Nhiều “ngôi sao mạng” có hàng triệu người theo dõi đã bị khóa tài khoản, phạt tiền, thậm chí nhận án tù vì hành vi “giả nghèo khổ” lừa gạt lòng tin của người xem, quảng cáo sai sự thật.
Tháng 3/2024, trang Xinhua đăng bài viết vạch trần câu chuyện cảm động về “cô gái nghèo khổ thiện lương” bán nông sản trên núi Đại Lương (tỉnh Tứ Xuyên) thực chất là kịch bản được sắp đặt tinh vi. Theo đó, đằng sau hàng loạt hoạt động phi pháp của những “người nổi tiếng trên mạng” là mô hình hoạt động nhằm mục đích kiếm lời.
Hình tượng ‘cô gái nghèo thiện lương’
“Lương Sơn Mạnh Dương” tự giới thiệu là cô gái trẻ người dân tộc Di ở tỉnh Tứ Xuyên, mồ côi cha mẹ, phải bỏ học để lo cho các em. Cô mặc quần áo rách rưới, sống trong ngôi nhà xập xệ… Dù cuộc sống bi thảm vẫn mỉm cười lạc quan, tài khoản “Lương Sơn Mạnh Dương” chẳng mấy chốc đã tích lũy được hơn 3,8 triệu người hâm mộ.
Không lâu sau, cô bắt đầu livestream bán hàng. Trong một lần phát trực tiếp, cô vừa bóc một quả hồ đào rừng vừa nói: “Đừng tặng quà cho tôi. Mọi người hãy dùng tiền đó để mua hồ đào, tương đương với việc hỗ trợ rất nhiều chú, dì ở đây”.
Tuy nhiên, người dùng mạng sớm đặt câu hỏi về chất lượng nông sản mà cô bán. Một số người đến tận nơi tìm hiểu, phát hiện bố mẹ cô vẫn khỏe mạnh, cô ăn mặc sạch đẹp và thường xuyên ra vào những nơi sang trọng.
“Dàn dựng! Giả dối!”, một số người để lại tin nhắn trong phòng livestream của “Lương Sơn Mạnh Dương” và báo cáo lên nền tảng. Cô “đá” họ khỏi phòng livestream và thuê người tấn công những ai vạch trần mình.

“Lương Sơn Mạnh Dương” đóng giả cô gái nghèo khổ, giúp người dân quê hương bán nông sản. Ảnh: Douyin
Thực tế, chiêu trò của “Lương Sơn Mạnh Dương” không phải là mới. Ngay từ năm 2016, cảnh sát Lương Sơn vạch mặt một nhóm blogger đến các thôn làng trên núi để quay video dàn dựng hoạt động “từ thiện giả”. Livestream bán hàng là phiên bản nâng cấp lợi dụng sự chú ý của công chúng đối với vùng núi Lương Sơn để kiếm lời trong những năm gần đây.
Tháng 6/2023, công an huyện Chiêu Giác lập hồ sơ điều tra về “Lương Sơn Mạnh Dương” thì một tổ chức MCN (mạng lưới đa kênh) là Công ty TNHH Truyền thông Văn hóa Áo Duy ở Thành Đô đã lộ diện.
Theo cảnh sát, công ty này lập hai tài khoản “Lương Sơn Mạnh Dương” và “Lương Sơn A Trạch” trên nền tảng video ngắn, thu hút người hâm mộ bằng các video với kịch bản dựng sẵn, sau đó bắt đầu sử dụng các tài khoản này để livestream bán hàng. Họ rao bán các mặt hàng nông sản dưới danh nghĩa đặc sản Lương Sơn, quảng cáo là “sản phẩm nông nghiệp sinh thái trên núi” nhưng chủ yếu thu mua từ các chợ đầu mối ở Thành Đô. Quả hồ đào có giá mua khoảng 5 nhân dân tệ nửa cân, còn giá bán cho khán giả từ 10 đến 13 nhân dân tệ.
