Chuyên gia World Bank: Chính sách hiện tại chưa đủ để đạt Net Zero năm 2050

Chuyên gia World Bank: Chính sách hiện tại chưa đủ để đạt Net Zero năm 2050 – rss

Việc triển khai loạt chính sách gồm Quy hoạch điện VIII, sàn giao dịch carbon, giảm khí methane trong nông nghiệp có thể giúp giảm 55% khí nhà kính nhưng theo chuyên gia, khó đạt mục tiêu Net Zero năm 2050.

Thông tin trên được bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới (World Bank), nêu tại sự kiện công bố báo cáo “Tăng trưởng xanh hơn: Con đường hướng tới tương lai bền vững” sáng 22/5.





Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cấp cao của World Bank, tại sự kiện, ngày 22/5. Ảnh: World Bank

Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cấp cao của World Bank, tại sự kiện, ngày 22/5. Ảnh: World Bank

Việt Nam đang triển khai năm nhóm chính sách nhằm kiểm soát phát thải, chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp. Trong đó, Quy hoạch điện VIII là nội dung quan trọng nhất, bởi năng lượng chiếm hai phần ba phát thải khí nhà kính. Các chính sách còn lại tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, giao thông, tiết kiệm năng lượng và sàn giao dịch carbon.

Nếu các chính sách trên được triển khai, Việt Nam có thể giảm 38% khí nhà kính so với kịch bản cơ sở vào năm 2030 (thấp hơn so với cam kết quốc gia tự quyết định ở mức 43,5%). Đến 2050, kết quả mô phỏng vẫn chưa đủ để Việt Nam hoàn thành chỉ tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero), theo bà Madani.





Kết quả thực hiện giảm phát thải mô phỏng theo tính toán của World Bank

Kết quả thực hiện giảm phát thải mô phỏng theo tính toán của World Bank

“Nếu không có thay đổi lớn về công nghệ, các chính sách giảm nhẹ hiện nay chưa đủ để đạt chỉ tiêu Net Zero vào 2050”, chuyên gia World Bank nói. Các công nghệ mới được đề cập gồm hệ thống lưu trữ pin, nhiên liệu xanh, lưới điện thông minh, thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon.

Các chuyên gia thừa nhận tham vọng phát thải ròng bằng 0 khó đạt. Thực tế, mức phát thải trên GDP của Việt Nam đang cao hơn nhiều Indonesia, Philippines, Nhật Bản và các nước châu Âu. Để thực hiện tham vọng trên, Việt Nam cần tách tăng trưởng kinh tế với phát thải ở tốc độ nhanh hơn.





Lượng phát thải khí nhà kính (kg CO2e) trên mỗi đơn vị GDP (PPP) của các nền kinh tế. Nguồn: World Bank

Lượng phát thải khí nhà kính (kg CO2e) trên mỗi đơn vị GDP (PPP) của các nền kinh tế. Nguồn: World Bank

Chuyên gia World Bank nhìn nhận Việt Nam đã ban hành nhiều cải cách, chương trình, chiến lược lẫn quy hoạch tham vọng nhằm kiểm soát phát thải. Ví dụ, cơ quan chức năng nâng gần gấp đôi chỉ tiêu điện mặt trời trong Quy hoạch điện VIII sửa đổi, quyết liệt thí điểm sàn giao dịch carbon trong năm 2025, tập trung vào phương tiện chạy điện và thúc đẩy giao thông công cộng.

Bên cạnh các chính sách hiện có, việc đẩy mạnh giải pháp khử carbon trong lĩnh vực công nghiệp, khuyến khích trồng rừng và tăng bể chứa carbon có thể góp phần hoàn thành mục tiêu Net Zero. Nếu áp dụng các giải pháp tăng cường, phía World Bank tính toán Việt Nam có thể giảm 74% khí nhà kính vào năm 2050 so với kịch bản cơ sở, sát mục tiêu đặt ra hơn.

Thêm vào đó, các chuyên gia khuyến nghị khu vực tư nhân phải là trọng tâm trong nỗ lực giảm phát thải của Việt Nam. Theo báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển của World Bank, nếu cải cách chính sách phù hợp, khu vực tư nhân có thể đem lại nguồn tài chính lớn cho lĩnh vực năng lượng và công nghiệp. Ví dụ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, điện mặt trời của Việt Nam đã tăng trưởng từ mức gần bằng không vào năm 2017 lên đến 17 GW, chủ yếu nhờ sự tham gia của khu vực tư nhân.

Thực tế, các cá nhân và doanh nghiệp ở Việt Nam đang chủ động ứng phó rủi ro khí hậu. Tại đồng bằng sông Cửu Long, nhiều nông dân đang triển khai các kỹ thuật canh tác lúa bền vững, như tưới ướt khô xen kẽ, sử dụng thiết bị không người lái để bón phân chính xác. Tại vùng đô thị, doanh nghiệp chế biến chế tạo ở TP HCM, thường là doanh nghiệp vừa và nhỏ đã lắp đặt máy bơm công suất cao xách tay để chống ngập.

Theo dự báo, nếu không hành động, biến đổi khí hậu có thể khiến Việt Nam thiệt hại 12,5% GDP, đe dọa mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Thêm vào đó, nếu mực nước biển dâng từ 75-100 cm, gần một nửa đồng bằng sông Cửu Long có thể bị ngập vào giữa thế kỷ này.

Thủy Trương

Tag: kinhte-vnexpress

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 3

No votes so far! Be the first to rate this post.