Năm ngoái, Việt Nam chi 16,5 triệu USD nhập cau chế biến từ Trung Quốc, chủ yếu là kẹo cau, tăng gấp 2,6 lần so với 2023.
Khảo sát trên thị trường cho thấy, kẹo cau Trung Quốc ngày càng được nhập nhiều về Việt Nam và bán với giá gấp vài chục lần so với cau tươi trong nước.
Tại các chợ truyền thống, loại kẹo này được bán theo gói 50 gram, giá dao động từ 120.000 đến 250.000 đồng (tùy loại). Mỗi bịch kẹo có các hương vị khác nhau như socola, bạc hà, thuốc bắc, kỳ tử… để tăng độ đa dạng và hấp dẫn cho người dùng. Riêng các loại kẹo kết hợp kỳ tử thường đắt hơn.
Trên các sàn thương mại điện tử, hàng trăm shop cũng rao bán loại kẹo cau khô này với đủ các loại giá và thương hiệu khác nhau. Nhiều cửa hàng đã tiêu thụ với số lượng hàng nghìn gói.
Chị Hoà, chủ shop online tại Lào Cai, cho biết đã bán kẹo cau 3 năm, mỗi đợt nhập hàng trăm thùng để bán lẻ và sỉ. “Khách quen thường mua lại, một số khác đặt thử”, chị chia sẻ. Nhờ mạng xã hội, kẹo cau ngày càng phổ biến, lượng hàng nhập tại cửa hàng chị tăng 30% so với năm ngoái.

Kẹo cau bán trên các cửa hàng thương mại điện tử. Ảnh chụp màn hình
Trong khi đó, giá cau Việt Nam năm ngoái cũng tăng vọng nhờ nhu cầu thu mua mạnh từ Trung Quốc. Xuất khẩu cau tươi đạt 35 triệu USD, tăng hơn 120% so với năm ngoái, với giá kỷ lục 85.000-90.000 đồng một kg. Việt Nam hiện vẫn chủ yếu xuất khẩu cau thô mà chưa đầu tư vào việc chế biến. Điều này tạo ra nghịch lý khi Việt Nam cung cấp nguyên liệu nhưng lại phải nhập sản phẩm chế biến từ Trung Quốc với giá cao gấp vài chục lần.
Việt Nam hiện là nhà cung cấp cau tươi lớn, nhưng vẫn chi tới 16,5 triệu USD để nhập cau chế biến từ Trung Quốc, tăng 160% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, phần lớn là kẹo cau – món ăn vặt truyền thống của Trung Quốc được đóng gói 50-100 gram, bán lẻ tại Việt Nam với giá 160.000-247.000 đồng, tương đương 2,5-4 triệu đồng một kg – đắt gấp vài chục lần so với cau tươi trong nước.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, khách nội địa ít tiêu dùng loại kẹo này, nhu cầu nhập khẩu chủ yếu để phục vụ người Trung Quốc sinh sống tại Việt Nam hoặc mua làm quà biếu. Việt Nam hiện chưa có nhà máy quy mô lớn chế biến cau, nên phần lớn vẫn xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô.

Kẹo cau được bán trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Shopee
Kẹo cau Trung Quốc được ưa chuộng vì có vị ngọt the như kẹo gừng, giúp giữ ấm và chống viêm họng, nhất là vào mùa lạnh. Loại này chế biến từ cau non khi hạt chưa hình thành hoặc còn rất nhỏ. Sau khi luộc, cau được sấy khô và chế biến sâu.
Trong chuỗi sản xuất, Trung Quốc phân chia vai trò rõ ràng: tỉnh Hải Nam cung cấp nguyên liệu, trong khi tỉnh Hồ Nam đảm nhận việc chế biến. Năm ngoái, khi nguồn cung cau tươi tại Hải Nam thiếu hụt vì dịch bệnh, các doanh nghiệp Trung Quốc đã tăng cường thu mua từ Việt Nam
Làn sóng này khiến giá cau tại các tỉnh miền Trung như Quảng Ngãi, Bình Định cuối năm ngoái tăng vọt, lên tới 85.000 đồng một kg, gấp 10 lần so với vài năm trước.
Thi Hà