Trong thời gian này, công ty MCN còn thuê người vào phòng livestream để tạo ảo giác rằng sản phẩm rất “hot”, nhiều người tranh mua để kích thích khách hàng chốt đơn. Theo điều tra, MCN đã sử dụng phương pháp này để tạo ra doanh số hơn 30 triệu tệ, thu lợi bất hợp pháp hơn 10 triệu tệ.
Với chiêu trò thu lợi bất chính tương tự, những tài khoản nổi tiếng trên mạng như “Triệu Linh Nhi” và “Lương Sơn Khúc Bộ” đã bị kết án vào tháng 12/2023. Theo cáo trạng, MCN đã liên hệ với các chuỗi cung ứng ở Tứ Xuyên, Giang Tô, Vân Nam… để mua mật ong, quả óc chó và các sản phẩm nông nghiệp khác với giá rẻ, giả mạo thương hiệu “Sản phẩm nông nghiệp đặc sản Đại Lương Sơn”, bán hàng kém chất lượng, hàng giả cho hơn 20 tỉnh thành trên cả nước, với doanh số hơn 10 triệu tệ.
Đằng sau những streamer giả nghèo khổ
Trong quá trình điều tra các vụ án tương tự, cảnh sát Lương Sơn phát hiện một mô hình hoạt động hoàn chỉnh đằng sau các phiên livestream giả tạo.
Đầu tiên, đội ngũ phía sau sẽ tìm kiếm những chàng trai cô gái trẻ có tiềm năng trở thành “người nổi tiếng trên Internet”, xây dựng “hình tượng” riêng cho họ và viết sẵn kịch bản. Ví dụ, “Lương Sơn Khúc Bố” là thanh niên người Di chất phác, còn “Triệu Linh Nhi” là cô gái tốt bụng muốn “giúp đỡ người dân Lương Sơn thoát nghèo”. Ban đầu, họ sử dụng những tình tiết hấp dẫn như tình cờ gặp gỡ, mời về nhà ăn cơm để thu hút lượt truy cập. Sau khi có lượng người hâm mộ nhất định, họ bắt đầu quay video hái quả óc chó và lấy mật ong trên núi, mở đường cho việc livestream bán hàng.
Thứ hai, những video này thường nắm bắt chính xác tâm lý tình cảm của người xem bằng cách sắp xếp các yếu tố: bối cảnh miền núi xa xôi và biệt lập, quần áo rách rưới và nụ cười rạng rỡ của nhân vật nữ chính, những ngôi nhà tranh vách đất, những đứa trẻ ngây thơ… kết hợp với kịch bản kịch tính và kỹ thuật quay phim tài liệu, đồng thời mua sẵn lượng lớn bình luận khen ngợi dưới video. Chịu ảnh hưởng của một loạt chiêu trò, nhiều người xem xúc động nhanh chóng rút hầu bao để “giúp đỡ người nông dân”.
Ngoài đời thực, gia đình “Lương Sơn Mạnh Dương” đã thoát nghèo từ nhiều năm trước, hiện có hơn 100 con cừu và nhiều gia súc gia cầm khác. Ngôi nhà xập xệ mà cô quay trong video là nhà tranh bỏ hoang từ lâu trong làng.
TAND huyện Chiêu Giác ra phán quyết sơ thẩm rằng công ty MCN đã mua các sản phẩm nông nghiệp và phụ phẩm không phải của Lương Sơn với giá thấp và sử dụng hai tài khoản để quảng cáo sai sự thật, bán với số lượng lớn trên nền tảng Douyin thông qua livestream. Hành vi của công ty này đã cấu thành tội quảng cáo sai sự thật theo quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự.
Tháng 3/2024, tám người trong vụ việc đã bị TAND huyện Chiêu Giác kết án tù có thời hạn từ 9 tháng đến 1 năm 2 tháng vì tội quảng cáo sai sự thật và bị phạt tiền từ 20.000 đến 100.000 tệ.
