Bà Christine Lagarde cho rằng đồng euro có thể thay thế đôla Mỹ trên toàn cầu, nếu châu Âu củng cố hệ thống tài chính, an ninh chung của khối.
Trong một bài giảng tại Trường Quản trị Hertie ở Berlin (Đức) ngày 26/5, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho biết trong bối cảnh chính sách kinh tế Mỹ biến động, nhiều nhà đầu tư toàn cầu đã giảm tỷ trọng tài sản bằng USD trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, phần lớn lại chuyển sang vàng do chưa thấy có lựa chọn thay thế trực tiếp.
Vì thế, bà Lagarde nhận định đồng euro có thể trở thành lựa chọn thay thế khả thi cho USD, mang lại nhiều lợi ích cho eurozone. Đồng tiền này ra mắt năm 1999. Nhưng trên thực tế, vị thế của euro trên toàn cầu đã dậm chân tại chỗ suốt nhiều thập kỷ, do hệ thống tài chính của Liên minh châu Âu chưa hoàn thiện và các chính phủ không mặn mà với việc hội nhập sâu hơn.
“Những thay đổi hiện nay tạo cơ hội cho đồng euro. Nhưng đồng tiền này sẽ không nghiễm nhiên giành được ảnh hưởng. Phải có sự nỗ lực”, bà Lagarde nói. Châu Âu cần thị trường vốn quy mô lớn và có tính thanh khoản cao hơn, phải củng cố nền tảng pháp lý và cam kết mở cửa thương mại nhiều hơn.

[Chủ tịch ECB Christine Lagarde tại Frankfurt (Đức), ngày 6/3. Ảnh: Reuters
Vài năm qua, vị thế của đồng USD trên toàn cầu đã suy giảm. Hiện đồng tiền này chỉ chiếm 58% dự trữ ngoại hối toàn cầu – thấp nhất nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn vượt xa mức 20% của euro.
Bà Lagarde cho rằng nỗ lực nâng tầm đồng euro cần đi kèm với việc tăng cường sức mạnh quân sự để hỗ trợ các mối quan hệ đối tác. “Các nhà đầu tư cũng tìm kiếm sự đảm bảo về địa chính trị, bằng cách rót vốn vào những đối tác có tình hình an ninh đáng tin cậy và có khả năng bảo vệ liên minh bằng năng lực quân sự”, bà nói.
Bà cũng kêu gọi châu Âu thúc đẩy việc sử dụng euro trong thanh toán quốc tế. Mục tiêu này có thể được hỗ trợ bằng các hiệp định thương mại mới, cải thiện hệ thống thanh toán xuyên biên giới và ECB ký kết thỏa thuận về tiền tệ với các ngân hàng trung ương khác.
Tuy nhiên, việc cải cách kinh tế nội khối cấp thiết hơn. Bà nhận định các thị trường vốn trong khu vực đồng euro phát triển không đồng đều, kém hiệu quả và thiếu tài sản an toàn có tính thanh khoản cao để thu hút nhà đầu tư.
“Xét theo logic kinh tế, các tài sản chung trong khu vực cần tất cả cùng đóng góp. Đây có thể là nền tảng để châu Âu dần mở rộng nguồn cung tài sản an toàn”, bà nói.
Việc vay nợ chung vẫn khiến một số quốc gia thành viên chủ chốt, đặc biệt là Đức, băn khoăn. Họ lo ngại người dân trong nước sẽ phải gánh hậu quả nếu các nước khác chi tiêu thiếu kỷ luật.
Tuy nhiên, nếu thành công, châu Âu có thể thu được lợi ích lớn, bà Lagarde cho biết. Dòng vốn đầu tư đổ vào sẽ giúp khối này đi vay với chi phí thấp hơn, giảm ảnh hưởng từ biến động tỷ giá và tăng khả năng chống chịu trước các lệnh trừng phạt quốc tế.
Hà Thu (theo Reuters)