
Ở tuổi 78, bà Tôn Nữ Thị Ninh vẫn giữ phong thái của một nhà ngoại giao từng nhiều lần góp mặt vào nỗ lực đối thoại với thế giới vì một Việt Nam độc lập và có tiếng nói. Trong cuộc trò chuyện với VnExpress, bà chia sẻ về hành trình trở về, góc nhìn qua những cuộc đối thoại cùng cộng đồng người Việt ở hải ngoại, và những bài học đúc kết từ kinh nghiệm làm việc với các cường quốc. Với thế hệ trẻ hôm nay, bà chọn gửi gắm ba chữ: Tâm – Trí – Khát vọng.
– Nhìn lại hành trình 50 năm đất nước hòa bình, bà nghĩ đâu là giá trị lớn nhất mà Việt Nam đã xây dựng và lan tỏa ra thế giới?
– Những ngày này, chỉ cần bước ra đường cũng cảm nhận được sự hân hoan của người dân và cả những đoàn khách quốc tế đến thăm, trong đó có cả người Mỹ. Tôi tự hỏi, có mấy dân tộc từng bị chiến tranh tàn phá lại có thể cùng những người từng là “kẻ thù” – chia sẻ một thời khắc vui mừng như thế? Không nhiều.
Chính nhờ chủ trương gác lại quá khứ, hướng về tương lai – cùng tố chất bao dung, hòa hiếu của người Việt – mà Việt Nam đã xây dựng được một nền văn hóa kiến tạo hòa bình. Nhờ đó, từ những kẻ từng ở hai chiến tuyến, ta đã đi từ chiến tranh đến đối thoại, từ đối đầu đến đối tác – như chính mối quan hệ Việt – Mỹ hiện nay.
Đây không chỉ là dịp kỷ niệm, mà là thời điểm để khẳng định bản lĩnh và tầm vóc của một dân tộc biết khép lại quá khứ để hướng tới tương lai.
– Là người sinh ra trong một gia đình gốc hoàng tộc ở Huế và từng có gần hai thập kỷ sống tại Pháp, những trải nghiệm trong môi trường sống ảnh hưởng gì đến quyết định tham gia phong trào yêu nước của bà?
– Dù là một gia đình hoàng tộc, cha tôi là người duy nhất trong nhà xin được ông nội cho đi học nước ngoài. Ông hiểu thế giới, biết về phương Tây, nhưng vẫn gìn giữ truyền thống. Có lẽ vì vậy, tôi tiếp thu rất nhanh bầu không khí đa văn hoá.
Khi sang Pháp học đại học, tôi tiếp nhận môi trường mới một cách rất tự nhiên. Những năm 60, khi tôi đang là sinh viên ở Pháp, phong trào phản chiến, giải phóng dân tộc sôi sục khắp trời Tây, đặc biệt là châu Âu. Tôi vừa đi học, vừa được bạn bè rủ tham gia biểu tình vì Palestine, vì Nam Phi, vì những quốc gia bị áp bức.
Trong gia đình, chúng tôi không bao giờ nói đến chiến tranh. Nhưng một hôm, tôi tình cờ đọc một cuốn sách của Mỹ kể về cách họ đánh quân ta trong rừng. Tôi xúc động mạnh, nghĩ: “Mình không thể cứ ôm sách vở vô tư”.
Rồi một bước ngoặt đến vào năm 1969, khi Bác Hồ qua đời. Hội Sinh viên Yêu nước ở Pháp lập bàn thờ Bác và tôi đến thắp hương. Khoảnh khắc đó rất khó diễn tả – vừa thiêng liêng, vừa thức tỉnh.
Đó là khởi điểm. Ngay sau lễ tưởng niệm, tôi gặp các anh chị trong Hội Sinh viên và Hội Trí thức Việt Nam tại Pháp và quyết định gia nhập. Là người Việt, tôi thấy mình không thể chỉ dừng lại ở xúc cảm hay biểu tình đơn lẻ. Cần hành động trong tập thể, có định hướng, có hiệu quả.
– Hành trình trở về của bà bắt đầu từ những rung cảm rất riêng. Sau đó, cơ duyên hỗ trợ phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và bà Nguyễn Thị Bình tại hội nghị Paris, có ý nghĩa thế nào với con đường tiếp theo của bà?