Cảnh sát xử lý vụ án cho biết: “Những người nổi tiếng trên Internet phải trung thực trong kinh doanh, không được thách thức giới hạn của luật pháp. Chúng tôi cũng hy vọng người tiêu dùng nâng cao cảnh giác và khả năng phân biệt, không nên tin tưởng một cách mù quáng vào những người nổi tiếng trên mạng”.
Khán giả có thể đòi lại quyền lợi?
Hè 2021, cô Vạn, sống tại Nam Kinh, xem livestream giúp một cô gái trẻ tên “Linh Linh” hoàn thành tâm nguyện. “Linh Linh” có cuộc sống khốn khổ, bị mẹ kế ngược đãi. Streamer cho biết sẽ bán trang sức ngọc để giúp đỡ “Linh Linh”.
Vì thấy thương cho hoàn cảnh của “Linh Linh”, cô Vạn đã đặt tổng cộng 19 đơn hàng, chi hơn 5.000 tệ. Nhưng tình cờ, cô Vạn gia nhập nhóm người hâm mộ của streamer và phát hiện những video “giải cứu Linh Linh” được đăng trên tài khoản này đều là hư cấu. Cô Vạn cảm thấy bị lừa gạt tình cảm, bị lợi dụng lòng tốt để người khác kiếm tiền.
Tháng 9/2022, cô Vạn kiện streamer (tên thật là Tiêu) và công ty của anh ta ra tòa, yêu cầu công khai xin lỗi, hoàn tiền mua hàng và bồi thường gấp ba lần vì lừa đảo.
Tại phiên tòa, bị đơn cho rằng chất lượng hàng hóa bán trong phòng livestream phù hợp với giá bán và không có hành vi quảng cáo gian dối trong quá trình bán hàng nên không cấu thành tội lừa đảo. Nhưng cô Vạn cho rằng tiền đề để cô mua hàng là streamer lừa gạt tình cảm và lợi dụng sự đồng cảm với “Linh Linh”.
Sau khi xét xử, tòa án cho rằng việc hàng hóa có vấn đề về chất lượng hay không không phải là tiêu chí chính để đánh giá Tiêu có hành vi gian lận hay không. Bị đơn đã dựng chuyện để lợi dụng sự đồng cảm và lòng tốt của khán giả để thúc đẩy họ mua hàng, từ đó thu lợi nhuận. Trong trường hợp này, ngay cả khi hàng hóa Tiêu bán không có vấn đề về chất lượng, nhưng các phương pháp tiếp thị lừa đảo mà anh ta áp dụng vẫn khiến cho việc bán hàng trở thành gian lận.
Tháng 3/2023, tòa án phán quyết rằng Tiêu và công ty phải trả lại tiền mua hàng và bồi thường gấp ba lần theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, bị đơn Tiêu phải đăng văn bản xin lỗi cô Vạn trên nền tảng.
Ý nghĩa của phán quyết này là đốc thúc các nền tảng và đơn vị livestream phải kiềm chế nghiêm ngặt hành vi của mình theo các tiêu chuẩn pháp lý hoặc tiêu chuẩn về đạo đức. Livestream cũng không nằm ngoài phạm vi luật pháp.
Tháng 8/2024, Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc phát động chiến dịch đặc biệt kéo dài một tháng nhằm chỉnh đốn tình trạng nội dung sai trái và thô tục tràn lan trong lĩnh vực livestream. Một trong những trọng tâm của chiến dịch này ngăn chặn hành vi dụ dỗ người xem mua hàng giả, hàng kém chất lượng bằng cách “giả nghèo giả khổ”, coi đây chính là hành vi gian lận.
Cuộc ‘thanh lọc’ trên nền tảng livestream
“2024 chắc chắn là năm có nhiều người nổi tiếng trên Internet bị đào thải nhất”, Kate, từng làm nhân viên vận hành tại một công ty MCN, bày tỏ.
