‘Cần kiểm soát chặt dòng tiền khi cho vay lãi suất đặc biệt 0%’

‘Cần kiểm soát chặt dòng tiền khi cho vay lãi suất đặc biệt 0%’ – rss

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần bổ sung quy định trách nhiệm kiểm soát dòng tiền của Ngân hàng Nhà nước trong kiểm soát dòng tiền vay lãi suất đặc biệt 0% để tránh rủi ro.

Quyền quyết định cho vay không tài sản đảm bảo, lãi suất đặc biệt 0% một năm, có thể được chuyển từ Thủ tướng sang Ngân hàng Nhà nước, theo dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các tổ chức tín dụng.

Thảo luận tại tổ chiều 20/5, ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính, cho rằng việc chuyển thẩm quyền cho vay lãi suất đặc biệt từ Thủ tướng cho Ngân hàng Nhà nước là phù hợp với tinh thần phân cấp, phân quyền.

Tuy nhiên, để tránh trục lợi chính sách với trường hợp chưa tới mức phải vay 0% nhưng được cho vay trong lúc ngân sách có hạn, ông Cường đề nghị bổ sung tiêu chí, điều kiện vay. Cùng với đó, cần phân định rõ trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong kiểm soát dòng tiền để không rơi vào tình trạng rủi ro.

“Ngân hàng Nhà nước được trao thêm quyền quyết định, trách nhiệm đi kèm cũng phải tăng lên”, ông nói.





Ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính, nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, phát biểu tại thảo luận tổ. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính, nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, phát biểu tại thảo luận tổ. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Cùng lo ngại, ông Thạch Phước Bình, Phó trưởng đoàn Trà Vinh, cho rằng việc ra quyết định cho vay lãi suất đặc biệt 0% của cơ quan quản lý có thể cảm tính nếu dự luật không nêu rõ tiêu chí, điều kiện tổ chức tín dụng được vay.

Trong khi đó, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Quản Minh Cường đặt vấn đề nguồn vốn cho vay đặc biệt lãi suất 0% từ ngân sách hay của các ngân hàng thương mại. Theo ông, nguồn lực này nên lấy từ ngân sách, bởi “dùng nguồn lực của các ngân hàng thương mại sẽ khó cho họ, có thể ảnh hưởng quyền lợi khách hàng nếu nhà băng nhận khoản vay gặp vấn đề, sụp đổ”.

Ông Cường cũng kiến nghị bổ sung mức trần khoản vay lãi suất đặc biệt 0%, trách nhiệm các bên trong đảm bảo an toàn hệ thống tín dụng, quyền lợi người gửi tiền.

Nói rõ thêm tại thảo luận ở tổ, ông Lê Quang Mạnh, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính, cho biết những quan ngại của đại biểu Quốc hội cũng được cơ quan này đặt ra khi thẩm tra dự luật. Ủy ban này đề nghị giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể các trường hợp, đảm bảo chính sách công bằng, tránh xâm phạm quyền lợi của các tổ chức tín dụng, người dân.

Cũng theo dự luật, tổ chức tín dụng, các đơn vị mua bán và xử lý nợ được quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Việc này chỉ được thực hiện khi tổ chức tín dụng có thỏa thuận trước với bên đi vay.

Để tránh lạm dụng quyền thu giữ tài sản này, dự luật quy định trong quá trình thực hiện, tổ chức tín dụng không được áp dụng các biện pháp vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Tuy vậy, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại bày tỏ băn khoăn khi phạm vi, điều kiện thu giữ của tổ chức tín dụng, cũng như vai trò của cơ quan nhà nước chưa được nêu rõ tại dự luật.

Theo ông, cơ quan soạn thảo phải bổ sung quy định trách nhiệm phối hợp của các bên trong xử lý, trình tự, biện pháp thu giữ tài sản cần công khai, minh bạch. Việc này để tránh lạm dụng quyền thu giữ tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng, gây tổn hại đến lợi ích hợp pháp của người đi vay.

“Không để vi phạm các quyền hợp pháp của cá nhân như chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong thu giữ tài sản này”, đại biểu đề xuất, đồng thời nhấn mạnh dự luật cần có cơ chế kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước trong xử lý tài sản của các tổ chức tín dụng.

Nợ xấu của ngân hàng tăng cao. Đến cuối tháng 7/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng (nợ của các ngân hàng mua lại bắt buộc, nhà băng trong diện kiểm soát đặc biệt) ở mức 4,75%. Mức này tăng 0,2% so với cuối 2023. Tháng đầu năm nay, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,3%.

Phó trưởng đoàn Trà Vinh Thạch Phước Bình cũng nói cần có giám sát của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý khi các ngân hàng thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm, để không xâm phạm quyền lợi, tài sản khác của bên đi vay. “Cần có thêm cơ chế khiếu nại nếu việc thu giữ tài sản của tổ chức tín dụng trái pháp luật”, ông góp ý.

Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường dự luật này ngày 29/5 và biểu quyết thông qua vào 17/6.

Anh Minh – Sơn Hà

Tag: kinhte-vnexpress

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 1

No votes so far! Be the first to rate this post.