
Chợ Hàn, một trong những địa điểm mua sắm thu hút khách nước ngoài khi tới Đà Nẵng – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Đà Nẵng ‘4 tăng cường’ kiểm soát hàng giả, hàng kém chất lượng
Ngày 25-5, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Lê Thị Kim Phương, giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, cho biết việc thực hiện công điện số 65 của Thủ tướng Chính phủ về mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Đà Nẵng đã được triển khai ở nhiều lực lượng.
Theo đó, nhằm tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc quản lý, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, đơn vị đã chủ trì tham mưu UBND thành phố ban hành công văn số 2865. Trong đó đặc biệt lưu ý việc kiểm soát hàng giả, hàng kém chất lượng được đẩy mạnh, đặc biệt với sản phẩm sữa, thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.
Bà Phương cho biết bên cạnh việc tiếp tục tập trung bám sát diễn biến của thị trường hàng hóa trên địa bàn thành phố thì sở cũng chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng giám sát, kiểm tra toàn diện với các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm sữa, thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả và hàng lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ và chất lượng, hàng hóa xâm phạm quyền về sở hữu trí tuệ…
Ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các kế hoạch đã được phê duyệt, sở đã yêu cầu lực lượng quản lý thị trường tăng cường thực hiện 4 biện pháp cụ thể.
– Đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, theo dõi, giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh lương thực, thực phẩm, thời trang, gia dụng, nhu yếu phẩm,… phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Kiểm soát, nắm tình hình thị trường, giá hàng hóa, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh thương mại; kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
– Chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo quy định pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi kinh doanh, buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ… trên các website, ứng dụng thương mại điện tử.
– Thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật và giám sát việc thực hiện cam kết đã ký đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng về việc thực hiện niêm yết giá, bán theo giá niêm yết. Ký cam kết không sản xuất, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không thực hiện các hành vi gian lận thương mại.
– Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan, đặc biệt là các sở, ngành thành viên BCĐ389 đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại trên địa bàn thành phố. Tích cực tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành của địa phương để kiểm tra, kiểm soát thị trường.
4 mẫu thuốc không đạt chuẩn bị thu hồi
Sở Y tế Hà Nội vừa phát đi thông báo thu hồi trên địa bàn thành phố và các cơ sở đã mua lô thuốc viên nén Alfachim 4.2 do Công ty cổ phần Dược – Vật tư y tế Ngọc Khánh (Quầy 312A, Tầng 3, Hapu Medicenter – Số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, TP Hà Nội) phân phối.
Cụ thể, mẫu thuốc Alfachim 4.2 (Chymotrypsin (tương đương 21 microkatal chymotrypsin) 4200 IU), Số GĐKLH: VD-34573-20, Số lô: 03010624; NSX: 1-6-2024; HD: 1-6-2026 do Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long sản xuất, Công ty cổ phần Dược – Vật tư y tế Ngọc Khánh phân phối không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định lượng.
Sở Y tế yêu cầu Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long và Công ty cổ phần Dược – Vật tư y tế Ngọc Khánh thực hiện thu hồi triệt để thuốc viên nén Alfachim 4.2 nêu trên. Gửi báo cáo thu hồi, hồ sơ thu hồi theo quy định.
Đồng thời, các cơ sở y tế, cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc trên địa bàn khẩn trương rà soát, thu hồi lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng nêu trên. Phòng y tế các quận, huyện, thị xã thông báo đến các cơ sở hành nghề trên địa bàn quản lý; tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện thu hồi của cơ sở (nếu có).
Trước đó, ngày 23-5, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) có văn bản gửi các sở y tế về việc kiểm tra, xử lý, truy tìm nguồn gốc thuốc giả NEXIUM 40mg chỉ chứa 17,2% hàm lượng so với nhãn dán.
Mẫu thuốc lấy tại Nhà thuốc Đức Anh, trực thuộc Công ty TNHH Dược phẩm thiết bị y tế Đức Anh, số 8 Huỳnh Thúc Kháng kéo dài (Đống Đa, Hà Nội). Cục Quản lý dược cũng yêu cầu Sở Y tế TP Hà Nội xử lý nghiêm cơ sở vi phạm theo quy định, báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý.