Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: ‘Cần giữ án tử hình với tội sản xuất thuốc giả’

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: ‘Cần giữ án tử hình với tội sản xuất thuốc giả’ – rss

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan lo ngại bỏ án tử hình với tội sản xuất thuốc giả là phản logic, nhất là trong bối cảnh tội phạm bất chấp sức khỏe người dân để trục lợi.

Sáng 27/5, Quốc hội thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự. Trong dự thảo, Chính phủ đề xuất bãi bỏ án tử hình và thay bằng hình phạt “tù chung thân không xét giảm án” đối với 8 trong số 18 tội danh. Đó là: Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; Phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh; Vận chuyển trái phép chất ma túy; Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; Gián điệp; Tham ô tài sản; Nhận hối lộ.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP HCM, không đồng tình với đề xuất bãi bỏ án tử hình đối với các tội tham ô, nhận hối lộ, vận chuyển ma túy và đặc biệt là sản xuất, kinh doanh thuốc giả. Bà nhấn mạnh hành vi sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng hay sữa giả là “tội ác gây hậu quả hết sức nghiêm trọng”. Thực tế cho thấy vi phạm trong lĩnh vực này ngày càng tinh vi, liều lĩnh và có xu hướng gia tăng. Đáng lo ngại hơn, những người phạm tội đều nhận thức rõ hậu quả nhưng vẫn cố tình thực hiện, coi thường tính mạng và sức khỏe nhân dân để trục lợi.

Với vai trò là người phụ trách quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, bà chia sẻ lực lượng thực thi pháp luật ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. “Tại sao lại đề xuất bỏ hình phạt tử hình trong bối cảnh như vậy? Đây là điều không hợp lý, thậm chí trái ngược với quan điểm nhân văn mà cơ quan soạn thảo đưa ra”, bà Lan nói.





Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Theo đại biểu Phong Lan, việc loại bỏ án tử hình đối với loại tội phạm này không chỉ tạo ra sự bất công với thân nhân các nạn nhân đã tử vong vì thuốc giả, mà còn gây tổn thương đối với những người bị ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe. “Chúng ta có thể xem xét giảm án tử hình theo xu thế chung, nhưng vẫn cần giữ chốt chặn cuối cùng là tử hình đối với những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”, bà nhấn mạnh.

Bà cho rằng, giữ mức án cao nhất đối với tội sản xuất thuốc giả là cần thiết để tạo ra môi trường sống an toàn cho người dân. Đồng thời, bà đề xuất mở rộng hình phạt tử hình cho cả hành vi sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng, sữa giả – những sản phẩm chủ yếu dành cho nhóm yếu thế như trẻ em, phụ nữ mang thai và người cao tuổi. Với ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và niềm tin của toàn xã hội, bà cho rằng hành vi này cần được xem là đặc biệt nghiêm trọng và phải xử lý nghiêm khắc nhất.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Phó đoàn Đăk Lăk) cũng không đồng tình với mức án dành cho sản xuất thuốc giả như dự thảo là phạt tù 20 năm đến chung thân khi làm chết từ hai người vì “chưa tương xứng với tính chất hành vi phạm tội và chưa thể hiện sự răn đe”.

Nữ đại biểu đề nghị không áp dụng các mức án nhân đạo với loại tội phạm này, ngược lại cần tăng nặng để đảm bảo tính răn đe. “Nếu hậu quả chỉ cần có người chết là phải xem xét áp dụng mức án chung thân”, bà đề xuất.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP HCM) nói tác dụng lớn nhất của án tử hình là răn đe với rất nhiều tội phạm. Nhiều người sợ bị tử hình, thậm chí sợ chung thân nên không dám ra tay. Vì vậy, án tử hình trong Bộ luật Hình sự không chỉ có tác dụng trừng phạt mà còn có ý nghĩa lớn hơn là ngăn chặn hành vi phạm tội.

Ông Nghĩa nói nhiều quốc gia đã bỏ hình phạt tử hình, song đều là những đất nước có tình hình tội phạm không nghiêm trọng, “thậm chí có quốc gia còn không có tội phạm hình sự”. Song ở Việt Nam, việc bỏ tử hình với các tội danh như đề xuất là “chưa hợp lý và phù hợp thực tiễn”. Ông Nghĩa đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh đảm bảo phù hợp với pháp luật quốc tế và trong nước.





Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Ông cũng cho rằng “phạt tù chung thân không giảm án chưa thực sự phù hợp trong bối cảnh này”. Bởi án tù chung thân nói chung cũng rất khó được xem xét giảm án, trừ khi phạm nhân giáo dục tốt, lập công lớn và thực sự có quyết tâm hoàn lương. Tuy nhiên, nếu áp dụng hình phạt chung thân không giảm án nghĩa là giao cho nhà nước trách nhiệm nuôi sống và bảo vệ phạm nhân suốt đời và xóa đi hy vọng hoàn lương của họ. “Chính sách này không có tác dụng tích cực đối với các phạm nhân và gia đình”, ông Nghĩa nhìn nhận.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị Quốc hội xây dựng pháp luật hình sự đảm bảo tính ổn định, tiên lượng, tránh việc “sửa đi, sửa lại” làm giảm niềm tin và tạo tâm lý không ổn định của người dân và doanh nghiệp.

Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều Bộ luật Hình sự vào 25/6.

Sơn Hà

Tag: thoisu-vnexpress

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 3

No votes so far! Be the first to rate this post.