– Khi Hội của chúng tôi tham gia hỗ trợ phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Paris, tôi được phân công nhờ khả năng tiếng Anh. Với phái đoàn miền Bắc, tôi dịch tài liệu và làm việc ở vòng ngoài. Với phái đoàn miền Nam, tôi có cơ hội dịch trực tiếp cho bà Nguyễn Thị Bình trong những cuộc gặp bên lề với báo chí, với các đoàn phụ nữ Mỹ – trong đó có cả những bà mẹ từng mất con ở chiến trường Việt Nam.
Khi tham gia hỗ trợ tại hội nghị, lần đầu tiên tôi thực sự cảm nhận đất nước mình còn nghèo đến nhường nào. Cả hai phái đoàn đều trong điều kiện hết sức thiếu thốn. Đi dự hội nghị quốc tế mà chỉ có một chiếc vali da – dành cho trưởng đoàn – còn lại là vali giấy bìa cứng mượn tạm. Nam giới phải mượn áo vest của Bộ Tài chính, cổ áo còn ghi số để hoàn trả lại kho. Nhưng điều làm tôi ấn tượng sâu sắc là phong thái của chúng ta. Ai cũng hiên ngang, đầy tự tin.
Thời đó, truyền thông phương Tây hay mô tả “Việt Cộng” như “những người trong bộ đồ đen, ngậm dao trong miệng”, ngụ ý chúng ta kém văn minh và thiếu tính người. Nhưng hình ảnh các phóng viên quốc tế thấy lại hoàn toàn trái ngược. Bà Nguyễn Thị Bình, Trưởng đoàn của Chính phủ Cách mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam luôn xuất hiện với dáng vẻ quý phái, hiếm ai có được. Đoàn miền Nam phần lớn là phụ nữ, nhưng họ nổi bật, tự tin bước vào “trận chiến”.
Tôi cũng có dịp gặp ông Xuân Thủy, trưởng đoàn miền Bắc – một nhà nho, nhẹ nhàng, tinh tế nhưng vô cùng dí dỏm. Có lần, báo chí phương Tây cố tình hỏi xoáy: “Ông nghĩ gì về mốt váy mini đang thịnh hành ở châu Âu?”. Câu hỏi có vẻ muốn làm khó một cán bộ cộng sản. Ông chỉ dừng lại vài giây rồi trả lời: “Tôi nghĩ nó không thể ngắn hơn nữa”. Báo chí ồ lên bất ngờ. Tôi rất sung sướng vì nghe được câu trả lời rất trí tuệ, dí dỏm như vậy.
Những điều đó khiến tôi rất nể phục. Tiếp xúc với những cán bộ như thế, tôi càng tự tin về lý tưởng theo đuổi chính nghĩa của mình.

– Sau những trải nghiệm tại Hội nghị Paris, điều gì khiến bà quyết định rời giảng đường đại học Pháp để trở về Việt Nam, bước vào giai đoạn hoạt động chính trị, và sau này là ngoại giao?
– Năm 1972, Phái đoàn miền Nam (Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam) đề nghị tôi trở về. Lúc ấy tôi đang là giảng viên đại học Paris III. Tôi nhận lời như một quyết định hiển nhiên. Đó là tiếng gọi của chính nghĩa và lương tâm.
Tôi được chọn vì lúc đó trong nước cần những người có xuất thân từ tầng lớp trung, thượng lưu miền Nam, để có thể tiếp cận, vận động các thành phần khác nhau trong xã hội. Tôi được giải thích rõ về vai trò của giai đoạn đấu tranh chính trị, không còn chỉ là đấu súng, mà là xây dựng thế lực chính trị trong lòng Sài Gòn.
Trước khi trở về nước, tôi được bà Nguyễn Thị Chơn – người phụ trách Ban Phụ vận Sài Gòn – Gia Định và là một trong năm nữ đại biểu của phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời – trực tiếp bồi dưỡng. Mọi việc diễn ra rất kỹ lưỡng, chu đáo, từ việc bà đi xe của Đảng Cộng sản Pháp đến đón, mang theo một thanh niên Pháp để tránh bị theo dõi, đến các buổi gặp mặt kín đáo tại nhà một bác công nhân lớn tuổi. Tôi rất nể phục sự tinh tế, bản lĩnh và cách tổ chức của lực lượng cách mạng.
