Chống buôn lậu, hàng giả: Khó lấy mẫu lòng se điếu; Nhà Đoàn Di Băng bán mặt hàng gì?

Chống buôn lậu, hàng giả: Khó lấy mẫu lòng se điếu; Nhà Đoàn Di Băng bán mặt hàng gì? – rss

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 17-5, đại diện Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết thời gian qua đã liên tục kiểm tra cơ sở kinh doanh L.C. (quảng cáo bán lòng se điếu) tại TP.HCM và nhiều cửa hàng bán lòng heo khác ở các quận huyện nhưng không thấy sản phẩm lòng se điếu. 

Chống buôn lậu, hàng giả: Khó lấy mẫu sản phẩm lòng xe điếu - Ảnh 1.

Sản phẩm lòng se điếu được quảng cáo

Do đó, việc lấy mẫu kiểm nghiệm chủ yếu tập trung vào các loại lòng heo phổ biến, và sẽ sớm công bố kết quả.

Theo đại diện cơ quan này, sau kiểm tra, cửa hàng kinh doanh L.C. tại TP.HCM rất ít hoạt động, có thời điểm mở cửa nhưng sau đó lại đóng.

Theo ghi nhận, sau khi cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra và dư luận lo ngại về tình trạng lòng se điếu giả, các điểm kinh doanh lòng heo tại TP.HCM gần như không bán mặt hàng này, và khi được hỏi cũng thể hiện rõ quan điểm “đây là mặt hàng hiếm nên rất ít khi có”.

Ngoài lòng se điếu, đại diện Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết đang đẩy mạnh hoạt động thanh kiểm tra đối với mặt hàng sữa và thực phẩm chức năng.

Gần đây, cơ quan chức năng nhiều tỉnh thành đã liên tục phát hiện nhiều lô hàng sữa, sản phẩm chức năng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ làm người tiêu dùng lo ngại, hoang mang.

Bộ Công Thương cùng Bộ công an xây dựng cơ sở dữ liệu hàng hóa  

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành chỉ thị số 13 về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, nhấn mạnh quan điểm phải làm thường xuyên, toàn diện, liên tục, không ngừng nghỉ với phương châm “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Theo đó, Bộ Công Thương được giao phối hợp với UBND các tỉnh thành chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ việc kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Chống buôn lậu, hàng giả: Khó lấy mẫu lòng se điếu; Nhà Đoàn Di Băng bán mặt hàng gì? - Ảnh 2.

Một cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng giả mới bị bắt – Ảnh: Công an cung cấp

Đặc biệt là các vi phạm trên môi trường thương mại điện tử; chịu trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa lưu thông trên thị trường, kịp thời phát hiện, xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng.

Bộ Công Thương cùng Bộ Công an đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu về hàng hóa làm cơ sở cho việc định hướng chiến lược hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, chống buôn lậu, hàng giả.

Nhà Đoàn Di Băng bán những mặt hàng gì?

Nhà Đoàn Di Băng thời gian qua đưa ra thị trường hàng loạt các sản phẩm mang thương hiệu mỹ phẩm Hanayuki. Thương hiệu này bao gồm nhiều sản phẩm từ dung dịch vệ sinh phụ nữ đến sản phẩm chăm sóc da cao cấp.

Theo đó, Công ty TNHH thương mại dịch vụ VB Group là pháp nhân đứng sau thương hiệu mỹ phẩm Hanayuki.

Ông Nguyễn Quốc Vũ – chồng ca sĩ Đoàn Di Băng – là người đại diện pháp luật kiêm tổng giám đốc của công ty. Thời gian qua Đoàn Di Băng cũng trở thành “gương mặt thương hiệu” để đưa sản phẩm ra thị trường.

Trên web chính thức của nhãn hàng, các sản phẩm của thương hiệu này rất đa dạng. Trong đó có các sản phẩm chăm sóc body như dung dịch vệ sinh phụ nữ, kem hồng vùng kín, khăn ướt vệ sinh phụ khoa…

Chống buôn lậu, hàng giả: Khó lấy mẫu lòng se điếu; Nhà Đoàn Di Băng bán mặt hàng gì? - Ảnh 3.

Đoàn Di Băng giới thiệu sản phẩm Hanayuki Sunscreen Body – Ảnh chụp màn hình

Sản phẩm chủ yếu của nhà Đoàn Di Băng là các sản phẩm chăm sóc da như kem dưỡng da, sữa rửa mặt, lăn khử mùi, serum trị nám, serum dưỡng trắng da, kem chống nắng… với tổng danh mục hơn 20 sản phẩm.

Các sản phẩm này có giá từ 150.000 đồng (dung dịch vệ sinh) đến 770.000 đồng (serum nám).

Ồn ào về thương hiệu của nhà Đoàn Di Băng bắt đầu sau khi Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) ra quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy toàn bộ lô sản phẩm dầu gội Hanayuki Shampoo (chai 300g) do Công ty VB Group phân phối ngày 7-5.

Sự việc chưa dừng lại khi ngày 16-5, một sản phẩm khác của công ty này lại bị thu hồi toàn quốc.

Lần này, lô kem chống nắng toàn thân Hanayuki Sunscreen Body (100g) chính thức bị thu hồi và tiêu hủy toàn quốc do chỉ số chống nắng không đạt chuẩn.

Sản phẩm ghi chỉ số chống nắng SPF 50 trên nhãn, nhưng kết quả kiểm nghiệm thực tế lại cho thấy… chỉ đạt SPF 2,4. Điều này đồng nghĩa với việc hiệu quả chống nắng thật sự chỉ bằng khoảng 4,8% so với thông tin trên bao bì.

Đà Nẵng đưa sản phẩm sữa, thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe vào “tầm ngắm”

Trước tình trạng hàng giả diễn biến phức tạp, UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã có công văn chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc quyết liệt. Đặc biệt là tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, đặc biệt là sữa, thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe…

Theo đó, lực lượng Công an thành phố Đà Nẵng được giao chủ trì nắm chắc tình hình, xác lập tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm về buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả.

Yêu cầu tập trung triệt phá các tổ chức, đường dây, đối tượng phạm tội có tổ chức liên quan đến sản xuất, buôn bán sữa giả, thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, mua bán hóa đơn trái phép và các thủ đoạn gian lận thương mại tinh vi, có yếu tố xuyên quốc gia.

Chống buôn lậu, hàng giả: Khó lấy mẫu lòng se điếu; Nhà Đoàn Di Băng bán mặt hàng gì? - Ảnh 4.

Lực lượng chức năng Đà Nẵng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa – Ảnh: H.THU

Bà Lê Thị Kim Phương – giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng – cho biết thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, đơn vị cũng đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt tại các kênh phân phối tiềm ẩn nhiều rủi ro như đại lý nhỏ lẻ, sàn thương mại điện tử, mạng xã hội

Bà Phương cho biết quan điểm là kiểm tra toàn diện các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng nhạy cảm để phát hiện sớm các vi phạm về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ.

“Các mặt hàng được làm giả bị phát hiện trong thời gian qua sẽ được tập trung giám sát. Đặc biệt là thị trường sản phẩm sữa, thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe” – bà Phương cho biết.

Trong công văn chỉ đạo mới đây, lãnh đạo Đà Nẵng yêu cầu Sở Y tế có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra hoạt động của các cơ sở kinh doanh dược phẩm, thu hồi thuốc giả nếu phát hiện, tăng cường kiểm nghiệm chất lượng thuốc lưu hành, đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Tag: phapluat-tuoitre

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 9

No votes so far! Be the first to rate this post.