịch Thorakao nói.

Hai năm 1979-1980, Thành ủy TP HCM ban hành hai Nghị quyết đề ra những hướng đột phá theo tinh thần chủ động sáng tạo từ cơ sở, làm cho sản xuất bung ra. Đảng bộ TP HCM nhìn nhận thẳng vấn đề: Nền kinh tế bị đảo lộn, lại quản lý theo một cơ chế có nhiều mặt không phù hợp, nên ngày càng mất cân đối nghiêm trọng. Ở các cấp địa phương, cơ sở cũng tự tìm kiếm cách xoay xở để tháo gỡ khó khăn, mở lối thoát.
“Họ tự cứu mình trước khi trời cứu”, PGS.TS Phan Xuân Biên bình luận.
Trong sản xuất, thành phố tổ chức khui các kho dự trữ, đưa vật tư tồn đọng trang trải cho các xí nghiệp. Nhờ đó, nhiều điển hình làm ăn theo “cơ chế thành phố” xuất hiện như Công ty Bột giặt Miền Nam, Dệt Phong Phú, Dệt Thành Công, Bia Sài Gòn… Địa phương đề ra chủ trương “tìm mọi nguyên liệu cho sản xuất”, lập Công ty xuất nhập khẩu trực tiếp (Direximco) và xuất nhập khẩu Chợ Lớn (Cholimex) huy động vốn mua hàng xuất khẩu, lấy ngoại tệ nhập nguyên liệu, vật tư cho sản xuất.
Để thoát cảnh chạy gạo từng bữa cho 3,5 triệu dân, thành phố lập Tổ thu mua lương thực, lặn lội xuống Đồng bằng sông Cửu Long, vượt hàng rào “ngăn sông cấm chợ” để thu mua lương thực theo giá thỏa thuận, tạo nên “hạt gạo cô Ba Thi“.
Chính quyền địa phương cũng “đỡ đầu” cho những tìm tòi, sáng kiến “xé rào”, kêu gọi tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, từng bước thoát ra khỏi cách suy nghĩ, làm ăn kiểu cũ. Nhờ vậy, kinh tế TP HCM vẫn có tăng trưởng trong tình thế bị “trói tay”.
Năm 1982, Bí thư Thành ủy TP HCM Võ Văn Kiệt ra Bắc nhận nhiệm vụ Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Ông vẫn giữ kết nối với các chuyên gia, doanh nhân ở Sài Gòn để cập nhật tình hình thực tế, thúc đẩy quá trình đổi mới tư duy kinh tế ở cấp Trung ương.
Bước ngoặt để đi đến kết thúc “đêm trường” và đưa kinh tế thành phố cất cánh diễn ra vào tháng 7/1983. Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Linh lúc ấy đã sắp xếp để các giám đốc xí nghiệp năng động báo cáo trực tiếp với lãnh đạo Trung ương, trong đó có Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh, khi đi nghỉ tại Đà Lạt. Nhiều ý kiến về cơ chế quản lý kìm hãm sản xuất được nêu. Nhờ đó, ông nhận ra vấn đề không chỉ nằm ở quản lý kém hiệu quả, mà cần xem xét lại toàn bộ quan điểm về quản lý kinh tế.
Trở về Hà Nội, ông tích cực tham vấn các nhà khoa học để tìm kiếm hướng đi mới, hiệu triệu “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Khi trở thành Tổng Bí thư năm 1986, ông tiếp tục cùng đội ngũ lãnh đạo đất nước quyết định “bẻ lái”, tập trung giải quyết lạm phát phi mã 700% và vực dậy nền kinh tế, đưa đất nước vào thời kỳ Đổi mới.
PGS.TS Phan Xuân Biên đánh giá những chính sách Đổi mới của thành phố lúc đầu bị coi là “phá rào”, sau này được ghi nhận là bước đột phá đầu tiên của quá trình Đổi mới. Thành phố được đánh giá là năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, những đặc trưng tính cách anh hùng đã trở thành thuộc tính, thương hiệu của TP HCM.
Giai đoạn này, Nhà nước vẫn tập trung phát triển kinh tế quốc doanh, nhưng đường lối sau Đổi mới mở ra cơ hội cho những doanh nghiệp tư nhân như Thorakao. Công ty bắt đầu có thể nhập nguyên liệu từ nước ngoài do họ hàng, người thân sống ở Mỹ, Pháp gửi về qua đường tiểu ngạch. Quy mô sản xuất tuy không lớn, nhưng doanh nghiệp vẫn từng bước vực dậy.
“Từ kinh tế quốc doanh, tập thể chuyển sang kinh tế nhiều thành phần và bỏ chế độ tem phiếu nên doanh nghiệp sướng, do nhiều mô hình làm ăn mới được bung ra”, ông Huỳnh Kỳ Trân kể lại.
Hào quang trở lại
“Thành công của Đổi mới ở TP HCM là nhờ Việt Nam ý thức được cần có bàn tay của nước ngoài để chung tay xây dựng từ rất sớm, và TP HCM đã tận dụng được cơ hội này”, bà Phạm Chi Lan nói.
Năm 1987, Việt Nam ban hành Luật Đầu tư nước ngoài, sớm hơn cả Luật Doanh nghiệp tư nhân 1990. Khi đó, trừ TP HCM, không nơi nào có kinh nghiệm thu hút đầu tư và làm ăn với nước ngoài.

