Cần Thơ được ưu tiên nhưng tăng trưởng thấp: Xấu hổ rồi phải làm gì?

Cần Thơ được ưu tiên nhưng tăng trưởng thấp: Xấu hổ rồi phải làm gì? – rss

Cần Thơ - Ảnh 1.

Một góc khu trung tâm thành phố Cần Thơ – Ảnh: CHÍ QUỐC

Cần Thơ là một trong sáu TP trực thuộc trung ương với gần 1,5 triệu dân, thế nhưng năm 2024 tốc độ tăng trưởng của Cần Thơ đứng thứ 41/63 cả nước, xếp thứ 6/13 tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Với vai trò đại biểu Quốc hội của Cần Thơ, Thủ tướng còn xin nhận trách nhiệm trước thực trạng địa phương tăng trưởng không tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, sự đầu tư của trung ương.

Đánh giá, nhìn thẳng thực trạng của Thủ tướng như vậy không chỉ là lời nhắc nhở mà còn cần được xem là mệnh lệnh để Cần Thơ tìm cách khắc phục.

Thời gian qua trung ương đã dành nhiều quan tâm, kỳ vọng qua các quyết sách đầu tư hàng loạt các công trình trọng điểm, dành cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt là nghị quyết 45/2022 với 6 nhóm cơ chế quan trọng cho Cần Thơ.

Nhưng sau hơn ba năm triển khai, thành phố này vẫn chưa có được một “sản phẩm” cụ thể nào từ các cơ chế, chính sách đó.

Cần Thơ đang bộc lộ nhiều điểm nghẽn, tăng trưởng thấp, thu ngân sách chững lại, từ vị trí dẫn đầu vùng năm 2006 nay đã tụt xuống thứ ba, bị Long An và Kiên Giang vượt qua.

Các công trình đầu tư trọng điểm như Bệnh viện Ung bướu xây 8 năm vẫn chưa xong, dự án đầu tư hơn 7.000 tỉ đồng nâng cấp 7km đoạn quốc lộ 91 trải qua ba nhiệm kỳ vẫn chưa khởi công được, Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ được đặt nhiều kỳ vọng kéo hàng trăm ngàn người đồng bằng trở về quê có việc làm nhưng đến nay vẫn còn triển khai ì ạch đến mức Thủ tướng cảm thán “Chậm trễ như thế thì làm sao doanh nghiệp bắt tay làm ăn được”.

Những chỉ dấu đó phản ánh hệ quả của sự vận hành bộ máy kém hiệu lực, hiệu quả.

Từ đánh giá thẳng thắn của Thủ tướng, vấn đề đặt ra là Cần Thơ phải làm gì? Câu trả lời không phải là trạng thái cảm xúc mà phải bằng kết quả của hành động, bằng các chỉ số phát triển đo đếm được.

Thành phố phải bắt đầu từ việc tháo gỡ các điểm nghẽn, khai thông các nguồn lực phát triển mới, mà trọng tâm là vấn đề con người, trong đó khâu tổ chức, cán bộ là then chốt.

Câu trả lời thuyết phục phải đến từ môi trường đầu tư đến chỉ số quản trị công; từ năng lực thu hút nhà đầu tư đến vai trò lan tỏa trong vùng và cả nước; từ chất lượng tăng trưởng đến sự hài lòng của người dân.

Cần Thơ cần xác lập lại thứ tự ưu tiên trong chỉ đạo điều hành, lấy con người làm trung tâm, lấy hiệu quả hành động làm thước đo. Sự đổi mới trong tư duy và phương pháp tổ chức thực thi phải bắt đầu từ chính đội ngũ lãnh đạo dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Việc dự kiến sáp nhập Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng không chỉ là phép cộng các đơn vị hành chính, mà chính là cơ hội để tái cấu trúc không gian phát triển và tổ chức lại hệ thống vận hành, kiến tạo động lực cho Tây Đô trong mối liên kết nội vùng và liên vùng với TP.HCM, miền Đông Nam Bộ và cả nước trong bối cảnh mới.

Không thể tiếp tục vận hành cơ chế mới bằng cách làm cũ. Yêu cầu phát triển mới không chỉ là đoàn kết nội bộ, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, mà Cần Thơ cần tạo đột phá trong tư duy phát triển, khơi thông nguồn lực phát triển bằng cơ chế chính sách, sử dụng hiệu quả đầu tư công, thúc đẩy đầu tư tư nhân, cải thiện chất lượng sống, nâng cao sức cạnh tranh của bộ máy chính quyền.

Là người Cần Thơ, cũng như bất kỳ ai quan tâm đến Tây Đô, tôi luôn trăn trở trước thực trạng của thành phố, vẫn đặt niềm tin và kỳ vọng vào sự phát triển tới.

Nhưng niềm tin không phải là cảm xúc nhất thời mà phải được vun trồng, nuôi dưỡng bằng kết quả hành động trên cơ sở tri thức, trí tuệ, bản lĩnh, là thành quả phát triển hiện thực của thành phố.

Quan trọng hơn là sự dũng cảm của những người có trách nhiệm trả lời cho vấn đề “đáng xấu hổ” như Thủ tướng đã đặt ra.

Tag: kinhte-tuoitre

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 1

No votes so far! Be the first to rate this post.