Không chỉ mình tôi trở về thời điểm đó. Một số người khác cũng về, kể cả một người bạn của tôi từng làm trong Bộ Chiêu Hồi của chính quyền Sài Gòn – cho thấy chúng ta thâm nhập rất sâu vào bộ máy đối phương.
Sau này, tôi vẫn thường nói với bạn bè Mỹ: “Các ông không thể thắng, vì chúng tôi có mặt ở khắp nơi”. Họ có thể hơn ta về vũ khí, nhưng không thể bằng ta về lý tưởng và sự gắn bó với nhân dân. Tôi luôn cảm phục những con người phía ta thời đó – vừa làm đối ngoại, vừa vận động chính trị – tất cả đều xuất sắc, được bố trí và phát huy bài bản.
– Bỏ lại sự nghiệp khi đang là giảng viên tại Pháp để quay về, hành trình tiếp theo của bà ở Việt Nam bắt đầu như thế nào?
– Năm 1972, khi về Sài Gòn, với tôi đó là bước vào một chương hoàn toàn mới, không biết điều gì đang chờ đợi phía trước. Giai đoạn đầu, tôi chủ yếu dành thời gian để thích nghi, quan sát và đóng góp trong khả năng. Tôi về giảng dạy tại Đại học Sư phạm TP HCM.
Đến năm 1978, trong một lần đi dự Liên hoan Thanh niên Dân chủ Thế giới ở Cuba, tôi gặp lại ông Xuân Thuỷ. Ông gợi ý tôi ra Hà Nội làm việc cho Ban Đối ngoại Trung ương Đảng. Lời đề nghị đó khiến tôi do dự mất mấy tuần. Nhiều người thân lo ngại tôi sẽ bị cô lập, không thể hòa nhập với điều kiện sinh hoạt và môi trường công việc vốn khác biệt so với Sài Gòn. Bố mẹ tôi khi ấy cũng đã lớn tuổi.
Nhưng cuối cùng, tôi đồng ý, chỉ bởi một câu nói của ông Xuân Thủy: “Người làm giáo dục tốt như cô chắc không thiếu. Nhưng Hà Nội chưa có ai hiểu sâu sắc về tư duy, lối sống của xã hội phương Tây như cô – người từng sống gần 20 năm ở nước ngoài.”
– Từ hoàn cảnh xuất thân, và phần lớn thời gian lại sống ở nước ngoài, bà gặp khó khăn gì trong những ngày đầu làm quen với cuộc sống ở miền Bắc?
– Tôi ra Hà Nội vào tháng 11 năm 1979. Khoảng thời gian ấy thách thức khủng khiếp.
Cuộc sống lúc ấy đầy những câu chuyện vừa khổ, vừa vui. Tôi còn nhớ có lần thèm ăn bún, tôi phải đạp xe mang nửa kg gạo ra chợ đổi vì lúc đó không ai có sẵn đủ gạo để cán bún mà bán.
Hay mỗi lần muốn mua thực phẩm thì phải xếp hàng rất đông. Mọi người nghĩ ra đủ cách giữ chỗ: đặt rổ, chậu, thậm chí cả đôi dép. Có những lúc đang ngồi làm việc ở cơ quan, ai đó hô to: “Cá về rồi!” – mọi người lập tức bỏ hết công việc chạy ra cửa hàng. Đến lúc mua được thì cá đã dập nát một nửa vì không có bảo quản lạnh. Chúng tôi đùa với nhau rằng đó là “cá đồng tiền” vì vừa bé vừa quý.
– Còn về công việc, khi chuyển từ giáo dục sang lĩnh vực mới là ngoại giao, bà đã thích nghi thế nào?
– Ngoại giao chính thức là một thế giới hoàn toàn mới đối với tôi. Thời đó tôi phải “vừa chạy vừa xếp hàng”, tức là vừa làm, vừa học, điều chỉnh, rồi làm tiếp. Tôi tự mày mò vì trước đó chưa hề học về ngoại giao. May mắn là kinh nghiệm tham gia phong trào quốc tế thời còn ở Paris đã cho tôi nền tảng quý: một tư duy mở, sẵn sàng tiếp cận các góc nhìn rất khác nhau từ bạn bè quốc tế. Ngoài ra, tôi biết hai ngoại ngữ nên dễ tiếp cận tài liệu tham khảo.