Năm 1988, lãnh đạo TP HCM chỉ thị cho các công ty và sở ngành đề xuất cách thu hút vốn ngoại, theo lời kể của ông Phan Chánh Dưỡng trong cuốn “Ký ức theo dòng đời”. Nhóm nghiên cứu kinh tế chuyên đề mà ông Dưỡng tham gia nêu ý tưởng lập khu chế xuất, nơi nhà đầu tư đến Việt Nam thuê đất, nhà xưởng và lao động để sản xuất, chỉ bán ra nước ngoài. Như vậy, khối FDI sẽ không cạnh tranh công nghiệp với nhà nước. Ý tưởng về Khu chế xuất Tân Thuận được thành phố và Trung ương đồng thuận, ra đời năm 1991.
Với mô hình khu chế xuất, TP HCM bắt đầu đón nhận dòng vốn FDI đầu tiên. Trong 4 năm thí điểm, từ 1992 đến 1996, TP HCM thành lập thêm hai khu chế xuất là Linh Trung 1 và Linh Trung 2.
“Khu chế xuất Tân Thuận rất hay, rất trúng vì trước đó chúng tôi nghiên cứu sách vở đã thấy Trung Quốc làm, muốn học mô hình của họ. Chúng tôi cũng khuyến nghị nhưng thực tế không ai biết làm thế nào nên ngần ngại. TP HCM khi ấy dám làm, đưa ra bài học cho cả nước. Họ thành công đến mức về sau tỉnh thành nào cũng muốn có”, bà Lan nói.

Giai đoạn 1991 – 1995 vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, trung bình 68% mỗi năm. Những nhà đầu tư nước ngoài vào Tân Thuận cũng tạo hiệu ứng niềm tin về môi trường đầu tư chung cho TP HCM. Nhiều doanh nghiệp ngoại tìm đến, chấp nhận những năm đầu không ít thử thách để tìm kiếm cơ hội lâu dài.
Năm 1993, Acecook Nhật Bản nhận thấy tiềm năng lớn của thị trường mì ăn liền Việt Nam khi kinh tế mở cửa. Họ quyết định hợp tác với công ty Vifon và Tập đoàn Marubeni để lập Liên doanh Vifon – Acecook. Đến tháng 7/1995, họ bán sản phẩm đầu tiên ở TP HCM và tìm cách sản xuất tại chỗ.
“Những ngày đầu tiên tại TP HCM là một hành trình đầy thử thách”, ông Shimada Shigeru, Chánh văn phòng Tổng giám đốc liên doanh, kể. Không chỉ là bài toán điều chỉnh hương vị, giữ được chất lượng với giá cả hợp lý, Acecook phải xây dựng chuỗi cung ứng từ đầu, hỗ trợ nhà cung cấp tại chỗ cải thiện năng lực.
Đến năm 2000, Acecook bắt đầu “hái quả ngọt” khi có thể sử dụng nguyên liệu nội địa, giúp tối ưu chi phí sản xuất. Sau ba thập niên, họ trở thành một phần của đời sống tiêu dùng Việt, sở hữu thương hiệu “quốc dân” Hảo Hảo.
“Đất lành chim đậu” mới chỉ là bước đầu. TP HCM cần thu hút những “đại bàng” về làm tổ khi nhận thấy nguy cơ tụt hậu nếu chỉ dựa vào nông nghiệp và công nghiệp truyền thống. Từ những năm 1990, lãnh đạo thành phố chủ động tìm hướng đi mới.
Sau 10 năm nghiên cứu, khảo sát Pháp, Đức, Mỹ, Nhật, mô hình khu công nghệ cao thành hình. Năm 2002, Thủ tướng ký quyết định thành lập Khu công nghệ cao TP HCM (SHTP). Khi đó, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Minh Triết trực tiếp sang Nhật Bản mời tập đoàn Nidec về đầu tư.

