Bộ trưởng Nội vụ: Sẽ đánh giá công chức theo KPI

Bộ trưởng Nội vụ: Sẽ đánh giá công chức theo KPI – rss

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết sẽ ứng dụng triệt để công nghệ, phân tích dữ liệu và mức độ hoàn thành KPI để đánh giá cán bộ, công chức.

Phát biểu thảo luận tại tổ ở Quốc hội chiều 7/5 về dự án Luật Cán bộ công chức sửa đổi, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà thông tin công chức sẽ được xếp loại theo bốn mức: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ. Quá trình đánh giá dựa trên kết quả, sản phẩm công việc theo vị trí đảm nhiệm, mức độ đáp ứng yêu cầu và đạo đức công vụ.

“Cách thức đánh giá sẽ thay đổi mạnh mẽ”, bà nói, cho biết sau khi Quốc hội thông qua dự thảo luật, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu Chính phủ ban hành nghị định riêng về việc đánh giá công chức.

Bộ trưởng Nội vụ khẳng định việc đánh giá cán bộ, công chức sẽ thay đổi căn bản theo hướng định lượng, dựa trên vị trí việc làm và chỉ số hiệu quả công việc (Key Perfomance Indicator – KPI), thay cho cách đánh giá cảm tính, chung chung như hiện nay. Khi áp dụng phương pháp mới, việc đánh giá trở nên rất đơn giản. Công chức làm gì, hoàn thành như thế nào, bao nhiêu sản phẩm – tất cả đều được lượng hóa và dùng làm dữ liệu đầu vào. Đây là thước đo rõ ràng, minh bạch.

Theo lãnh đạo Bộ Nội vụ, việc đổi mới phương thức đánh giá nhằm xóa bỏ tư duy “biên chế suốt đời”. Vào biên chế sẽ không đồng nghĩa với việc “ngồi chắc, không ra”. Muốn vậy, cần hai công cụ chính là đánh giá theo vị trí việc làm và áp dụng cơ chế hợp đồng đối với chuyên gia, nhà khoa học và các chức danh đặc thù khác.

“Cơ chế hợp đồng cũng là cách làm phổ biến ở nhiều nước tiên tiến. Họ không duy trì biên chế cứng như ta mà linh hoạt trong tuyển dụng, quản lý và đánh giá”, bà nói.





Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Hoàng Phong

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Hoàng Phong

Theo dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, kết quả đánh giá sẽ được lưu vào hồ sơ, thông báo đến cá nhân và công khai trong đơn vị công tác. Đây là căn cứ để sử dụng, bố trí, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với công chức. Mục tiêu là sàng lọc, loại bỏ những người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Trường hợp công chức bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ, cơ quan quản lý có thể điều chuyển sang vị trí có yêu cầu thấp hơn hoặc cho thôi việc. Nếu hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ, công chức sẽ bị buộc thôi việc.

So với quy định hiện hành, đây là bước thay đổi đáng kể. Hiện nay, công chức chỉ bị cho thôi việc sau hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ; đối với công chức lãnh đạo, nếu không hoàn thành hai năm trong một nhiệm kỳ sẽ bị bố trí lại công việc khác hoặc không được bổ nhiệm lại.

Trước đó, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) từng đề xuất áp dụng KPI và đánh giá định kỳ cán bộ, công chức theo chu kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc một năm. Những người hoàn thành xuất sắc sẽ được tặng thưởng, bằng khen, đề bạt, thăng chức phù hợp với mức độ đóng góp.

‘Chưa thể bỏ ngạch công chức’

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi xác lập vị trí việc làm là trục xuyên suốt trong toàn bộ quy trình quản lý công chức – từ tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, khen thưởng đến kỷ luật. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo đề nghị giữ khái niệm ngạch công chức.

“Nhiều ý kiến cho rằng khi đã thiết kế theo vị trí việc làm thì phải bỏ ngạch, nhưng trên thực tế, ngạch vẫn là công cụ kỹ thuật quan trọng để phân định thứ bậc trong nền công vụ. Nếu loại bỏ ngay sẽ rất khó cho việc tổ chức, vận hành”, bà Trà lý giải.

Lấy ví dụ từ cải cách tiền lương – vốn là một quá trình dài hơi – Bộ trưởng cho rằng việc duy trì ngạch công chức giúp dễ dàng thiết kế các chính sách liên quan đến cơ chế đãi ngộ và phân cấp quản lý. Dù không phải là yếu tố cốt lõi, nhưng ngạch công chức vẫn đang có mối liên hệ chặt chẽ với nhiều quy định pháp luật hiện hành.

Theo Bộ trưởng, dự thảo luật cũng đưa ra một số đổi mới đáng chú ý. Đó là loại bỏ hàng loạt thủ tục không còn phù hợp như yêu cầu tập sự một năm đối với công chức mới tuyển dụng; bỏ quy định thi nâng ngạch; phân cấp toàn diện việc quản lý chất lượng đầu vào công chức về địa phương.

Trước đây, Bộ Nội vụ tổ chức hội đồng thi tuyển quốc gia, sau đó địa phương tiếp tục quy trình tuyển dụng. “Cách làm này nhiều tầng nấc, rườm rà, dẫn đến khó kiểm soát, phát sinh bất cập và tiêu cực. Việc phân cấp mạnh cho địa phương sẽ giúp linh hoạt, sát thực tế hơn”, bà Trà nói.

Sơn Hà

Tag: thoisu-vnexpress

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 4

No votes so far! Be the first to rate this post.