Tôi lần đầu cảm nhận sự tự tin trong công việc đối ngoại khi tháp tùng Chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế và phu nhân thăm Lăng Bác Hồ. Trong lúc trò chuyện, tôi kể chuyện Thủ tướng Phạm Văn Đồng – một trí thức xuất thân từ gia đình quan triều Nguyễn – đã chủ động đi theo cách mạng, để họ hiểu rằng kháng chiến không chỉ là nông dân cầm súng, mà là cuộc đứng dậy của cả một dân tộc.
Tôi tin rằng tiếp khách quốc tế không chỉ là dẫn đi tham quan, mà phải kể những câu chuyện khiến họ hiểu và đồng cảm. Có lẽ đó là bản năng của một nhà giáo. Trước khi rời Việt Nam, vị khách nói với tôi: “You are a very good advocate for Vietnam”. Đó như liều vitamin C đầu tiên tiếp sức cho tôi trên hành trình ngoại giao.

Chưa đầy một năm sau, khi tháp tùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng công du nước ngoài, tôi được Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch mời về Bộ. Dù trân trọng, tôi từ chối vì còn mang ơn ông Xuân Thuỷ – người đã nâng đỡ tôi từ những ngày đầu. Mãi đến năm 1983, khi ông rút khỏi Ban Đối ngoại Trung ương, tôi mới nhận lời.
Tại đó, tôi được chọn giữa hai vị trí. Một là Vụ Châu Mỹ, hai là Vụ Tổ chức quốc tế – nơi chuyên xử lý các mối quan hệ đa phương, Liên Hiệp Quốc và các tổ chức với thành viên nhiều nước khác nhau. Với suy nghĩ quan hệ đa phương (hình thức ngoại giao với nhiều quốc gia) sẽ góp phần định vị và tạo thế cho Việt Nam trên trường quốc tế. Tôi chọn Vụ Tổ chức quốc tế. Nhưng rồi, số phận vẫn đưa tôi quay lại với nước Mỹ. Sau này, khi công tác tại Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, tôi được phân công phụ trách quan hệ với Bắc Mỹ và châu Âu.
– Ở giai đoạn phụ trách quan hệ với khu vực Bắc Mỹ và Châu Âu tại Quốc hội, bà đối mặt với những thách thức gì?
– Thời đó, tôi rất chủ động trong quan hệ với Mỹ – khác với châu Âu, vốn thiên về các vấn đề thương mại, chống bán phá giá. Mỹ là “mặt trận” nóng bỏng hơn với các vấn đề nhân quyền, cộng đồng người Việt hải ngoại, và quá trình bình thường hóa quan hệ. Tôi xác định đây là trọng tâm trong nhiệm kỳ của mình.
Có hai kỷ niệm tôi nhớ trong giai đoạn gỡ các vấn đề với Mỹ.
Một lần, tôi chủ động thực hiện chuyến đi đối thoại tại Mỹ, tới cả những nơi có cộng đồng phản đối Việt Nam mạnh mẽ nhất. Tôi đi qua bảy, tám thành phố, từ bờ Đông sang bờ Tây. Tôi muốn họ biết rằng Việt Nam có Quốc hội, có Ủy ban Đối ngoại và chúng tôi không ngại đối thoại.
Chúng tôi ghé thăm một số trường đại học, và điều đó lan truyền thành dư âm. Trên mạng xã hội, nhiều bạn trẻ Việt kiều bàn tán rồi kéo nhau tới.
Từ Chicago lác đác có lực lượng phản đối. Bộ Ngoại giao Mỹ cử một sĩ quan an ninh đi theo tôi. Đến điểm cuối là San Diego, nhóm gốc Việt thuê hai xe buýt tới biểu tình. Họ đến từ rất sớm, đứng đợi nhiều tiếng trước cổng trường.
Thường trong tình huống đó, trường phải giới hạn số ghế phe phản đối, ví dụ 70-30. Nhưng khi đó, tất cả nhóm được cho vào, họ chiếm gần nửa phòng, thậm chí một nhóm còn đứng phía sau.
