Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu sớm phân bổ ngân sách, cấp bổ sung kinh phí, hướng dẫn địa phương, cơ quan, đơn vị kịp thời chi trả chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc do sắp xếp bộ máy.
Ngày 17/5, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành kết luận, giao Đảng ủy Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ chủ trì thực hiện nhiệm vụ, đồng thời khẩn trương ban hành chính sách hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Văn phòng Trung ương Đảng chịu trách nhiệm hướng dẫn hoàn thiện thủ tục, đảm bảo việc chi trả chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc do sắp xếp lại các cơ quan, ban đảng ở Trung ương diễn ra đúng quy định, kịp thời và minh bạch.
Các cơ quan liên quan phải đánh giá kỹ tác động, thực hiện hiệu quả chính sách với đội ngũ cán bộ bị ảnh hưởng, đặc biệt quan tâm đến người người dân tộc thiểu số và người theo tôn giáo.
Theo ước tính của Bộ Nội vụ, sau khi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính từ 63 xuống còn 34 tỉnh, cả nước sẽ giảm 18.449 biên chế cấp tỉnh, 110.786 biên chế cấp xã và 120.500 người hoạt động không chuyên trách cấp xã.
Tổng kinh phí dự kiến giai đoạn 2025-2030 để chi trả cho cán bộ, công chức thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi do sáp nhập đơn vị hành chính các cấp là 128.480 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 22.139 tỷ đồng sẽ chi cho cấp tỉnh, 99.700 tỷ đồng cho cấp xã, và 6.600 tỷ đồng dành cho đóng bảo hiểm xã hội để không trừ tỷ lệ lương hưu cho người nghỉ hưu trước tuổi.

Công chức làm việc tại Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng, tháng 5/2025. Ảnh: Nguyễn Đông
Bộ Chính trị giao Đảng ủy Chính phủ triển khai phân cấp, phân quyền theo hướng Trung ương tập trung quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch thống nhất, đồng thời đóng vai trò kiến tạo và tăng cường giám sát. Việc phân cấp phải đủ mạnh, rõ ràng, hợp lý, đảm bảo nguyên tắc “địa phương quyết định – địa phương làm – địa phương chịu trách nhiệm”.
Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh yêu cầu phân định rõ thẩm quyền chung của UBND và thẩm quyền riêng của Chủ tịch UBND các cấp nhằm nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trong thực thi nhiệm vụ, chậm trễ trong triển khai các nhiệm vụ hoặc gửi xin ý kiến tràn lan.
Đảng ủy Quốc hội tập trung chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013, đảm bảo công khai, minh bạch và đúng tiến độ.
Các ban đảng Trung ương, Đảng ủy Chính phủ, bộ, ngành và các địa phương được yêu cầu sớm thành lập bộ phận thường trực để hướng dẫn, tiếp nhận và giải đáp các kiến nghị liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính. Bộ phận này sẽ hoạt động đến hết tháng 10/2025.
Bên cạnh đó, các tỉnh ủy, thành ủy cần khẩn trương xây dựng phương án nhân sự cấp tỉnh, cấp xã phù hợp với tình hình mới sau sáp nhập, đảm bảo tiêu chuẩn, đúng quy trình và tiến độ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng cần được chú trọng, đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình chính quyền địa phương hai cấp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Vũ Tuân