
Ông Nguyễn Tấn Phong, phó tổng giám đốc Công ty TNHH Tân Thuận, phát biểu tại hội nghị – Ảnh: H.P.
Ngày 9-5, tại Hội nghị công bố quy hoạch các khu công nghiệp (KCN) TP.HCM giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 và giải pháp thu hút đầu tư năm 2025, nhiều doanh nghiệp đã nêu ra các thách thức cụ thể.
Quy mô nhỏ sẽ khó hấp dẫn
Theo quy hoạch, TP.HCM sẽ có thêm 14 khu công nghiệp mới. Tuy nhiên, chỉ có KCN Hiệp Phước giai đoạn 3 có quy mô lớn (500ha), còn lại phần lớn dao động từ 100-300ha. Con số này, theo đánh giá từ các chủ đầu tư, là khá nhỏ để thu hút vốn, đặc biệt trong bối cảnh suất đầu tư ngày càng tăng.
Đại diện một công ty phát triển công nghiệp tại TP.HCM nhận xét: “Nếu các khu có vị trí gần nhau nên gom lại rồi chọn một nhà đầu tư có kinh nghiệm để triển khai, chứ quy mô từ 100-300ha là hơi nhỏ, không hấp dẫn”.
Ông Nguyễn Tấn Phong – phó tổng giám đốc Công ty TNHH Tân Thuận (chủ đầu tư xây dựng Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7) – phân tích, khi phát triển KCN theo mô hình sinh thái hoặc công nghệ cao, chỉ riêng phần đất dành cho cây xanh, hạ tầng kỹ thuật, tiện ích xã hội đã chiếm 20 – 30% quỹ đất.
Như vậy, với quy mô khu chỉ 200 – 300ha, phần còn lại để triển khai nhà máy sẽ không còn bao nhiêu, trong khi chi phí đầu tư và vận hành thì không hề nhỏ.
Tình trạng tương tự cũng được ông Phan Minh Toàn Thư, phó tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc, chia sẻ.
Ông cho biết hiện Kinh Bắc có nhiều đơn đặt hàng, như một dự án trung tâm dữ liệu quy mô 20ha, tổng vốn đầu tư từ 300 – 500 triệu USD nhưng họ yêu cầu cầu phải đảm bảo nguồn điện 4.500 MW, khối lượng nước từ 15.000 – 20.000 m3/ngày.
Một vấn đề được nhiều doanh nghiệp nêu ra là sự thiếu rõ ràng trong định nghĩa thế nào là “công nghệ cao”, yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến quyền tiếp cận ưu đãi và chính sách hỗ trợ.
Tập trung thu hút dự án ứng dụng công nghệ cao

Ông Võ Văn Hoan, phó chủ tịch UBND TP.HCM – Ảnh: H.P.
Ông Hàng Vay Chi – phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), chủ tịch Việt Hương Group – cho rằng cần sớm có bộ tiêu chí rõ ràng để phân loại ngành nghề, xác định ưu đãi khi vào các KCN và minh định vai trò của các đơn vị quản lý như ban quản lý các khu.
Thực tế hiện nay có nơi doanh nghiệp hỏi thì ban quản lý bảo “hỏi UBND”, trong khi chính các đơn vị này nên đóng vai trò cầu nối đầu tiên.
Ngoài ra, theo ông Chi, không nên chỉ tập trung thu hút các ngành công nghệ cao mà bỏ qua các ngành sản xuất truyền thống có giá trị gia tăng cao, nhờ quá trình hợp tác, cải tiến liên tục trong sản xuất và xây dựng thương hiệu.
“Cần chú trọng cả với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cao cấp, giá trị đổi mới cũng được đánh giá thuộc nhóm công nghệ cao” – ông Chi chia sẻ.
Sau khi lắng nghe các ý kiến đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, ông Võ Văn Hoan, phó chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định định hướng phát triển công nghiệp của thành phố trong giai đoạn tới là công nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Theo đó, sự khác biệt cần được xác định rõ: KCN và khu chế xuất là nơi thu hút các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất sản phẩm tiêu dùng.
“Sau nhiều năm, công nghiệp đã phát triển tới hạn, khi lao động già cỗi, công nghệ quản trị cũng thế. Thế giới tiến xa vào những lĩnh vực mới và vai trò của công nghiệp của thành phố tới đây phải chuyển đổi để phát triển” – ông Hoan nói.
Để hiện thực hóa định hướng này, ông Hoan đề nghị các đơn vị liên quan, bao gồm HEPZA, xây dựng và công bố kế hoạch triển khai quy hoạch vì “không có định hướng chi tiết thì nhà đầu tư không biết đâu mà tính”.
Ưu tiên công nghệ cao, công nghiệp xanh
Ông Lê Văn Thinh – trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (HEPZA) – cho biết hội nghị lần này mới chỉ công bố quy hoạch tổng thể về quy mô và vị trí của 14 KCN mới. Các nội dung quy hoạch ngành nghề cụ thể tại từng vị trí vẫn đang trong quá trình xây dựng.
HEPZA sẽ tiếp tục triển khai công tác lập quy hoạch chi tiết, khai thác tối đa lợi thế từng khu vực, định hướng phát triển các KCN ứng dụng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn; đồng thời ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp xanh, tuần hoàn và bền vững với môi trường.
“Lĩnh vực phát triển công nghiệp thành phố gần đến mức bão hòa. Nếu không thay đổi sẽ không thể đáp ứng yêu cầu phát triển. Chúng tôi sẽ có bộ lọc về mặt kỹ thuật về định hướng phát triển KCN theo hướng thu hút đầu tư ứng dụng công nghệ cao, còn ngành cụ thể thì chủ đầu tư lựa chọn doanh nghiệp phù hợp” – ông Thinh nói.