
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng hỏi ông Tuấn Phan danh sách những chuyên gia công nghệ đang làm việc ở các tập đoàn quốc tế – Ảnh: B.D.
Trong buổi làm việc tại thành phố Đà Nẵng sáng 28-7, đoàn công tác Bộ Khoa học và Công nghệ đã đến thăm lớp đào tạo thiết kế vi mạch tại Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 (dưới chân cầu Thuận Phước, thành phố Đà Nẵng).
Việt Nam phải làm những gì chưa ai làm
Lớp học do Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng phối hợp với Công ty TNHH Synopsys Việt Nam, Tập đoàn Sovico và Tổ chức chuyên gia công nghệ TreSemi (Hoa Kỳ) tổ chức.
Lớp học do ông Phil Hoàng – quản lý kỹ thuật cao cấp, Công ty Skyworks Solutions, Inc – trực tiếp giảng dạy, với sự tham gia của 38 học viên là giảng viên và sinh viên năm cuối chuyên ngành vi mạch bán dẫn hoặc ngành gần từ các cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố. Chương trình bắt đầu từ tháng 4 và dự kiến hoàn thành vào tháng 8-2025.

Không gian làm việc của nhân viên Tập đoàn FPT tại Đà Nẵng – Ảnh: B.D.
Tại văn phòng làm việc của Công ty cổ phần FPT – đơn vị đối tác chiến lược của thành phố Đà Nẵng trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, khi được ông Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị đặt câu hỏi gì đó cho bộ trưởng thì ông Tôn Đức Thuận, cán bộ tại bộ phận nghiên cứu và phát triển, đã hỏi rằng Bộ Khoa học và Công nghệ có định hướng gì trong lĩnh vực quản lý cho Đà Nẵng.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng định hướng chung hiện nay là phải phối hợp được giữa công nghệ và nghiệp vụ. Việt Nam chỉ có định hướng duy nhất, đó là muốn vươn lên thì phải làm cái chưa ai làm; nếu làm lại cái đã có thì giá trị gia tăng rất ít.
Bộ trưởng hỏi “làm sao sử dụng được ‘đầu’ của người giỏi?”
Tại không gian làm việc của Công ty AiaiVN ở Đà Nẵng, ông Tuấn Phan – giám đốc điều hành – nói rằng ông có nhóm cộng sự đang là chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ làm việc ở Microsoft, NIVIDIA.
Trong các cuộc trao đổi hằng ngày cũng như công việc, đội ngũ này luôn bày tỏ khao khát hướng trở về Việt Nam để một ngày nào đó có thể góp sức tạo ra các dự án lớn, đưa Việt Nam vươn ra toàn cầu.
Ấn tượng với danh sách các nhân tài cùng nơi đang làm việc mà ông Tuấn Phan cung cấp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã hỏi rằng: “Làm sao để dùng được “đầu” của đội ngũ này?”.
Ông Tuấn Phan kiến nghị rằng cần nhất là môi trường đủ lớn cùng các dự án đủ tầm trong nước để triển khai các ý tưởng lớn.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nghe đề xuất của doanh nghiệp về việc tận dụng người giỏi – Ảnh: B.D.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng việc đưa được các chuyên gia người Việt tài năng đang làm việc tại các tập đoàn công nghệ trên thế giới về là một bài toán lớn.
Môi trường làm việc và thể chế là những điều kiện để phát triển. Chuyên gia giỏi làm việc mà tạo ra thành quả thì phải được hưởng thành quả đó để trở nên giàu có lên, không nên tạo điều kiện ban đầu quá tốt.
“Hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ quy định nếu cầm tiền Nhà nước mà đi nghiên cứu thì kết quả đó Nhà nước phải cầm về và cho nhóm nghiên cứu đó sở hữu kết quả.
Thứ hai là mang kết quả nghiên cứu đó để thương mại hóa, nếu tạo ra 100 đồng thì 30 đồng phải đưa lại cho nhóm nghiên cứu. Nếu như có một người Việt Nam sở hữu sáng chế có giá trị lớn thì sẽ được trích lại phần trăm để trở nên giàu có” – ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.