Từ Trung tâm Thông tin chỉ huy của Cục CSGT, thông qua camera giám sát, AI phát hiện vi phạm, gửi thông báo tới bộ phận xử lý cũng như cho chủ phương tiện.
Cục Cảnh sát giao thông (Cục CSGT – Bộ Công an) đang vận hành thử nghiệm Trung tâm Thông tin chỉ huy đặt tại Hà Nội. Đây là trung tâm tổng, kết nối nhiều trung tâm nhỏ trên cả nước và toàn bộ camera giám sát trên tất cả tuyến đường.
Phòng làm việc của trung tâm rộng hơn 150 m2, có hai dãy máy tính được kết nối đồng bộ với các camera giám sát. Gần chục CSGT chăm chú theo dõi màn hình lớn đặt tại vị trí trung tâm. Trên màn hình, hàng nghìn địa điểm gắn camera giám sát liên tục thay đổi.

Bên trong Trung tâm Thông tin chỉ huy của Cục CSGT. Ảnh: Việt An
Phát hiện vi phạm giao thông bằng AI
Trung tâm Thông tin chỉ huy hoạt động như “trung tâm cấp cứu” với ba ca trực, mỗi ca 8 tiếng, ca một bắt đầu từ 6h30. Ngoài sự hỗ trợ từ AI, mỗi cảnh sát trong ca trực sẽ đảm nhiệm một nhiệm vụ, như theo dõi hành vi vi phạm, tổng hợp vi phạm, tiếp nhận và thông báo vi phạm cho chủ phương tiện, làm báo cáo tai nạn.
Phần mềm AI hiện có thể phát hiện hơn 20 trong tổng số hơn 100 hành vi vi phạm có thể xử lý. Với trường hợp AI chưa thể phát hiện, cảnh sát sẽ trực tiếp theo dõi trên màn hình và xử lý.
Trước mắt, Cục CSGT cho biết sẽ thí điểm gửi cảnh báo vi phạm qua ứng dụng VNeTraffic do Bộ Công an quản lý đối với phương tiện trên 4 tuyến cao tốc gồm: Nội Bài – Lào Cai, Đà Nẵng – Quảng Ngãi, TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, TP HCM – Trung Lương.
Về cơ chế hoạt động, sau khi ghi nhận phương tiện vi phạm, phần mềm AI sẽ trích xuất ảnh và clip liên quan tới hành vi vi phạm khi lưu thông trên tuyến cao tốc. Từ biển số, màu sơn, các đặc điểm khác của phương tiện, AI có thể tra ra chủ phương tiện để chuyển sang file.
Từ file trên, cảnh sát trực sẽ kiểm tra thông tin vi phạm trên cao tốc, đối soát với dữ liệu liên quan như đăng ký xe, xử lý vi phạm, tai nạn giao thông, đăng kiểm, thông tin chủ xe để xác minh, bổ sung dữ liệu rồi gửi cảnh báo đến chủ phương tiện thông qua ứng dụng VNeTraffic trong hai giờ.
Để nhận được thông báo, chủ phương tiện phải cài ứng dụng VneTraffic trên di động

Hàng chục CSGT sẽ làm việc thông qua máy tính và màn hình lớn. Ảnh: Việt An
Quản lý CSGT cũng như trang thiết bị của ngành
Đại tá Phạm Quang Huy, Phó cục trưởng Cục CSGT, cho biết Trung tâm Thông tin chỉ huy không chỉ theo dõi, xử lý vi phạm mà còn có thể quản trị lực lượng CSGT trong quá trình tuần tra kiểm soát. Dữ liệu các trang thiết bị nghiệp vụ của CSGT hoặc phương tiện có gắn thiết bị nghiệp vụ như máy đo nồng độ cồn, máy bắn tốc độ… đều được chuyển về trung tâm.
“Từ hệ thống phần mềm có thể biết được chiến sĩ nào đang làm nhiệm vụ ở đâu, từ đó trung tâm có thể dễ dàng điều động chiến sĩ đó tới những địa điểm có tai nạn, sự cố”, đại tá Huy chia sẻ.
Trung tâm cũng quản lý được tất cả xe tuần tra của CSGT trên cả nước. Thông qua bản đồ số, CSGT có thể tra được có bao nhiêu phương tiện tuần tra đang chạy, đang dừng đỗ. Từ những điểm đánh dấu của xe, trung tâm sẽ tra ra tổ nào, gồm bao nhiêu người, thiết bị công cụ nào và đang làm gì, theo chuyên đề nào…

Hệ thống bản đồ số giúp theo dõi và đưa ra hành trình di chuyển của các xe vi phạm. Ảnh: Việt An
Hỗ trợ xử lý các vụ gây rối an ninh trật tự
Từ các camera an ninh, Trung tâm Thông tin chỉ huy cũng giúp phát hiện các vụ gây rối, hành vi tụ tập đông người, nhận diện khuôn mặt đối tượng truy nã. Sau khi cập nhật khuôn mặt đối tượng, khi họ xuất hiện ở vị trí nào có camera thì sẽ bị nhận diện, truy ra lai lịch. Thậm chí, từ việc nhận diện khuôn mặt, hệ thống có thể lập được lộ trình đối tượng, phương tiện sử dụng.
Trung tâm cũng giúp hỗ trợ điều tra giải quyết tai nạn. Ví dụ có vụ tai nạn mà người điều khiển bỏ chạy, nạn nhân chỉ cần xác định xe màu đỏ, lái xe áo màu trắng, loại xe 4 chỗ, trung tâm có thể lọc được trên tuyến đường đó, trong khoảng thời gian cụ thể có bao nhiêu phương tiện màu đỏ chạy qua, xe nào gần với thời gian tai nạn thì đưa vào diện tình nghi. Phần mềm sẽ giúp dựng lại hành trình di chuyển của xe trong khoảng thời gian đi qua vụ tai nạn.
“Trung tâm đóng vai trò vừa điều phối, vừa phân tích, vừa ghi nhận và xử lý hoàn toàn bằng tự động hóa, với phần mềm AI có thể nhận diện được rất nhiều hành vi vi phạm về an toàn giao thông. Dù biển số mờ, AI vẫn có thể phân tích, dựng lại hành trình phương tiện đi qua”, đại tá Huy cho biết.
Ngoài sử dụng camera do CSGT lắp, thời gian tới trung tâm cũng sẽ sử dụng camera của cá nhân, tổ chức và đưa về trung tâm để tập hợp phân tích đánh giá.

Các thành phố lớn như Hà Nội hay TP HCM sẽ được bố trí khu vực theo dõi riêng biệt. Ảnh: Việt An
Cục CSGT hiện cũng triển khai thêm các tính năng khác như nộp phạt qua app, hoặc chủ phương tiện nộp phí đường bộ qua app. “Mục tiêu là làm việc hoàn toàn trên môi trường điện tử và công khai minh bạch, hạn chế tiếp xúc trực tiếp, tránh việc phải đi lại, đơn giản hóa thủ tục”, đại diện Cục CSGT thông tin thêm.
Việt An