Đến phần cuối, tôi để họ đặt câu hỏi. Một người trẻ đứng lên, đọc từ một tờ giấy những lời tố cáo Việt Nam. Tôi buồn vì họ chưa từng về nước, nhưng cứ lặp lại những định kiến cũ. Họ đã trưởng thành mà vẫn không tự tư duy, không tự mình tìm hiểu. Tôi không tranh cãi, chỉ nói: “Việt Nam không phải thiên đường. Nhưng chắc chắn cũng không phải địa ngục như quý vị mô tả”. Câu đó là để nói với những người không trong đoàn biểu tình – những ai còn muốn lắng nghe. Còn với ai không muốn hiểu thì tôi không thanh minh, vì làm vậy là tự đặt mình ở thế yếu. Tinh thần của tôi luôn là đến để đối thoại, sẻ chia.
Chuyến đi ấy thành công tới đâu, tôi không dám nói. Nhưng tôi tin một điều: làm đối ngoại với một nước lớn như Mỹ thì phải chủ động, không thể ngồi chờ họ đến. Không chỉ gặp vài người ở Washington DC là xong – phải đi đến tận nơi, tận cơ sở.
Kỷ niệm thứ hai là cuộc gặp nghị sĩ Loretta Sanchez – người từng có những phát biểu tiêu cực khi đến Việt Nam. Bà ấy không biết tôi là ai, tôi chủ động xin gặp. Trong cuộc nói chuyện, bà giải thích: “Tôi phải lắng nghe cử tri của mình”. Tôi để bà nói xong rồi đáp: “Bà và tôi đều là đại biểu Quốc hội, đều do cử tri bầu. Đúng, chúng ta phải nghe. Nhưng chúng ta còn có trách nhiệm dẫn dắt, giáo dục, không thể gật đầu trước những điều sai lệch”.
Bà nghe xong thì gật gù, không phản ứng gì tiêu cực vì tôi nói trúng tim đen. Kết thúc cuộc gặp, bà chủ động ôm hôn tôi. Tôi nghĩ trong thâm tâm, bà hiểu nhóm cử tri cực đoan đó không nên cản trở việc cải thiện quan hệ với Việt Nam nhưng bà tránh nói điều ngược lại vì “lo mất phiếu”.

– Còn trong thời gian bà làm Đại sứ tại Bỉ, Luxembourg, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh Ủy ban châu Âu (EU), bà chọn hướng tiếp cận như thế nào?
– Thời điểm làm Đại sứ tại Bỉ và Luxembourg, tôi khởi xướng hình thức đối ngoại mới: ngoại giao văn hóa. Tuần lễ Việt Nam đầu tiên tại Bỉ diễn ra ở ba thành phố, ban đầu vấp phải phản đối, nhưng kết thúc lại nhận được sự hưởng ứng bất ngờ – đến mức có người từng phản đối phải thốt lên: “Làm đại sứ như bà Ninh cũng được đấy!”.
Tôi cũng chú trọng tạo dấu ấn lâu dài bằng việc mua và nâng cấp trụ sở Đại sứ quán mới cho Việt Nam tại Brussels, khánh thành đúng dịp Thủ tướng Phan Văn Khải thăm EU. Trụ sở được sửa sang bởi một kiến trúc sư Việt kiều, bài trí bằng tranh Việt, trình diễn múa rối nước và thời trang áo dài. Một quan chức EU từng nói với tôi: “Chưa đầy 30 năm sau chiến tranh, trình độ thẩm mỹ của Việt Nam chẳng thua gì Nhật Bản” – đó là lời ghi nhận đáng quý cho hình ảnh văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.
– Sau những lần đối mặt với các nước lớn, bà đúc rút ra những bài học ngoại giao nào cho bản thân?
– Bài học tôi rút ra là: phải làm, không ngại, không sợ. Chỉ cần mình chuẩn bị đúng, nói trúng, có lý, có tình, dùng đúng phương pháp và ngôn ngữ thích hợp, thì sẽ hiệu quả. Tôi cho rằng trong nghề đối ngoại, không sợ nhưng phải biết người, biết ta. Cốt lõi nhất là cần đánh giá đúng tương quan giữa đối phương và bản thân mình.