“Phong cuồng Tiểu Dương Ca”, tên thật Trương Khánh Dương, là tài khoản đầu tiên trên Douyin có số người hâm mộ vượt 100 triệu, phạm vi kinh doanh cũng mở rộng nhanh chóng chỉ trong hai năm, thu về gần 1,9 tỷ nhân dân tệ trong năm 2024.
Nhưng vào tháng 9/2024, công ty MCN “Three Sheep” do Dương đồng sáng lập vướng tranh cãi quảng cáo sai sự thật khi rao bán bánh trung thu sản xuất tại Hong Kong nhưng thực chất lại được sản xuất tại Trung Quốc đại lục, đẩy giá từ 169 tệ cho ba hộp lên tới 700 tệ.
Ngày 26/9/2024, công ty Three Sheep bị phạt 68,9 triệu tệ vì quảng cáo sai sự thật và bị yêu cầu đình chỉ hoạt động kinh doanh. Từ đó, tài khoản của “Phong cuồng Tiểu Dương Ca” ngừng cập nhật và mất hơn 10 triệu người hâm mộ.

Công ty Three Sheep livestream bán bánh trung thu. Ảnh: Douyin
Theo thống kê chưa đầy đủ từ các phương tiện truyền thông, trong năm 2024, tháng nào cũng có những ngôi sao Internet hàng đầu bị “loại bỏ”, trong số đó có tới gần chục tài khoản có hàng chục triệu người hâm mộ. Những người này có sức ảnh hưởng lớn trong nhiều lĩnh vực trên các nền tảng xã hội khác như Bilibili và Xiaohongshu.
Trên thực tế, không chỉ những người nổi tiếng trên mạng mà cả các công ty MCN cũng đang phải trả giá.
Vụ việc nổi tiếng nhất là hình phạt mà Douyin áp dụng đối với đơn vị truyền thông đa kênh “Đại Hải Tinh Thần” vào tháng 12/2024. Công ty này bị khóa tài khoản, đình chỉ quyền thu lợi nhuận trong 30 ngày và xóa lượng người hâm mộ tăng lên do hành vi vi phạm quy định.
“Đại Hải Tinh Thần” bị cáo buộc thao túng các tài khoản phụ thuộc, thường xuyên đăng tải nội dung thô tục để thu hút lượt truy cập, gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.
Dữ liệu công khai cho thấy “Đại Hải Tinh Thần” có hơn 500 streamer, tổng số người hâm mộ vượt quá 50 triệu.
Hồi tháng 6/2024, cảnh sát Giang Tây điều tra một công ty MCN, phát hiện công ty này sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra 7.000 bài viết sai sự thật mỗi ngày trên hàng trăm tài khoản, kiếm được hàng nghìn tệ mỗi ngày từ lượng truy cập trực tuyến.
Dự thảo quy định do Cơ Quản lý Không gian mạng Trung Quốc, ban hành vào ngày 10/1, nêu rõ rằng công ty MCN không được giúp các tài khoản trực tuyến của họ lan truyền tin đồn, bịa đặt dữ liệu như lượt xem và “thổi phồng” các chủ đề để lừa gạt công chúng.
Những người có sức ảnh hưởng cũng sẽ được yêu cầu công khai công ty MCN mà họ hợp tác, nhằm tăng tính minh bạch cho người tiêu dùng, vì những người livestream thường bán sản phẩm từ MCN của họ. Các nền tảng truyền thông xã hội phải thiết lập các kênh báo cáo khiếu nại về MCN và xử lý kịp thời.
Phó Giáo sư Jian Xu từ Đại học Deakin ở Australia, nghiên cứu về quản trị Internet tại Trung Quốc, cho biết các quy định này sẽ dẫn đến việc giám sát và quản lý chặt chẽ hơn đối với ngành livestream và giúp lĩnh vực này trở nên minh bạch hơn.
Tuệ Anh (Theo CCTV, Xinhua, The Paper)