Đến 2005, Phó thủ tướng Vũ Khoan dẫn đoàn Việt Nam sang Mỹ gặp Intel. Bà Phạm Chi Lan cũng là thành viên trong tổ công tác này. Ban đầu, Chính phủ mời nhà sản xuất chip vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc, nhưng Intel chốt chọn SHTP.
“Hạ tầng, nhân lực cũng như chính sách thu hút đầu tư của SHTP vượt trội so với Hòa Lạc. Kinh nghiệm hợp tác quốc tế của TP HCM cũng nổi trội hơn. Bên cạnh đó, cơ chế vận hành linh hoạt và sự ủng hộ mạnh mẽ từ lãnh đạo địa phương đã góp phần quan trọng”, bà Lan lý giải.
Kể từ đó, TP HCM trở thành một “đầu tàu kinh tế” thực thụ của Việt Nam, lao nhanh về phía trước với tăng trưởng GRDP trung bình hàng năm 12,62% giai đoạn 1991 -1995.
Kinh tế tư nhân bùng nổ
Năm 1990, Luật Doanh nghiệp tư nhân được Quốc hội thông qua, cũng là cơ hội để hai anh em sáng lập Kido Trần Kim Thành và Trần Lệ Nguyên có cơ hội nối tiếp truyền thống làm bánh của gia đình. Họ khởi đầu từ một tiệm bánh tư nhân ở Phú Lâm, quận 6. Hai anh em thành lập doanh nghiệp sản xuất bánh snack (bim bim) năm 1993, ban đầu chỉ vài chục công nhân, rồi nhanh chóng phát triển và đánh bật cả snack của Thái Lan.
“Không dừng lại ở snack, chúng tôi mở rộng sang các dòng bánh quy, bánh ngọt, bánh trung thu và chocolate”, ông Trần Lệ Nguyên kể.
Năm 1996, công ty đầu tư nhà máy mới tại quận Thủ Đức trên diện tích 14.000 m2, nhập dây chuyền sản xuất bánh cookies trị giá 5 triệu USD từ Đan Mạch.
“Ở TP HCM, lãnh đạo địa phương tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, giúp quá trình mở rộng sản xuất diễn ra thuận lợi”, ông Nguyên nói.

Những doanh nghiệp như Kido thuộc thành phần kinh tế ngoài quốc doanh được hợp thức hóa sau thời kỳ Đổi mới. Nhờ đó, họ lập tức phát triển, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế TP HCM. Nếu như 1985, tổng giá trị sản xuất của kinh tế ngoài quốc doanh chỉ 8,63 tỷ đồng thì đến 1990 và 1995, quy mô đã lần lượt nhảy vọt lên 3.162 và 15.402 tỷ đồng, tức gấp gần 1.800 lần sau 10 năm.
Không chỉ đón đầu làn sóng từ sự công nhận kinh tế tư nhân, doanh nghiệp TP HCM còn hưởng lợi từ các chính sách sáng tạo để hỗ trợ những chủ xưởng tiềm năng, gầy dựng thế hệ doanh nghiệp tư nhân mới. Nhiều tên tuổi tiếp tục phát triển thành công suốt 4 thập niên sau đó, là thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng.
Sự chuyển mình của TP HCM đóng góp lớn vào kinh tế cả nước. Tỷ trọng GRDP của địa phương từ đầu thập niên 1990 tăng dần lên mức trên 20% vào 2010, thu hút FDI cả giai đoạn 1996-2010 chiếm hơn 10% cả nước, kim ngạch xuất khẩu hàng năm chiếm xấp xỉ một nửa cả nước những năm đầu 2000.
Nhiều chuyên gia quốc tế từng hỏi bà Phạm Chi Lan rằng, nhờ đâu công cuộc Đổi mới ở TP HCM và miền Nam thuận lợi, nhanh chóng đến vậy. Trong khi, Nga và Đông Âu tiến hành không mấy dễ dàng. Bà trả lời TP HCM có nền kinh tế thị trường, nơi năng khiếu, đam mê và kiến thức kinh doanh đã chảy sẵn trong huyết quản người dân. “Cá gặp nước” khi tư duy đổi mới có trong các lãnh đạo cao nhất.
Bà Lan kể, từ năm 1962, bà đã được giao tìm hiểu chế độ ngoại thương của miền Nam để tìm phương án kết hợp kinh tế hai miền sau thống nhất. Khi tìm hiểu tài liệu, bà ấn tượng mạnh với hệ thống ngoại thương phát triển vững chắc của Sài Gòn, dù trong bối cảnh chiến tranh. Thành phố không chỉ duy trì kết nối thương mại mạnh mẽ trong khu vực mà còn giao thương với các quốc gia tiên tiến.
“Sức sống tự nhiên của những con người làm ăn kinh doanh tại đây như cỏ dại. Họ bền bỉ và máu kinh doanh lưu truyền sẵn trong con cháu”, bà Lan nói. Theo bà, Đổi mới là quyết định cởi trói, giúp bản năng – tinh thần kinh doanh của người Việt được phát huy, mà con tàu mãnh liệt nhất vẫn là TP HCM.