Thứ hai là luôn giữ thế chủ động. Nếu chưa chuẩn bị kỹ đã xông lên, cũng không nên.
Như trường hợp ở San Diego, tôi rất tự tin. Thứ nhất, khi đó là năm 2004, Việt Nam đã khác nhiều so với trước. Cộng đồng người Việt ở hải ngoại cũng dần về nước thăm thân, du lịch, làm ăn, giao lưu. Tôi gọi đó là bình thường hóa lần thứ hai – sau lần đầu tiên là bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ năm 1995.
Nhưng tiếp người Việt về nước thì dễ, vì phần lớn là du khách. Tôi muốn tiếp cận với nhóm bảo thủ nhất trong cộng đồng. Sau buổi đối thoại ở San Diego, một giảng viên gốc Việt nói với tôi: “Chị phải thông cảm, họ là con cháu những gia đình quân đội Sài Gòn cũ, họ mất mát nhiều”. Tôi trả lời: “Không ai biết bên nào mất mát nhiều hơn. Giai đoạn để cân đong đo đếm đó đã qua rồi”.
Đó là một câu chuyện buồn, vô vọng, buộc phải cho qua. Có những vết thương phải để thời gian chữa lành. Có lẽ, đến khi thế hệ ấy qua đi, mọi thứ sẽ lắng xuống. Lúc đó, sẽ chỉ còn một khái niệm: người Việt trong và ngoài nước, chứ không còn “hai bên” nữa. Bình thường hóa lần hai không nhanh, nhưng tôi tin là đang chuyển động. Và có những chuyện, phải để cuộc đời tự giải quyết. Nếu cứ lôi quá khứ ra để mổ xẻ, thì rất khó mà đối thoại.

– Ngoại giao và mối quan hệ với các nước lớn là vấn đề được quan tâm. Bà nhận định thế nào về thách thức và cơ hội của Việt Nam trong bối cảnh hiện tại?
– Tôi cho rằng Việt Nam đã hội nhập sâu rộng đến mức, thách thức toàn cầu cũng là thách thức của Việt Nam. Những vấn đề như trật tự thế giới, hòa bình, phồn vinh hay phát triển đều là những bài toán mà Việt Nam không thể đứng ngoài. Câu hỏi đặt ra là: Chúng ta có gì trong tay? Điểm mạnh, điểm yếu nằm ở đâu để từ đó ứng phó?
Tôi cho rằng, điểm thuận lợi thứ nhất là phát triển kinh tế 50 năm qua – tôi gọi là lực. Nếu kinh tế còn như những năm 80, ta dễ tổn thương hơn. Nhờ công cuộc Đổi mới và chính sách hội nhập quốc tế đúng đắn, ngày nay IMF đánh giá đến năm 2025, Việt Nam sẽ là nền kinh tế lớn thứ 12 tại châu Á – điều đó không phải ngẫu nhiên.
“Lực” thứ hai, vừa lực vừa thế, là quốc phòng. Chính sách quốc phòng bốn không (không liên minh, không liên kết với nước này chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế) tôi cho rằng rất phù hợp với Việt Nam cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Trong kháng chiến, dù Liên Xô và Trung Quốc không hữu hảo, cả hai đều ủng hộ Việt Nam. Nếu khi ấy chúng ta nghiêng hẳn về một phía, có lẽ đã không có ngày hôm nay. Bối cảnh hiện nay cũng vậy: Việt Nam đứng giữa những siêu cường khác, nhưng bài toán không mới, chỉ là nhân tố thay đổi. Tôi tin Việt Nam sẽ biết cách lèo lái con thuyền an toàn, xây và giữ được thế để phát huy lực.
Ngay cả ông Kishore Mahbubani, cựu Đại sứ Singapore tại Liên Hợp Quốc, người từng tranh luận gay gắt với tôi về vấn đề Campuchia, gần đây cũng công khai khen ngợi Việt Nam biết giữ thế dung hòa, linh hoạt giữa các siêu cường.
