AnhNhững chiếc quần áo mặc nhiều năm được gửi đến đích danh CEO Marks & Spencer, Stuart Machin, Uniqlo và H&M ở Anh, giữa bối cảnh khủng hoảng rác thải thời trang của nước này.
Fleur Britten, một nhà báo tự do, đã gửi chiếc quần đi học bị rách của con gái cho Stuart Machin, CEO nhãn hàng thời trang Marks & Spencer. Bà cũng gửi áo phông pha polyester bị hỏng tới Giám đốc điều hành Uniqlo, H&M, French Connection tại Anh.
Động thái này nằm trong chiến dịch Take It Back (tạm dịch: Hãy nhận lại), được phát động bởi Wendy Ward, một nghiên cứu sinh tiến sĩ về thời trang bền vững. Người dùng không biết phải ứng xử sao với những món đồ thời trang quá cũ để quyên góp cho từ thiện, và không thể ủ phân bởi chất liệu pha trộn với vật liệu gốc nhựa polyester.

Wendy Ward với 2 tấn rác thời trang được thu gom trong ba ngày tại kho từ thiện của bệnh viện dưỡng lão St Luke ở Sheffield, Anh, ngày 29/4. Ảnh: The Guardian
Ba tháng trước, Ward cũng gửi tấm ga trải giường polycotton (một loại sợi hỗn hợp giữa cotton và polyester) tới Simon Roberts, CEO Sainsbury’s. “Sainsbury chịu trách nhiệm thiết kế và sản xuất sản phẩm này, đưa ra quyết định sử dụng polycotton mà không cân nhắc đến giải pháp khi sản phẩm hết vòng đời. Bởi vậy, tôi quyết định trả nó lại cho anh. Tôi thực sự muốn biết anh quyết định làm gì với nó”, Ward viết trong lá thư kèm theo.
Gửi quần áo lại nơi sản xuất cũng là hành động được Hiệp hội Thời trang và Dệt may Anh khuyến khích, bằng hành động ôn hòa và hợp tác với các hãng thời trang, đơn vị từ thiện, tái chế. Theo thống kê từ sáng kiến gửi trả quần áo không mặc được (mang tên ACT Take Back) của Hiệp hội, người dùng Anh thải ra khoảng 1,3 tỷ mặt hàng thời trang, tương đương 336.000 tấn.
Wrap, một tổ chức môi trường tham gia thu gom trong sáng kiến trên, đưa ra số liệu lớn hơn, với 469.000 tấn hàng dệt may qua sử dụng vào năm 2022.
Trong khi đó, hạ tầng xử lý rác thời trang của Anh đang phần nào đối mặt với sự sụp đổ, theo báo cáo mới nhất của Wrap. Hạ tầng thu gom, phân loại và tái chế yếu khiến 90,6% quần áo cũ của Anh được chuyển sang Ghana và Pakistan dưới dạng phế liệu.
Thông thường, quần áo khi hết vòng đời sử dụng có thể đem tặng cho các tổ chức từ thiện hoặc bán trên thị trường thứ cấp (tái sử dụng). Sản phẩm thấp cấp hơn sẽ chuyển sang giới gom vải vụn, cung ứng cho doanh nghiệp tái chế. Phần còn lại sẽ thải ra bãi chôn lấp hoặc đem đốt.
Tuy nhiên, cùng với trào lưu thời trang nhanh, chất lượng quần áo trên thị trường xuống thấp, giảm tỷ lệ có thể tái sử dụng và tái chế. Nhiều quản lý cửa hàng nói thời trang giờ không bền theo thời gian, 50% quần áo bị loại bỏ bởi dễ xù lông và phai màu. Tại cửa hàng từ thiện nhỏ Second Life ở East Sussex, cứ mỗi hai tuần, tình nguyện viên phải bỏ đi khoảng 250 kg quần áo.

Một bức ảnh tạo từ AI của Emanuele Morelli, đại sứ của công ty AI ngành thời trang Refabric và Luma AI, công ty tạo video bằng AI. Ảnh: Emanuele Morelli
Điều này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp trong lĩnh vực tái sử dụng và tái chế có thu nhập ít hơn. Thực tế, lượng công ty phân loại quần áo cũ giờ chỉ bằng một phần năm so với thập kỷ trước.
“Không phải doanh nghiệp nào cũng có thể vượt qua được”, Cristina Sabaiduc, chuyên gia dệt may cao cấp của Wrap, nói. 469.000 tấn quần áo cũ của Anh tốn 88 triệu bảng (hơn 3.000 tỷ đồng) cho hoạt động thu gom và phân loại. Sabaiduc dự đoán các ngân hàng rác thời trang trong khu phố sẽ biến mất, cửa hàng từ thiện không còn nhận quyên góp, buộc người dùng phải bỏ quần áo cũ vào thùng rác.
Emma King, chủ cửa hàng từ thiện Weston Hospicecare tại Somerset, nói nhiều cửa hàng trong lĩnh vực này đã ngưng nhận quần áo cũ. Tại cửa hàng như vậy, lượng quần áo thấp cấp thường được bán dưới dạng phế liệu theo kg cho thương lái gom hàng. Tuy nhiên, dân gom thường quan tâm tới các cửa hàng lớn với lượng phế liệu khổng lồ. Nhiều chủ cửa hàng nhỏ phải tự chở quần áo thải bỏ đến điểm gom. Weston Hospicecare may mắn vẫn bán được phế liệu, dù giá chỉ còn 10 xu mỗi kg, bằng một phần sáu mức 10 năm trước.
Tại Second Life, người gom phế liệu đã ngưng đến từ cuối năm ngoái. Họ phải đem quần áo thải đi đốt tại địa phương (có tính phí). Họ hiện yêu cầu khách hàng không quyên góp quần áo bị ố hoặc hư hỏng, nhằm giảm phần nào lượng rác thải.
Ngay cả với công đoạn tái chế, thực tế không có cái gọi là “tái chế thực sự”, tức từ sợi sang sợi đạt tiêu chuẩn thời trang. Ví dụ với sợi polyester, những quần áo được giới thiệu làm từ sợi tái chế thực tế là làm từ chai nhựa (PET), không phải từ quần áo cũ.
Wendy Ward, người phát động phong trào Take It Back, tin rằng mọi chuyện với rác thời trang sẽ khác nếu gắn sản phẩm này với trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), chính sách buộc các công ty phải chịu trách nhiệm về tác động cuối vòng đời của sản phẩm.
Theo báo cáo của OECD năm 2024, hiện mới có Pháp và Hà Lan gắn chính sách EPR với mặt hàng dệt may. Dù Vương quốc Anh không có kế hoạch ban hành EPR cho hàng thời trang, Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ triển khai EPR bắt buộc với mặt hàng này trong vài năm tới. Đây là chính sách cần thiết để tài trợ cho cơ sở hạ tầng thu gom, phân loại và tái chế quần áo thải, theo giới chuyên gia.
Bảo Bảo (theo The Guardian)