Bộ trưởng Tài chính: Một số dự án BOT khó khăn do lỗi Nhà nước

Bộ trưởng Tài chính: Một số dự án BOT khó khăn do lỗi Nhà nước – rss

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho rằng một số dự án BOT gặp khó không phải lỗi của nhà đầu tư, mà do Nhà nước nên “cần tháo gỡ cho số dự án này”.

Quan điểm được Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu khi giải trình trước Quốc hội chiều 23/5, về một luật sửa đổi, bổ sung 7 luật liên quan tài chính, trong đó có Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP).

Tại dự thảo luật này, Chính phủ đề xuất cơ chế xử lý với dự án BOT giao thông gặp vướng mắc, giảm doanh thu trước thời điểm luật PPP có hiệu lực (1/1/2021). Cụ thể, Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư phần chênh lệch giữa doanh thu trong phương án tài chính và thực tế theo tỷ lệ.

Đề cập tới vướng mắc của các dự án BOT, ông Phạm Văn Hòa, đại biểu tỉnh Đồng Tháp nói hiện tồn tại một số dự án gặp khó khăn 4-5 năm nay nhưng chưa được xử lý. Ông Hòa đề nghị tìm rõ nguyên nhân dẫn tới khó khăn này.

“Có phải lỗi của nhà đầu tư, Nhà nước hay của cả hai?. Chúng ta cần xử lý dứt điểm bởi để kéo dài gây thiệt thòi cho nhà đầu tư, cũng không mang lại hiệu quả cho Nhà nước”, ông đặt vấn đề.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng nói “một số dự án BOT gặp khó khăn do lỗi của Nhà nước, không phải nhà đầu tư. Do đó, trách nhiệm của chúng ta là tháo gỡ cho các dự án này”.





Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng giải trình trước Quốc hội, chiều 23/5. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng giải trình trước Quốc hội, chiều 23/5. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Bộ trưởng Thắng giải thích, giai đoạn 2011-2022, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội và ban hành nghị quyết để tháo gỡ. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, Thủ tướng yêu cầu rà soát kỹ, Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) làm việc với từng chủ đầu tư, ngân hàng tài trợ để giảm lãi suất, bỏ phần tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư tại dự án để tính toán lại. Nhờ đó, số tiền tại các dự án BOT gặp vướng mắc cần xử lý giảm từ 10.000 tỷ đồng xuống còn 8.000 tỷ.

Ngoài hai nghị quyết của Quốc hội về tháo gỡ cho các dự án này trước đây, Bộ trưởng Thắng thông tin, hồi tháng 2, cấp có thẩm quyền yêu cầu xử lý tiếp cho các dự án BOT gặp khó khăn. Không riêng các dự án đang được xử lý, Bộ trưởng Tài chính nói tới đây sẽ có thêm nhiều dự án khác cần giải quyết khi tuyến đường cao tốc Bắc – Nam được thông xe. Bởi khi các dự án được đưa vào vận hành, thu phí mới xác định được lưu lượng giao thông để xác định mức độ ảnh hưởng.

Chưa kể 5 năm tới, theo Bộ trưởng Tài chính, với kế hoạch xây thêm 2.000 km đường cao tốc và các trục ngang, nhiều dự án BOT khác tại địa phương cũng sẽ bị ảnh hưởng, đòi hỏi cơ chế xử lý.

“Khó khăn của các dự án này do Nhà nước điều chỉnh quy hoạch, mở rộng đường cao tốc Bắc – Nam. Vì thế, Bộ Tài chính đề nghị luật hóa quy định xử lý cho các dự án khi sửa Luật PPP để có hành lang pháp lý, chủ động thay vì xử lý từng nhóm dự án riêng lẻ”, ông Thắng nói thêm.

Theo sửa đổi tại dự Luật PPP, Chính phủ đề xuất cơ chế chia sẻ giữa Nhà nước và dự án BOT gặp khó khăn trước năm 2021 chỉ được áp dụng một lần, khi dự án không thu được phí dịch vụ, doanh thu thực tế 3 năm gần nhất dưới 75% mức nêu trong phương án tài chính hợp đồng PPP… do các chính sách, quy hoạch thay đổi.

Cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu không được áp dụng với trường hợp phương án tài chính được điều chỉnh theo lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, lãi suất vốn vay, phương án trả nợ sau thoả thuận không bảo đảm tính khả thi.

Chính phủ sẽ quy định chi tiết phương pháp xác định tỷ lệ chia sẻ, trình tự, thủ tục thực hiện cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu này. Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định việc áp dụng chia sẻ phần giảm doanh thu, tỷ lệ với dự án do mình phê duyệt, tránh làm tăng giá, phí dịch vụ, cũng như kéo dài thời gian thu phí.

Thảo luận trước đó, ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cũng đề nghị cần xử lý dứt điểm vướng mắc cho các dự án BOT vận hành trước 1/1/2021. Ông dẫn ví dụ một dự án BOT ngay cửa ngõ Thủ đô, qua cầu Thăng Long hiện vẫn thu phí 10.000 đồng một lượt, do chưa bù đắp được cho nhà đầu tư.

“Năm 2022, Quốc hội ban hành nghị quyết giải quyết dứt điểm dự án BOT, nhưng hiện vẫn chưa xử lý được. Sửa Luật PPP lần này nên giải quyết dứt điểm tình trạng trên, không nên kéo dài lâu”, ông Huân nói.





Ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phát biểu tại phiên thảo luận chiều 23/5. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phát biểu tại phiên thảo luận chiều 23/5. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Ngoài gỡ vướng cho các dự án BOT vận hành trước 2021, ở lần sửa luật này, Chính phủ cũng đề xuất cho phép áp dụng trở lại hợp đồng BOT với dự án cải tạo, mở rộng hạ tầng đường cao tốc hoặc nâng cấp đường đang khai thác thành cao tốc.

Theo đó, Nhà nước có thể chia sẻ phần giảm doanh thu với nhà đầu tư, doanh nghiệp, nếu số thu thực tế của dự án thấp hơn số liệu nêu tại phương án tài chính hợp đồng BOT, BTO và BOO. Tỷ lệ chia sẻ phần chênh lệch giảm doanh thu này do Chính phủ quy định.

Dự án được áp dụng chia sẻ doanh thu trong trường hợp quy hoạch, chính sách thay đổi làm giảm doanh thu của dự án. Cùng với đó, nhà đầu tư, doanh nghiệp có phương án tài chính điều chỉnh giá, phí dịch vụ hoặc thời hạn hợp đồng dự án PPP đến 50 năm nhưng chưa bảo đảm 75% doanh thu tối thiểu.

Dự kiến Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự luật này vào ngày 17/6.

Bộ Y tế được bổ sung hơn 4.000 tỷ đồng nguồn viện trợ không hoàn lại

Chiều 23/5, với gần 93% tỷ lệ đại biểu tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về bổ sung ngân sách chi thường xuyên (nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài) năm 2025.

Theo đó, Quốc hội quyết nghị bổ sung hơn 4.327 tỷ đồng từ nguồn này vào dự toán thu ngân sách trung ương 2025. Khoản này sẽ được bổ sung tương ứng dự toán cho các bộ, cơ quan trung ương.

Trong đó, Bộ Y tế dự kiến được bổ sung gần 4.081 tỷ đồng, còn lại là các bộ, ngành khác. Chẳng hạn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường gần 127 tỷ đồng để chi hỗ trợ bão Yagi. Bộ Khoa học và Công nghệ được bổ sung gần 19,2 tỷ đồng cho giáo dục đào tạo, dạy nghề. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh gần 4,4 tỷ đồng…

TP Đà Nẵng và tỉnh Sơn La được đề nghị bổ sung lần lượt trên 11,7 tỷ đồng và gần 8,9 tỷ đồng để chi đảm bảo xã hội và kinh tế trên địa bàn.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ rà soát, chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, nội dung đề xuất và bảo đảm việc bổ sung dự toán đúng định mức, chế độ chi, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế và Tài chính… được giao giám sát, Kiểm toán nhà nước kiểm toán việc thực hiện nghị quyết, bảo đảm đúng quy định.

Anh Minh

Tag: kinhte-vnexpress

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 3

No votes so far! Be the first to rate this post.