Tuy nhiên, lợi thế cũng có thể trở thành bất lợi. Việt Nam xuất khẩu lớn nhưng lại mất cân đối trong nhập khẩu. Điều này đặt chúng ta vào tầm ngắm của một số biện pháp thương mại. Đây là bài toán cũ nhưng khó khăn hơn trước. Trong quan hệ đối ngoại, đó là bài toán “cho – nhận”. Chúng ta chưa kịp “có đi có lại” trong thương mại. Điều này cũng nhắc nhở rằng, nếu phụ thuộc quá vào một thị trường, sẽ nảy sinh phản ứng. Cái gì lệch quá, sớm muộn cũng sẽ thành vấn đề.
Việt Nam từng gian nan gia nhập WTO và hưởng lợi từ các hiệp định đa phương. Tôi lạc quan về hiện tại, nhưng sẽ có những giai đoạn nhùng nhằng. Bài học là phải biết cân bằng lợi ích giữa các bên. Chúng ta có thể tìm được đồng minh cho từng vấn đề cụ thể, đồng minh trong vấn đề A không nhất thiết là đồng minh trong vấn đề B. Việt Nam đã từng trải qua nhiều thử thách, và tôi tin ta sẽ tiếp tục tìm được giải pháp.
Ngoài ra, tôi cũng đánh giá cao những bước chủ động mà Việt Nam đã thực hiện trong thời gian qua: cử lực lượng gìn giữ hòa bình, hỗ trợ nhân đạo trong động đất Thổ Nhĩ Kỳ, hay mở hướng tiếp cận Trung Đông thông qua sản xuất thực phẩm Halal dù cộng đồng Hồi giáo trong nước không đông – vừa có giá trị kinh tế, vừa thể hiện quan tâm đến địa bàn Trung Đông. Chủ động kết hợp cả trong ngoại giao kinh tế, và ngoại giao chính trị là rất phù hợp với giai đoạn này.
Gần đây cũng có ý kiến đặt vấn đề: liệu Việt Nam có nên đóng vai trò kiến tạo hòa bình, làm trung gian hòa giải trong các xung đột quốc tế? Đây là một đề xuất rất mới. Cá nhân tôi nghĩ, hiện tại vẫn chưa nên xung phong. Tình hình trong nước và khu vực đang đòi hỏi nhiều công sức, tâm trí. Nhưng về lâu dài, nếu bối cảnh ổn định và thuận lợi, Việt Nam hoàn toàn có thể đảm nhận vai trò đó. Chúng ta có đủ uy tín quốc tế, kinh nghiệm quan hệ khu vực, và một “lực” vật chất đáng kể để làm được điều ấy.
– Từ hành trình của chính mình, bà đúc rút ra điều gì cho thế hệ trẻ – những người sẽ viết tiếp tương lai của đất nước trong 50 năm tới?
– Tôi sắp tái bản cuốn sách đầu tiên xuất bản năm 2015, tập hợp những bài viết, diễn văn và bài phỏng vấn của tôi trong suốt một thập niên. Trước đây, sách có tựa là Tư duy và chia sẻ, nhưng lần tái bản này, tôi đổi thành Tâm, Trí và Khát vọng. Đó cũng chính là ba điều tôi muốn gửi gắm đến thế hệ trẻ hôm nay – những người sẽ viết tiếp tương lai 50 năm tới của đất nước.
Tâm là cái gốc – là thiện lành, là biết nghĩ cho người khác. Trí là khả năng suy xét, học hỏi, vươn lên. Nhưng chỉ tâm và trí thôi chưa đủ. Phải có khát vọng – một động lực nội tại mạnh mẽ để vươn lên, để làm điều tử tế, đẹp và có tầm.
Tôi luôn nghĩ: khát vọng không nhất thiết phải là điều lớn lao, viển vông. Bạn có thể là một nhà thiết kế, một đầu bếp, một người pha chế nhưng hãy đặt cho mình một chuẩn: “Tôi sẽ làm nghề này giỏi nhất Việt Nam.” Tại sao không? Nếu tuổi trẻ mà cứ an phận, sống bình bình thì buồn lắm.
Thành tựu của bà Tôn Nữ Thị Ninh
|

Nội dung: Thùy Ngân – Diễm Hạnh
Video: Quang Thông – Kỳ Anh
Photo: Thành Nguyễn – Phùng Tiên
Đồ họa: Khánh Hoàng